Thứ Ba, 03/12/2019, 10:23 [GMT+7]

Chung tay đẩy lùi HIV/AIDS

(Congannghean.vn)-Ngày 1/12 trở thành Ngày thế giới chung tay phòng, chống HIV/AIDS và là ngày mở đầu Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Trong thời gian qua, với nhiều nỗ lực, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả tích cực, song HIV/AIDS vẫn là nguy cơ lớn đe dọa cuộc sống, hạnh phúc của người dân.

Giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị HIV/AIDS chính là cơ sở quan trọng để đẩy lùi bệnh này - Tranh minh họa
Giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị HIV/AIDS chính là cơ sở quan trọng để đẩy lùi bệnh này - Tranh minh họa

Nghệ An là tỉnh có số người nhiễm HIV cao. Tình hình dịch đang trong giai đoạn tập trung và có xu hướng diễn biến phức tạp. Trong thời gian qua, Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Tỉnh đã chủ động bám sát các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an để chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chuyên môn về chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật điều trị; bố trí kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở điều trị Methadone. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để các đối tượng nghiện ma túy thấy được lợi ích, tác dụng, hiệu quả của điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Quyết định số 3401 về Phê duyệt kế hoạch điều chỉnh triển khai thực hiện chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 trên 40% số người nghiện ma túy dạng thuốc phiện của tỉnh có hồ sơ kiểm soát tại 100% huyện, thành phố, thị xã được tham gia chương trình Methadone. Hiện nay, biện pháp chủ yếu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS chính là truyền thông, vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp dự phòng.

Theo đó, công tác truyền thông thay đổi hành vi được triển khai rộng từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và xã, phường. Thông qua việc chăm sóc, điều trị, người nhiễm được tư vấn giảm nguy cơ, thực hiện các hành vi an toàn nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác; được cung cấp thuốc kháng virus, thuốc chống nhiễm trùng cơ hội và các chăm sóc, hỗ trợ khác. Công tác chăm sóc, điều trị hiện đang triển khai tốt tại khoa của các hệ thống bệnh viện.

Qua thực tiễn ở các địa phuơng có thể thấy, nhiều bệnh nhân kiên trì, tuân thủ tốt điều trị, uống thuốc Methadone đã từng bước hồi phục sức khỏe, ổn định tâm lý, có thể làm việc, lao động bình thường, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Đặc biệt, chương trình Methadone đã giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người nghiện, hạn chế gia tăng các tội phạm liên quan đến ma túy, buôn bán, sử dụng ma túy, góp phần ổn định ANTT xã hội. Việc điều trị bằng Methadone không chỉ mang lại lợi ích cho người nghiện, mà còn giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội, hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Bên cạnh đó, Nghệ An còn là một trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine. Điều trị Buprenorphine ngoài lợi ích tương tự như Methadone còn có tác dụng kéo dài hiệu quả của thuốc nên khi điều trị bằng Buprenorphine người bệnh chỉ cần 2 - 3 ngày mới phải đến cơ sở y tế một lần. Điều này giúp giảm thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt phù hợp với các bệnh nhân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thuốc Buprenorphine cũng an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với Methadone. Hơn thế nữa, Buprenorphine không tương tác với thuốc ARV, không gây tăng liều khi người bệnh dùng kết hợp 2 thuốc này. Điều này rất thuận lợi cho người bệnh đang điều trị Buprenorphine có kết hợp điều trị ARV.

Trong năm 2017, Bộ Y tế phấn đấu triển khai điều trị Buprenorphine cho khoảng 500 bệnh nhân tại một số tỉnh miền núi (Điện Biên, Nghệ An, Sơn La) và năm 2018 tiếp tục duy trì và mở rộng điều trị Buprenorphine cho khoảng 2.000 bệnh nhân tại Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái và Lai Châu. Để điều trị hiệu quả, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên sử dụng song song 2 thuốc Methadone và Buprenorphine trong điều trị duy trì nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Theo báo cáo của nhiều nước trên thế giới, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine có hiệu quả đáng ghi nhận trong việc giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Bộ Y tế sẽ tổ chức điều trị Buprenorphine lồng ghép vào hệ thống Methadone sẵn có. Đồng thời thiết lập mạng lưới mới tại những địa bàn chưa triển khai điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, bao gồm: Cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc và cấp phát thuốc qua hệ thống nhân viên y tế thôn bản.

Hiện nay, công tác điều trị bằng thuốc Methadone tại Nghệ An đang gặp khó khăn do nguồn lực của địa phương còn thiếu, cán bộ làm tại các cơ sở điều trị Methadone chủ yếu kiêm nhiệm, trong khi hoạt động tại các cơ sở điều trị Methadone mang tính đặc thù. Cùng đó, tình trạng sử dụng các loại ma túy có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, các loại ma túy tổng hợp xuất hiện, du nhập trên địa bàn ngày càng nhiều.... Bên cạnh đó, truyền thông phải đúng, đủ, rộng và có hiệu quả để làm thay đổi hành vi nguy cơ sang hành vi an toàn và có thái độ ứng xử đúng về HIV/AIDS. Song song đó, mở rộng các dịch vụ can thiệp giảm hại như bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị Methadone... bằng nhiều hình thức, nhất là xã hội hóa các hoạt động này.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ, 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV có mức ức chế virus ổn định.

 

.

Tuệ Trang

.