Pháp luật

Quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm thời đại công nghệ 4.0

10:43, 12/03/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, với tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế, văn hóa, xã hội đã mang lại nhiều yếu tố tích cực, đồng thời cũng kéo theo hệ lụy, đặc biệt là tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp và hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Bên cạnh tội phạm truyền thống như ma túy, trộm cắp tài sản…, đã xuất hiện một số loại tội phạm với thủ đoạn mới, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT như tội phạm công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng; tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trước tình hình đó, lực lượng Công an Nghệ An đã chủ động các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, đặc biệt là có những đột phá trong công tác phòng, chống loại tội phạm này.

Nhiều đối tượng đánh bạc và hoạt động “tín dụng đen” bị lực lượng Công an Nghệ An bắt giữ
Các đối tượng đánh bạc qua mạng internet bị lực lượng Công an Nghệ An bắt giữ
Liên tiếp phá thành công nhiều chuyên án 
 
Năm 2019 ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của Công an tỉnh nhà trên lĩnh vực đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Điển hình là tháng 12/2019, Công an TX Thái Hòa phá thành công 2 Chuyên án 108L và 319L, bắt tạm giam 8 đối tượng, đồng thời làm rõ hơn 40 đối tượng liên quan, chứng minh số tiền vay lên đến hơn 13 tỉ đồng, thu lãi bất chính hơn 1,3 tỉ đồng. Đặc biệt, chỉ trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT trước, trong, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Công an TP Vinh và Công an huyện Đô Lương bắt 1 vụ, phá 2 chuyên án 129L, 919V, khởi tố 6 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; thu giữ nhiều tang vật liên quan, làm rõ số tiền thu lợi bất chính hơn 5,5 tỉ đồng. 
 
Từ thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh của lực lượng Công an cho thấy, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” rất tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, biết tìm cách che đậy dấu vết tội phạm và có sự cấu kết chặt chẽ với nhau. Bọn chúng thường núp dưới vỏ bọc là một công ty, doanh nghiệp, tổ chức nên rất khó để nhận biết. Các tổ chức tội phạm thường có 3 cấp: Cấp cầm đầu, cấp chỉ huy và cấp trực tiếp thực hiện phạm tội. Quá trình hoạt động, đối tượng cầm đầu thường chỉ đạo đơn tuyến qua đối tượng chỉ huy. Tên chỉ huy trực tiếp chỉ đạo nhóm cấp dưới cho vay theo đúng yêu cầu của “cấp trên” mà không cần biết lý do, mục đích gì. Các thủ tục cho vay cũng rất đơn giản, nhanh chóng, tiền lãi được “cắt” ngay khi đưa tiền mà không thể hiện trong giấy tờ vay. Việc giao dịch diễn ra nhanh chóng và kín đáo nên rất khó tiếp cận, thu thập thông tin. Mặc dù các đối tượng đã thiết lập được cả đường dây với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tuy nhiên, chúng đã bị lực lượng Công an toàn tỉnh sử dụng đồng bộ, sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ, nhanh chóng triệt xóa, góp phần ổn định ANTT trên địa bàn.
 
Không chỉ đấu tranh quyết liệt với tội phạm hoạt động trong lĩnh vực “tín dụng đen”, thời gian qua, Công an Nghệ An cũng đã đấu tranh hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Điển hình là cuối tháng 10/2019, Phòng Cảnh sát Hình sự phá Chuyên án 119B, triệt xóa đường dây đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên mạng internet, bước đầu chứng minh số tiền sử dụng đánh bạc hơn 196 tỉ đồng. Tiếp đó, ngày 13/12/2019, Công an huyện Nghĩa Đàn “đánh sập” đường dây đánh bạc sử dụng công nghệ cao, bắt 11 đối tượng và thu giữ nhiều vật chứng liên quan. Năm 2019, Công an TX Thái Hòa cũng góp thêm vào bảng thành tích chung của lực lượng Công an tỉnh nhà khi phá 2 Chuyên án 108Đ và 519B, bắt gần 40 đối tượng, trong đó khởi tố 17 đối tượng, làm rõ số tiền đánh bạc hơn 18 tỉ đồng.
 
