Pháp luật

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc chỉ đền bù cho 'bên thứ 3'

07:45, 21/05/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới là giấy tờ buộc người điều khiển phương tiện ôtô, xe gắn máy phải mang theo khi tham gia giao thông. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho “bên thứ 3” khi xảy ra tai nạn. Lấy ví dụ, nếu anh A điều khiển phương tiện cơ giới gây tai nạn cho anh B thì Bảo hiểm trách nhiệm dân sự có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh B theo quy định của pháp luật.

Người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông nếu không có hoặc không mang theo “Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc” đều bị xử phạt theo quy định
Người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông nếu không có hoặc không mang theo “Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc” đều bị xử phạt theo quy định
Thông tin từ Cục CSGT cho hay, từ ngày 15/5 đến 14/6/2020, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tập trung kiểm soát các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tập trung vào ôtô kinh doanh vận tải hành khách, container, ôtô con và môtô, xe gắn máy... 
 
Theo đó, trong thời gian thực hiện tổng kiểm soát, CSGT các đơn vị, địa phương được dừng các phương tiện để kiểm soát các loại giấy tờ theo quy định như: Giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới... Đồng thời, CSGT sẽ tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, làn đường, phần đường, tránh vượt, vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe thành đoàn. Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Kế hoạch của Bộ Công an về phòng, chống đua xe trái phép.
 
Trước thông tin lực lượng CSGT cả nước tổng kiểm tra phương tiện xe cơ giới, trong đó có kiểm tra các giấy tờ liên quan, bao gồm cả “Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự” của chủ phương tiện, thời gian gần đây, không riêng người sử dụng xe ôtô mà nhiều người đang sử dụng xe gắn máy làm phương tiện tham gia giao thông đặc biệt quan tâm đến việc mua Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe gắn máy. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người cũng “tranh thủ” kinh doanh mặt hàng Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự, với nhiều hãng bảo hiểm và nhiều mức giá khác nhau. Thế nhưng, cũng đang có không ít người chưa hiểu, chưa nắm được ý nghĩa, tầm quan trọng của “Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự” chủ phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông. Hiện đang có tâm lý mua “Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự” chỉ để đối phó khi bị CSGT kiểm tra hành chính phương tiện cơ giới.
“Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc” là giấy tờ buộc người điều khiển phương tiện phải mang theo khi tham gia giao thông
“Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc” là giấy tờ buộc người điều khiển phương tiện phải mang theo khi tham gia giao thông
Chị Nguyễn Thị M. trú tại TP Vinh cho hay, hàng năm chị vẫn mua Bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chiếc xe gắn máy chị đang sử dụng. Tuy nhiên, khi được hỏi về ý nghĩa của “Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự”, chị M. thừa nhận “Mua cho có để phòng khi bị CSGT kiểm tra khỏi bị phạt thôi”. Qua trao đổi, chị M. cho biết, không riêng gì bản thân chị mà nhiều người khác là bạn bè, người thân của chị đều nói rằng, chưa ai thấy Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đền bù thiệt hại cho xe gắn máy sau khi xảy ra tai nạn giao thông?! Có lẽ đây chính là điều mà không ít người đang băn khoăn hay nói cách khác là đang mơ hồ về “Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự” của chủ phương tiện cơ giới.
 
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi cố gắng lý giải, làm rõ một số nội dung chính về vai trò, ý nghĩa của “Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của xe cơ giới”. Cụ thể, theo Thông tư số 22/2016/TT-BTC, ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính “Quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”. Mức phí đối với xe ôtô dưới 6 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải từ 397.000 đồng/năm lên mức 437.000 đồng/năm (tăng 40.000 đồng); xe ôtô 16 chỗ ngồi kinh doanh vận tải từ 2.545.000 đồng/năm lên 3.054.000 đồng/năm (tăng 509.000 đồng); xe ôtô 24 chỗ ngồi kinh doanh vận tải từ 3.860.000 đồng/năm lên 4.632.000 đồng/năm (tăng 772.000 đồng); xe ôtô 25 chỗ ngồi kinh doanh từ 4.011.000 đồng/năm lên mức 4.813.000 đồng/năm (tăng 802 đồng). Riêng mức phí đối với xe môtô 2 bánh từ 55.000 đồng/năm - 60.000 đồng/năm. Thời hạn bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là 1 năm. Trong một số trường hợp, thời hạn bảo hiểm có thể dưới 1 năm.
 
Theo đó, mức bồi thường thiệt hại của Bảo hiểm trách nhiệm dân sự cũng tăng lên. Cụ thể, số tiền tối đa phải chi trả đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn (trước đây là 70 triệu đồng/người/vụ tai nạn). Số tiền tối đa chi trả đối với thiệt hại về tài sản do xe gắn máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh và các loại xe cơ giới tương tự gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn (trước đây là 40 triệu đồng/vụ tai nạn). Số tiền tối đa chi trả đối với thiệt hại về tài sản do xe ôtô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng 100 triệu đồng/vụ tai nạn (trước đây là 70 triệu đồng/vụ tai nạn).
 
Ngoài ra, Bảo hiểm xe máy bắt buộc trách nhiệm dân sự sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới; lái xe không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe; thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: Giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại; thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn; chiến tranh, khủng bố, động đất; thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: Vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
 
Như vậy, khi không may có tai nạn xảy ra, chủ xe gây tai nạn đã mua Bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho chủ xe máy số tiền mà chủ xe đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp chủ xe máy (người mua bảo hiểm) chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại. Như vậy, về bản chất, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho bên thứ ba - bên bị thiệt hại do tai nạn mà chủ xe cơ giới gây ra (những thiệt hại về xe máy và thân thể của chính bản thân chủ phương tiện - người mua bảo hiểm gây tai nạn sẽ không được bảo hiểm).
Hiện nay, mức phạt với ôtô, xe máy không có bảo hiểm bắt buộc được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo đó, người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (trước đây phạt 80.000 - 120.000 đồng). Người điều khiển xe ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ôtô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.

 

Đức Thắng

Các tin khác