(Congannghean.vn)-Dù đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống thực phẩm bẩn, tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn vẫn đang đặt ra nhiều thách thức với các cấp chính quyền và chính người tiêu dùng.
Từ nỗi lo thực phẩm đường phố
Đảm bảo ATVSTP đường phố đang là mối quan tâm với nhiều địa phương |
Thực phẩm đường phố (TPĐP) từ lâu đã trở thành một nét văn hoá không thể thiếu đối với người dân nước ta nói chung và TP Vinh nói riêng.Với mức giá bình dân, hợp túi tiền, số lượng phong phú, đa dạng, dễ dàng tiếp cận và chọn lựa càng khiến TPĐP dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống đô thị. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những nỗi lo chưa có lời giải về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Với đặc thù mật độ dân số đông nên lượng tiêu thụ thực phẩm hàng ngày ở TP Vinh khá lớn. Đường Nguyễn Văn Cừ và Lê Hồng Phong từ lâu được biết tới như là “thiên đường ăn vặt” đặc biệt đối với các bạn học sinh, sinh viên. TPĐP ở TP Vinh rất đa dạng, từ những món ăn đặc trưng mang tính vùng miền tới những món ăn mới lạ, bắt kịp với xu hướng đến từ nhiều địa phương, nhiều đất nước khác nhau.
Tuy nhiên, “ngon, rẻ” chưa chắc đã đi đôi với “bổ”. Bên cạnh sự tiện lợi, TPĐP luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo ATVSTP ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng người tiêu dùng. Qua quan sát có thể thấy, phần lớn các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa thực sự đảm bảo ATVSTP theo quy định, nguồn gốc các loại thực phẩm không rõ ràng. Nguyên nhân chủ yếu là trong quá trình vận chuyển, chế biến khiến thực phẩm dễ bị nhiễm bẩn cộng thêm việc bày bán bên lề đường nhiều khói bụi. Nếu đi dọc các tụ điểm ăn vặt xung quanh trường học, các con phố bán đồ ăn đường phố, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra thức ăn được bán cho khách hàng ít khi có dụng cụ che đậy mà thường để tiếp xúc trực tiếp với môi trường. Trong quá trình chế biến, người bán vẫn chưa có ý thức sử dụng găng tay, nguyên tắc quan trọng nhất để đảm bảo ATVSTP.
Môi trường xung quanh địa điểm kinh doanh thường không sạch sẽ, có rác thải, ruồi nhặng gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới chất lượng đồ ăn khi tới tay người tiêu dùng. Thực tế phần lớn các chủ cửa hàng ăn uống nhận thấy được nguy cơ này, tuy nhiên họ vẫn hết sức bàng quan trước vấn đề sức khoẻ của thực khách. Hiện nay, Phố chợ đêm Cao Thắng ở TP Vinh đã bắt đầu đi vào hoạt động, thu hút một lượng lớn người dân trong thành phố tới khám phá, trải nghiệm. Với số lượng 114 ki-ốt, trong đó có tới 44 ki-ốt kinh doanh đồ ăn vặt và đặc sản địa phương thì việc đảm bảo vệ sinh càng cần được quan tâm, chú trọng hơn bao giờ hết.
Đến quyết tâm không có “kẽ hở” cho thực phẩm bẩn
Lực lượng Công an kiểm tra, phát hiện cơ sở không đảm bảo ATVSTP trên địa bàn |
Hiện nay, đảm bảo ATVSTP đang là mối quan tâm hàng đầu với nhiều địa phương trong cả nước. Nghệ An hiện có khoảng 34.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, ngành Y tế quản lý 6.210 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 12.000 cơ sở và ngành Công thương quản lý 16.600 cơ sở. Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được chứng nhận đủ điều kiện ATTP là 3.519 cơ sở; 18.133 cơ sở tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP. Trong thời gian qua, Nghệ An đã triển khai nhiều chỉ thị, văn bản đối với công tác đảm bảo ATVSTP. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề ATVSTP trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATTP tỉnh Nghệ An đến năm 2025” đề ra mục tiêu nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường, thị trấn.
Đề án dự kiến bắt đầu thực hiện từ năm 2020... Những năm qua, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với ngành Y tế tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và các quy định của pháp luật về ATVSTP đến từng cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở chế biến, nhà hàng ăn uống và các hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố; ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý ATVSTP; đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành đảm bảo ATVSTP trên địa bàn; thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATVSTP trên địa bàn.
Hiện nay, vấn đề sản xuất thực phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng đang được Nghệ An quan tâm đẩy mạnh, bước đầu ghi nhận một số kết quả khả quan khi các vùng trồng rau, củ, quả được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Tuy vậy, những cơ sở này còn quá ít so với quá nhiều cơ sở vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật. Cộng thêm đó là công tác kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm ATVSTP của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các đối tượng kinh doanh thiếu lương tâm lợi dụng. Có một thực tiễn đang tồn tại ở nhiều địa phương đó chính là dù thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe nhưng một bộ phận người dân vẫn thiếu quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, các điều kiện bảo quản cần thiết để thực phẩm an toàn. Dễ nhận thấy nhất là chợ tự phát hình thành rất nhiều trên địa bàn, trong đó bày bán rất nhiều loại thực phẩm không đảm bảo ATVSTP. Hay, như việc bán nhiều loại thực phẩm qua mạng xã hội mà chất lượng dường như chưa được kiểm soát, kiểm định. Trong khi đó, dịch vụ chuyển phát đồ ăn nhanh nở rộ cùng nhu cầu của người dân đã đặt thêm thách thức cho vấn đề đảm bảo ATVSTP.
Chỉ còn ít tháng nữa là đến dịp mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Một số lượng lớn thực phẩm sẽ được đưa đến tay người tiêu dùng. Vì thế, công tác đảm bảo ATVSTP, phòng, chống thực phẩm bẩn càng trở nên bức thiết hơn nữa. Trên cơ sở, nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra, các cấp, ngành cần tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thanh, kiểm tra về ATVSTP; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm. Cùng với xu hướng công nghệ 4.0, các ngành và các địa phương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý ATVSTP nhằm giúp việc giám sát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm được nhanh chóng, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng mô hình chợ đảm bảo ATVSTP. Đồng thời, tiếp tục triển khai mô hình thí điểm các chuỗi cung ứng sản phẩm rau an toàn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở có tổ chức bếp ăn tập thể…
.