Thiếu tá Lê Đình Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về Hình sự - Kinh tế - Ma túy Công an TX Thái Hòa cho biết, quá trình hoạt động, các đối tượng đánh bạc công nghệ cao sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Bằng hệ thống internet, phát hành trái phép loại ứng dụng game online các trò chơi mang tính ăn thua… có đổi thưởng nhưng thực tế là tạo các sòng ảo trên mạng. Các loại ứng dụng game này rất dễ dàng tải về máy tính, điện thoại thông minh và thường được quảng bá rầm rộ bằng nhiều hình thức để thu hút người chơi. Với mục đích mở rộng quy mô, các đối tượng cầm đầu sẽ liên hệ với nhiều đối tượng khác trên địa bàn toàn quốc để mời chào, thỏa thuận và xây dựng hệ thống đại lý nhiều cấp nhằm tạo điều kiện thuận tiện trong quá trình giao dịch với con bạc.
 
Các đối tượng ở đại lý sẽ được hưởng số tiền chênh lệch quy đổi và nếu đạt doanh thu lớn sẽ được thưởng từ tổng đại lý. Riêng tổng đại lý sẽ thu lợi nhuận rất lớn từ việc phát hành game, tạo ra tiền ảo và chiết khấu phần trăm khi các con bạc thực hiện giao dịch trong game hoặc chơi game. Đối với con bạc, chỉ cần có một chiếc điện thoại kết nối internet sẽ có thể tham gia đánh bạc ở bất kỳ đâu và trong thời điểm nào, tất cả đều là tài khoản ảo và được ẩn danh, các con bạc không biết nhau. Việc giao dịch tiền đánh bạc thông qua tài khoản ngân hàng (internet banking). Với phương thức, thủ doạn đó, các đối tượng đã thu hút hàng triệu con bạc trên cả nước tham gia, thu lợi bất chính hàng tỉ đồng. 
 
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
 
Những thành tích xuất sắc nói trên là minh chứng thiết thực nhất cho sự nỗ lực, kiên trì và quá trình đấu tranh không biết mệt mỏi của Công an tỉnh nhà trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm mới thời đại công nghệ 4.0 vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, môi trường nên gây khó khăn trong phát hiện, xử lý. Điển hình như Bộ luật Hình sự quy định khung hình phạt của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự chưa cao nên việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với hầu hết đối tượng trong loại tội phạm này gặp khó khăn, dẫn đến hiệu quả của tính răn đe và tuyên truyền trong quần chúng nhân dân còn hạn chế.
 
Bên cạnh đó, việc áp dụng Điều 201 - Bộ luật Hình sự 2015 còn nhiều vướng mắc bởi có nhiều quan điểm không đồng nhất, nhất là việc cộng dồn số tiền thu lợi bất chính của các đối tượng để định khung hình phạt hay không. Trong khi điều luật chỉ quy định điều kiện đủ là thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên (chứ không quy định thu lợi bất chính của mỗi lần cho vay nặng lãi từ 30 triệu đồng trở lên)… 
 
Một khó khăn nữa đó là thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, rất khó phát hiện. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu là những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, nhiều thành phần. Các đối tượng được phân chia nhiệm vụ theo từng cấp bậc, có mối quan hệ chặt chẽ trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội như một tổ chức tội phạm, tuy nhiên, việc tiếp cận, phát hiện, thu thập thông tin tài liệu để đấu tranh triệt xóa thường rất khó khăn vì bọn chúng hoạt động đơn tuyến, không thể biết thông tin của nhau. Đối với loại tội phạm mới, các đối tượng thường sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet và các thiết bị điện tử thông minh hiện đại để làm công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi lực lượng trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh đa phần là cán bộ trẻ, kinh nghiệm thực tế, năng lực trình độ và phương tiện kỹ thuật về lĩnh vực CNTT còn hạn chế. Vì vậy, quá trình thu thập thông tin, phục hồi và chuyển hóa dữ liệu điện tử thành chứng cứ gặp nhiều khó khăn.
 
Trước thực tế đó, để công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm mới đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, trước hết cần tăng cường công tác nắm tình hình, nhanh chóng phân tích, dự báo sát đúng tình hình trong nước, trong tỉnh để kịp thời chủ động tham mưu cho các cấp. Qua đó, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, phòng ngừa và đấu tranh. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, núp bóng doanh nghiệp; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm về kinh tế, tham nhũng; tội phạm ma túy.
 
Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của CBCS trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, hỗ trợ kinh phí và trang bị các công cụ, phương tiện cần thiết. Tích cực nghiên cứu, nắm bắt các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm mới để làm tốt công tác phòng ngừa cũng như đấu tranh, thu thập và củng cố chứng cứ, tài liệu. Ngoài ra, đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị nghiệp vụ trong việc quản lý, phát hiện, phòng ngừa đấu tranh với các đối tượng có khả năng, biểu hiện nghi vấn phạm tội nhưng hoạt động lưu động. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Ngọc Anh

Các tin khác