Pháp luật

Đường nghìn tỉ, chưa khánh thành đã nhiều lần sửa chữa!

08:44, 17/05/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Quốc lộ 7C (hay còn gọi là đường N5) có chiều dài khoảng 50 km, là tuyến vận chuyển nguyên liệu và kết nối kinh tế vùng Tây Nghệ An. Tuyến đường này được đầu tư với số vốn hàng nghìn tỉ đồng, thông xe kỹ thuật từ 3 năm trước. Đến nay, dự án vẫn chưa khánh thành, nhưng đã nhiều lần phải chắp vá, sửa chữa do đường hư hỏng, xuống cấp. 

Những mảnh vá vừa được thực hiện trên tuyến đường nghìn tỉ
Những mảnh vá vừa được thực hiện trên tuyến đường nghìn tỉ
Quốc lộ 7C từ xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương đến xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, được khởi công từ tháng 8/2015, gồm ba dự án: Đường nối từ Quốc lộ 7A đến đường N5 do Sở Giao thông Vận tải Nghệ An làm chủ đầu tư, có chiều dài 29,1 km, với tổng mức đầu tư trên 1.265 tỉ đồng. Hai dự án đường N5 và D4 trong khu kinh tế Đông Nam do Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư; trong đó đường N5 có chiều dài 6,9 km, với tổng mức đầu tư trên 760 tỉ đồng; đường D4 có chiều dài 7,1 km, tổng mức đầu tư 748 tỉ đồng. Tháng 4/2017, tuyến đường này đã thông xe giai đoạn 1, ngoài mục đích phục vụ cho việc vận chuyển Clinker từ Nhà máy xi măng Sông Lam tại huyện Đô Lương về Trạm nghiền và Cảng biển Nghi Thiết, tuyến đường này còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông của Nghệ An.
 
Sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, tuyến đường nghìn tỉ này không những chưa hoàn thiện, khánh thành mà đã xảy ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân chính, theo đánh giá của các chuyên gia thì ngoài việc người dân tham gia giao thông ý thức chưa cao, xe trọng tải lưu thông liên tục thì việc tuyến đường này chưa hoàn thiện, thậm chí nhiều nơi đã hư hỏng nặng, xuống cấp buộc chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải nhiều lần sửa chữa, chắp vá là một trong những yếu tố gây nên sự tiềm ẩn về tai nạn giao thông trên Quốc lộ 7C này. Trong đó, đoạn đường hư hỏng chủ yếu là từ Km0+500 đến Km1+800, nối từ Quốc lộ 1A đến xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, với các lỗi là bị phình lún, nứt nẻ và rạn nứt dạng chân chim. Đoạn tuyến này do các đơn vị thi công là Liên danh Tổng công ty XDCTGT1 Thanh Hoá, Tổng công ty XD Minh Tuấn và Công ty TNHH Hoàng Sơn thực hiện. Từ cuối năm 2018, tức là chỉ sau hơn 1 năm đưa vào khai thác, đoạn đường này đã xuống cấp, hư hỏng buộc nhà thầu phải chắp vá, sửa chữa.
 
Đến nay, đoạn đường này tiếp tục xảy ra hiện tượng phình lún, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi lưu thông nên những ngày đầu tháng 5/2020, đơn vị thi công tiếp tục ngăn đường để sửa chữa, chắp vá khiến tuyến đường này ngày càng nham nhở. Điều đáng nói, vị trí phải sửa chữa trong những ngày qua nằm giáp ranh giữa hai xã Nghi Thuận và Nghi Đồng, thuộc huyện Nghi Lộc là đoạn đường mới được thông xe, đưa vào sử dụng chỉ hơn một năm nay. Trong đó, theo đánh giá thì đoạn tuyến này có nền địa chất rất tốt, khi trước đó đơn vị thi công đã mất rất nhiều thời gian để phá đá, giải phóng mặt bằng trước khi thi công. Để xử lý sự cố, nhà thầu phải cào bóc thảm nhựa cả đoạn đường dài hàng trăm mét để thảm lại.
 
Bên cạnh việc bị xuống cấp nghiêm trọng, sau hơn 3 năm đưa vào khai thác, Quốc lộ 7C cũng chưa thể khánh thành, thông xe toàn tuyến. Cụ thể, đoạn qua xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc phía tuyến trái theo hướng Quốc lộ 7A, cầu Sông Rác vẫn chưa hợp long, khánh thành sau nhiều năm thi công ì ạch. Cùng với việc cầu chưa thông, đoạn tuyến phía hai đầu cầu cũng chưa hoàn thiện, khiến các phương tiện lưu thông từ hai phía phải nhập vào chung một làn đường, gây ra nhiều ẩn họa về tai nạn giao thông, nhất là về ban đêm. Thực tế, đoạn đường này từ khi đưa vào khai thác đến nay đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn, trong đó có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do đâm vào đoạn đường cụt, hoặc chuyển làn đột ngột từ hai làn đường vào nhập một làn đường nên tự gây tai nạn, mà nguyên nhân là do đơn vị thi công cắm biển báo sơ sài, thậm chí có thời điểm không có biển cảnh báo, chỉ dẫn. 
 
Nguyên nhân của việc tuyến đường này nhiều lần bị hư hỏng, xuống cấp khi chưa kịp khánh thành, đại diện một trong những chủ đầu tư dự án là Ban quản lý các dự án thuộc khu kinh tế Đông Nam cho rằng, có ba nguyên nhân khiến mặt đường hư hỏng. Thứ nhất là cung đường gánh một lượng lớn xe quá tải chạy qua. Thứ hai, quá trình thi công có thể có một số khâu chưa đảm bảo theo quy định và cuối cùng là đơn vị thi công chậm sửa chữa, khiến tình trạng hư hỏng lan rộng.

THIỆN THÀNH

Các tin khác