Pháp luật
Chú trọng phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ gây tổn hại trẻ em
07:32, 05/05/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại trẻ em, trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn hại... là mục tiêu của Kế hoạch số 173 do UBND tỉnh ban hành về việc thực hiện công tác trẻ em năm 2020. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trong việc chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, bao che hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định nội dung, trách nhiệm cụ thể đối với các cấp, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, của gia đình, cá nhân và toàn xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về trẻ em. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật việc thực hiện các quy định, nghị định thực hiện Luật Trẻ em và các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật hình sự, xử lý vi phạm hành chính, phòng, chống bạo lực gia đình... Công tác truyền thông kỹ năng làm cha, mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em cũng cần được thực hiện rộng rãi thông qua các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội và tại cộng đồng, khu dân cư. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là trong dịp mùa hè, mùa mưa, lũ...
Công an TX Hoàng Mai tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em |
Liên quan đến hoạt động của đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp xã; cộng tác viên trẻ em khối, xóm, thôn, bản và những người thân nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý, người giám hộ trẻ em theo quy định, các cấp, ngành cần có giải pháp nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích, biểu dương những điển hình, những sáng kiến tốt trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và đóng góp nguồn lực cho trẻ em. Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương tổ chức gặp mặt, biểu dương “Những người yêu trẻ” các cấp; tổ chức diễn đàn trẻ em và lấy ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em của địa phương...
Nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, theo yêu cầu tại Kế hoạch số 173, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát các biện pháp bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em và tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở khám, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục đào tạo. Đồng thời, rà soát các thiết chế văn hóa, khu thể thao, vui chơi, giải trí, các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, các khu dân cư, các tòa nhà chung cư cao tầng, các khu vực thường xảy ra tại nạn đuối nước, tai nạn giao thông... thuộc địa bàn quản lý.
Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật, chính sách, chương trình, đề án về trẻ em. Cùng với đó, đôn đốc, kiểm tra việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường, UBND cấp xã và gia đình, người thân, người giám hộ trẻ em trong thực hiện việc bàn giao, quản lý trẻ em để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị tai nạn thương tích, đặc biệt tai nạn đuối nước trên địa bàn toàn tỉnh. Một yêu cầu khác không kém phần quan trọng là nắm bắt tình hình, thông tin kịp thời, tích cực chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em phức tạp được dư luận quan tâm, do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin hoặc yêu cầu giải quyết. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em cũng như để xảy ra tai nạn thương tích đối với trẻ em theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, theo yêu cầu của UBND tỉnh, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội về thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là việc bảo vệ trẻ em; tiếp tục thực hiện và nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; gắn kết tiêu chí về thực hiện quyền trẻ em, thực hiện quy định về tiêu chuẩn, trình tự đánh giá, công nhận “xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” gắn với đánh giá “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”....
Thùy Dương