Pháp luật
Loay hoay tìm giải pháp cho dự án hàng chục tỉ đồng bỏ hoang
09:05, 27/10/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Dự án trị giá gần 20 tỉ đồng, sau khi giải ngân gần 10 tỉ từ nguồn ngân sách Nhà nước, dự án “đắp chiếu”, bỏ hoang từ nhiều năm nay. Trong thời gian này, có 3 học sinh sa vào hồ chứa nước của dự án, chết thương tâm. Thay vì tiếp tục hoàn thiện, đơn vị thi công lại hiến kế cho một doanh nghiệp khác tiếp cận dự án theo hình thức xã hội hóa, nhưng không mang tính khả thi.
Dự án nhà máy nước Diễn Quảng hoang hóa sau hơn 8 năm triển khai |
Dự án này do Công ty CP Đại Việt, trụ sở tại xã Hưng Lộc (TP Vinh) thi công, khởi công xây dựng vào tháng 9/2012 và dự kiến đưa vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày khởi công. Tuy nhiên, cho đến nay, hơn 8 năm trôi qua, công trình vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”. Nhiều hạng mục hoàn thành nhưng còn “phơi sương”, thậm chí một số hạng mục đã có những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, một số hạng mục của dự án đã xây dựng xong, nhưng có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp như nhà điều hành, vận hành, hệ thống hồ chứa nước và khoảng 50% thiết bị đường ống. Riêng công trình xử lý nước sạch và các công trình phụ trợ vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Theo người dân xã Diễn Quảng, tại các kỳ tiếp xúc cử tri, họp HĐND và gần đây nhất là tại kỳ Đại hội Đảng bộ xã, người dân đã có rất nhiều ý kiến chất vấn, đề nghị công trình sớm hoàn thiện để đưa vào sử dụng nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Hiện nay, người dân xã này đang phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm nặng bởi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các nguồn ô nhiễm khác, không đảm bảo vệ sinh. Để có nước sinh hoạt, người dân phải dùng tới các biện pháp dự trữ nguồn nước mưa và lọc nước thủ công. Ông Tăng Ngọc Quý, Chủ tịch UBND xã Diễn Quảng cho biết, đến nay khối lượng hoàn thành chỉ mới đạt khoảng 62%. Từ năm 2016, hơn 10 tỉ đồng từ nguồn vốn Nhà nước đã được thanh toán, còn nguồn vốn huy động từ nhân dân, xã Diễn Quảng chưa thu được và đây là nguyên nhân khiến cho dự án bị đình trệ.
Ông Trần Văn Việt, Giám đốc Công ty CP Đại Việt cho rằng, dự án đã dừng từ lâu và đã bàn giao khối lượng đã thi công cho chính quyền, phần còn lại đang tạm dừng là do vốn đóng góp trong nhân dân không thực hiện được. Hướng giải quyết sắp tới, phía Công ty Đại Việt cũng đã giới thiệu cho một số đơn vị tiếp quản theo hình thức xã hội hóa, nhưng cũng chưa tìm ra được phương án tối ưu. Ngày 12/3/2020, UBND xã Diễn Quảng cũng đã có tờ trình gửi UBND huyện Diễn Châu và các sở, ban, ngành liên quan, về việc xin chuyển đổi chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án nhưng không nhận được phản hồi. Ông Tăng Ngọc Quý, Chủ tịch UBND xã Diễn Quảng cho biết thêm, gần đây đã có nhiều đoàn đến kiểm tra dự án, một số doanh nghiệp cũng tiếp cận nhưng vẫn chưa có tiến triển. Theo ông Quý, vốn đối ứng từ địa phương 40% tổng mức dự án là quá lớn, bởi năm 2019 xã đã làm một cuộc khảo sát trong nhân dân, thì tính ra, mỗi hộ dân phải nộp số tiền là 5 triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 25/9/2016, tại hồ chứa nước của dự án này, do không có cảnh báo, không có lớp thép B40 cao 1 m bảo vệ quanh hồ như thiết kế đã được phê duyệt, 3 học sinh tiểu học rủ nhau đến hồ chứa nước này để tắm và đã bị chết đuối thương tâm. Sự việc xảy ra, nhà thầu và chính quyền loay hoay đổ lỗi cho nhau. Được biết, theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 500 công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân với số tiền đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, nhưng trong số đó chỉ có hơn 100 công trình hoạt động hiệu quả, còn lại thì hoạt động kém hoặc đã ngừng hoạt động. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là vì những bất cập trong xây dựng, vận hành. Trong đó, hàng loạt nhà máy nước được đầu tư với kinh phí xây dựng hàng chục tỉ đồng nhưng đều rơi vào tình trạng "đắp chiếu" suốt năm này qua năm khác.
Điển hình như nhà máy nước Quế Phong được đầu tư hơn 41 tỉ đồng, nhà máy nước Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên) 25,8 tỉ đồng, nhà máy nước Minh Thành (huyện Yên Thành) 25 tỉ đồng, nhà máy nước Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu) vốn đầu tư gần 18 tỉ đồng… Tại một số dự án khác, đã hoàn thành nhưng chưa biết bàn giao cho ai vì chính quyền cấp xã không thể vận hành, nếu bàn giao thì cũng sẽ “đắp chiếu”, dẫn đến hư hỏng. Trong khi đó, nếu bàn giao cho doanh nghiệp thì phải có cơ chế, vì nhà máy xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách.
THIỆN THÀNH