Pháp luật

Giá nước thô: Vì sao 'tiền hậu bất nhất'?

08:25, 29/12/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau nhiều năm, dự án đầu tư hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh do Công ty CP cấp nước sông Lam làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng: Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh vẫn phải loay hoay với vấn đề giá nước thô. Vậy, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Trạm bơm nước thô từ sông Lam của Công ty TNHH MTV Cấp nước                      Sông Lam
Trạm bơm nước thô từ sông Lam của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam
Hệ thống cung cấp nước thô do Công ty cấp nước sông Lam nay là Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam (Công ty cấp nước Sông Lam) được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2015, với 2 giai đoạn.
 
Trong đó, giai đoạn I có tổng mức đầu tư 496 tỉ đồng và giai đoạn II tổng mức đầu tư 253,255 tỉ đồng, tổng công suất 200.000/m3/ngày đêm. Dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 7206/QĐ.UBND-ĐTXD ngày 22/12/2014, mở rộng dự án tại Quyết định 3731/QĐ-UBND ngày 3/8/2016 của UBND tỉnh Nghệ An. Để thu hút đầu tư, ngày 25/1/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ký kết với Công ty cấp nước Sông Lam bản thỏa thuận mức thu giá nước thô ban đầu 1.950 đồng/m3; Lộ trình điều chỉnh giá nước thô: 2 năm 1 lần, mỗi lần tăng 12% trong vòng 14 năm để đảm bảo tài chính dự án. Đến nay, Công ty cấp nước Sông Lam đã vận hành, đưa vào sử dụng hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh và vùng phụ cận đã gần được 5 năm.
 
Tuy nhiên, ngày 5/11/2018, UBND tỉnh Nghệ An lại ra văn bản gửi các sở, ban, ngành và nhà đầu tư yêu cầu hủy bỏ một số điều khoản đã thống nhất ký kết trước đó để các đơn vị liên quan nghiên cứu lại phương án tài chính của toàn bộ dự án. Ngày 6/7/2020, UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài chính thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu kiểm toán độc lập để thực hiện công việc kiểm toán toàn bộ 2 giai đoạn của dự án nói trên. Công ty TNHH kiểm toán và dịch vụ tin học TP Hồ Chí Minh là đơn vị trúng thầu, sau khi kiểm toán đã cho ra đáp số cuối cùng mức quyết toán vốn đầu tư 774.518.245.679 đồng. Con số này, về cơ bản trùng khớp với phương án tài chính mà nhà đầu tư đã công bố để UBND tỉnh Nghệ An có cơ sở xem xét lại phương án, lộ trình tăng giá bán nước thô cho doanh nghiệp.
 
Cho rằng, nhà đầu tư chỉ đăng ký với con số 496 tỉ đồng cho giai đoạn I của dự án, còn về giai đoạn II của dự án thì chưa có đề xuất giá và chưa được chấp thuận việc bổ sung giá nước thô, ngày 16/11/2020, Sở Tài chính Nghệ An ban hành Văn bản số 4206 gửi chủ đầu tư là Công ty cấp nước Sông Lam không thừa nhận kết quả kiểm toán toàn bộ dự án nói trên. Đồng thời, cho rằng, Công ty cấp nước Sông Lam chỉ được tính giá cấp nước thô theo phương án tổng mức đầu tư 496 tỉ đồng, theo mức giá 1.950 đồng/m3 đã được chấp thuận khi thu hút đầu tư trước đó. “Tuy nhiên, tổng mức đầu tư của dự án cấp nước thô theo giấy chứng nhận đầu tư ngày 21/1/2015 do UBND tỉnh cấp cho Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam (trước đây là Công ty CP cấp nước Sông Lam) thì tổng mức đầu tư của dự án là 496 tỉ đồng và giá trị đầu tư này là mức đầu tư đã được đưa vào thỏa thuận dịch vụ cấp nước thô ngày 28/1/2015 giữa UBND tỉnh và Công ty”, Văn bản của Sở Tài chính Nghệ An nêu.
 
Cũng tại văn bản này, Sở Tài chính cũng đề xuất UBND tỉnh phương án, là giao Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam xây dựng phương án giá nước thô trình Sở Tài chính, Sở Xây dựng thẩm định báo cáo UBND tỉnh. Trên cơ sở phương án giá nước thô do doanh nghiệp đề xuất, Sở Tài chính và Sở Xây dựng sẽ thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét và quyết định, nhưng vẫn bảo lưu quan điểm giá trị đầu tư dự án được tính là 496 tỉ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, để áp dụng giá bán nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn thì Sở Tài chính chỉ tính toán mức tính dựa trên giai đoạn I của dự án đã triển khai trước đó. Còn giai đoạn II của dự án mà UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận tại Quyết định 3731/QĐ-UBND ngày 3/8/2016 cho Công ty cấp nước Sông Lam, thì Sở Tài chính lại phớt lờ khiến cho suốt nhiều năm qua, câu chuyện về giá nước thô trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đi đến hồi kết, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh nhà. Bất luận, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức không ít cuộc họp bàn giữa các bên liên quan để làm rõ vấn đề này nhưng sự việc đến nay vẫn kéo dài. 
 
Trong một diễn biến khác, cho rằng mức giá nước thô nói trên quá cao, Công ty cấp nước Nghệ An đã sử dụng nước thô từ sông Đào (với giá 900 đồng/m3) để sản xuất nước sạch, thay vì chỉ lấy nước ở nhà máy sản xuất nước sạch Hưng Vĩnh và Cầu Bạch như thỏa thuận trước đó. Việc làm này đã bị dư luận phản ứng và sau đó UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu dừng. Đến nay, giữa Công ty cấp nước Sông Lam (nhà cung cấp nước thô) và Công ty cấp nước Nghệ An (đơn vị sản xuất nước sạch) vẫn chưa tái ký thành công “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô” theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An. Tháng 8/2019, phía Công ty cấp nước Nghệ An đề xuất đầu tư dự án cấp nước thô từ sông Lam cho hai nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch, tổng mức đầu tư 187,5 tỉ đồng, công suất 275.000 m3/ngày đêm, giá nước thô 600 đồng/m3. Đại diện Sở Xây dựng Nghệ An cho biết, đang xem xét về phương diện quy hoạch vùng cấp nước để cho ý kiến về dự án này.
Ngày 5/11/2018, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Văn bản số 8463 hủy bỏ nội dung Khoản 2, Điều 7 “Lộ trình điều chỉnh giá nước thô: 2 năm 1 lần, mỗi lần tăng 12% trong vòng 14 năm để đảm bảo tài chính dự án. Bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2030”; hủy bỏ cụm từ “từ năm 2031” tại Khoản 3, Điều 7 của bản Thỏa thuận. Nguyên nhân của việc này được cho là, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vẫn chưa nắm được chính xác tổng mức đầu tư của dự án. Do đó, mức giá nước thô hiện đang áp dụng (1.950 đồng/m3) được cho là quá cao và không có cơ sở. 

 

THIÊN THẢO

Các tin khác