Pháp luật
Thể chế pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước
09:42, 28/12/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đó là phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021 và định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2025 do Bộ Tư pháp tổ chức vào sáng 23/12. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Lê Thành Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Lê Ngọc Hoa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Nghệ An |
Năm 2020, Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật quan trọng trong các lĩnh vực công tác của Ngành. Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL được cải thiện tốt hơn; công tác rà soát VBQPPL được các bộ, ngành triển khai quyết liệt. Trong năm, Bộ Tư pháp đã thẩm định 258 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 405 dự thảo; các sở Tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định. Tính cả nhiệm kỳ, toàn ngành đã thẩm định trên 42.000 văn bản.
Việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với đại dịch được thực hiện kịp thời, chất lượng. Ngành đã giải quyết số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu lý lịch gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các mặt công tác như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật... đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL còn thấp; việc gửi hồ sơ các dự án luật đến Chính phủ, Quốc hội còn chậm so với yêu cầu; tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết có xu hướng tăng trở lại và không đạt mục tiêu đề ra. Hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật chưa cao; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Trong thi hành án dân sự vẫn còn một số vi phạm của chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án, số lượng án tồn đọng còn lớn...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thể chế pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước. Vì thế, yêu cầu cán bộ công chức ngành Tư pháp phải gương mẫu, tận tuỵ, nắm vững kiến thức để tham mưu và bảo vệ được nền Tư pháp của quốc gia Việt Nam. Thường xuyên rà soát để tránh chồng chéo các văn bản pháp luật; không để tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng hệ thống văn bản pháp luật; đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa hệ thống dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cấp uỷ các tỉnh, thành tiếp tục quan tâm và làm tốt công tác xây dựng và hoàn thành thể chế, tổ chức thi hành pháp luật; chú ý đến yếu tố tính pháp lý; ngày càng nâng cao vị thế của sở tư pháp, ngành tư pháp...
N.A