Pháp luật

Tháo gỡ vướng mắc trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

14:11, 28/07/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cùng với các địa phương trong cả nước, thời gian qua, Nghệ An đã triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp cùng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng, công tác đấu tranh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Những tháng đầu năm 2020 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của người dân. Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh và Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT Nghệ An đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi khi thị trường có biến động về cung cầu hàng hóa, tăng giá bất hợp lý nhất là đối với hàng hóa vật tư y tế chống dịch, lương thực, thực phẩm đảm bảo bình ổn thị trường, giá cả ổn định, hàng hóa phong phú đa dạng đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Bên cạnh đó, các đội QLTT đã tích cực chủ động phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.
 
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, Cục QLTT đã tiến hành xử lý 1.231 vụ, thu phạt 4.926.177.000 đồng. Trong đó, buôn lậu, hàng cấm 64 vụ; vi phạm về gian lận thương mại 529 vụ; vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ 46 vụ; vi phạm các quy định trong kinh doanh 326 vụ và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm 281 vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh, xử lý trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn còn nhiều bất cập. Điển hình như hệ thống văn bản, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực QLTT còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung còn chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ. Cùng với đó, công tác nắm thông tin, dự báo tình hình thị trường chưa thường xuyên và nhiều lúc còn bị động nên tác dụng hỗ trợ cho chỉ đạo điều hành kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực sản xuất hàng giả, hàng vi phạm ATTP. Quá trình xử lý, bảo quản đối với các tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu đối với một số mặt hàng cấm, mặt hàng dễ gây mất an toàn, mặt hàng yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt còn nhiều bất cập do thiếu kinh phí để xây dựng các kho chuyên dụng. Ngoài ra, công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, người tiêu dùng hiểu quyền lợi trách nhiệm để chung tay vào công cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ thương hiệu còn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
 
Theo các lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc, bất cập nói trên là do trên địa bàn Nghệ An, số lượng các cơ sở kinh doanh lớn chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ; ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có các trung tâm thương mại. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh còn thấp, khi bị kiểm tra thì trốn tránh, đối phó, tìm mọi thủ đoạn vô hiệu hóa hoạt động của các lực lượng chức năng. Đặc biệt, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp các cấp, ngành và lực lượng chức năng tại một số địa phương, một số lĩnh vực tại một số thời điểm còn chưa thật sự chủ động, phần nhiều mới dừng lại ở việc phối hợp kiểm tra xử lý chứ chưa thật sự đi sâu vào việc trao đổi chia sẻ thông tin, xây dựng các phương án kiểm tra kiểm soát, các biện pháp nghiệp vụ để tạo được sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ thương hiệu của mình, không hợp tác với các lực lượng chức năng trong đấu tranh, ngăn chặn tình trạng hàng nhái, hàng giả chất lượng, giả nhãn hiệu, gây nhiều khó khăn cho quá trình kiểm tra, xử lý. 
 
Trước thực tế nói trên, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các cơ quan chức năng cần kịp thời sửa đổi những bất cập trong chính sách pháp luật liên quan đến đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực này; đồng thời, tổ chức phát động người dân tham gia đấu tranh với các hành vi vi phạm. Các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng như hỗ trợ bảo quản, lưu trữ hàng hóa. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống ở các cấp, ngành, địa phương để mang lại hiệu quả tốt nhất.
 
 Dự báo thời gian tới, nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch COVID-19 nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường. Để góp phần ổn định tình hình thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục QLTT Nghệ An sẽ chỉ đạo các đội QLTT quản lý tốt địa bàn, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường về cung cầu, giá cả hàng hóa để có các giải pháp đảm bảo ổn định thị trường. Thực hiện tốt công tác kiểm tra đột xuất và kế hoạch kiểm tra định kỳ; nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATVSTP, góp phần ổn định tình hình thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, nâng cao nhận thức về pháp luật cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh để tự giác thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Ngọc Anh

Các tin khác