An toàn giao thông
Không xử nghiêm, tài xế sẽ lơ là, vi phạm
14:56, 07/02/2014 (GMT+7)
Tai nạn giao thông những ngày đầu năm đang gia tăng. Điều này khiến nhiều người lo ngại, khi mùa lễ hội đang bắt đầu. Đáng lo hơn nữa, khi kết quả kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô tại 48 địa phương của thanh tra Bộ GTVT cho thấy còn khá nhiều tồn tại, nhất là các điều kiện liên quan đến an toàn giao thông (ATGT).
Vi phạm tốc độ tràn lan
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT thừa nhận rằng, kết quả kiểm tra tại 48 tỉnh thành cho thấy: nhiều doanh nghiệp, đơn vị có bộ phận theo dõi, nhưng không hoạt động theo quy định, cụ thể 9/236 đơn vị được kiểm tra không có bộ phận theo dõi ATGT; 121/236 (51,2%) đơn vị có bộ phận theo dõi ATGT nhưng không hoạt động, hoặc có hoạt động nhưng không thực hiện thường xuyên, đầy đủ các nhiệm vụ quy định. Thiết bị giám sát hành trình (GSHT) lắp trên nhiều phương tiện không có đủ dữ liệu theo quy định, hoặc có đủ dữ liệu nhưng đơn vị không khai thác quản lý, kiểm tra, nhắc nhở lái xe và không có biện pháp xử lý đối với lái xe chạy quá tốc độ, dẫn đến phần lớn lái xe chạy vượt quá tốc độ cho phép.
Địa phương có xe vượt quá tốc độ lớn như: Long An 137km/h; Bình Thuận 130km/h, tại Bà Rịa-Vũng Tàu 120km/h; Khánh Hòa 128km/h; Thừa Thiên Huế 128km/h, Đồng Tháp 130km/h… Chưa dừng lại ở đây, kết quả của các đoàn thanh tra còn phát hiện, nhiều đơn vị không quản lý, sử dụng điều hành hoạt động xe để thực hiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã không tổ chức kinh doanh vận tải, mà chỉ đứng ra lo các thủ tục pháp lý để cho xe hoạt động trên tuyến. Việc quản lý, điều hành sử dụng xe để kinh doanh vận tải được các đơn vi khoán trắng cho các chủ xe trực tiếp quản lý, điều hành, sửa chữa phương tiện, hàng tháng đơn vị vận tải thu một khoản tiền làm dịch vụ để cho phương tiện đó mang thương hiệu của mình.
Lực lượng CSGT đang kiểm tra nồng độ cồn của một tài xế |
Sử dụng chất ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện, lái xe sẽ bị loại
Để siết chặt quản lý hơn nữa, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện cho rằng, cần sớm sửa đổi bổ sung thêm một số quy định như tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải (chở khách và hàng hóa) đều phải lắp thiết bị GSHT; đối với những loại hình bổ sung quy định bắt buộc phải lắp thiết bị GSHT quy đinh lộ trình để áp dụng thực hiện và không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các đơn vị ký hợp đồng thuê phương tiện của tổ chức, cá nhân (trừ xe thuê tài chính) là hình thức, các đơn vị không quản lý, điều hành, sử dụng phương tiện đi thuê để kinh doanh vận tải, mà thực tế là cho các cá nhân chủ xe đưa xe vào kinh doanh vận tải với thương hiệu của đơn vị mình.
Bởi thế, thanh tra Bộ GTVT cũng kiến nghị cần sửa đổi khoản 2 điều 11 Nghị định 91 quy định xe thuê tài chính, của tổ chức cho thuê tài chính được phép kinh doanh vận tải bằng cách bỏ nội dung cho phép sử dụng xe thuê của tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản. Mặt khác, cũng cần sửa đổi quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có cán bộ kỹ thuật để theo dõi an toàn kỹ thuật phương tiện và cán bộ về công nghệ thông tin để quản lý, sử dụng thiết bị GSHT…
Để siết chặt hơn nữa, ngăn chặn tình trạng xe dù, theo lãnh đạo Bộ GTVT cũng cần tăng mức phạt với xe hợp đồng, xe du lịch vi phạm các lỗi, như xe vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có danh sách hành khách theo quy định, hoặc chở người không có tên trong danh sách hành khách, không có hợp đồng vận chuyển theo quy định...
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ và đột xuất với đội ngũ lái xe và áp dụng các biện pháp cần thiết khác, trước hết là lái xe khách tuyến cố định, lái xe buýt, xe taxi, xe vận tải container; phát hiện và loại khỏi đội ngũ những lái xe có hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông…
CAND