Pháp luật

Cần xử phạt nặng doanh nghiệp sử dụng tài xế dương tính với ma túy

10:08, 20/08/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Những vụ TNGT do tài xế nghiện ma túy gây ra thời gian qua đã để lại hậu quả thật tàn khốc. Nhìn từ các cuộc kiểm tra sức khỏe lái xe mới thấy giật mình, khi tính mạng người tham gia giao thông được đặt trong tay hàng trăm “con nghiện”.
 
Trong hơn 4 tháng Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội (gồm Thanh tra GTVT, CSGT và Sở Y tế) tiến hành kiểm tra đối 18 doanh nghiệp có phương tiện gây TNGT trong năm 2018 đã phát hiện 5 tài xế dương tính với ma túy.
 
Có mặt tại QL5 cùng tổ công tác liên ngành số 2, nơi hàng ngày có hàng nghìn lượt phương tiện qua lại, theo ghi nhận của chúng tôi, các tài xế hầu hết đều chấp hành hiệu lệnh dừng xe để tiến hành kiểm tra nồng độ cồn và test thử nhanh ma túy. 
Cán bộ chức năng kiểm tra sức khỏe đối với các lái xe.
Cán bộ chức năng kiểm tra sức khỏe đối với các lái xe.
Trong một buổi sáng, có hơn 50 tài xế đã thử nồng độ cồn và test thử nhanh ma túy, tất cả đều âm tính. Mặt dù nắng nóng gay gắt, mặt đường nhựa luôn trong nhiệt độ trên 40 độ C, nhưng tổ công tác vẫn tiếp tục công việc trong buổi chiều. Kiểm tra sức khỏe lái xe nhằm đảm bảo TTATGT là công việc diễn ra trong 4 tháng qua của cả 2 tổ công tác liên ngành.
 
Theo ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 1-4, Sở GTVT Hà Nội thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ôtô của các đơn vị vận tải trên địa bàn Hà Nội.
 
Trong suốt mấy tháng qua, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã tiến hành kiểm tra xe khách tại các bến xe khách Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Gia Lâm, Sơn Tây, Yên Nghĩa. Ngoài kiểm tra nồng độ cồn và việc sử dụng chất ma túy, Đoàn còn kiểm tra điều kiện phương tiện và người lái xe tại các bến xe khách.
Kiểm tra sức khỏe đối với các lái xe.
Kiểm tra sức khỏe đối với các lái xe.
Theo ông Tiến, đến nay, Đoàn kiểm tra số 2 đã kiểm tra 18 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa có phương tiện gây tai nạn năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Đồng thời tiến hành kiểm tra đối với các lái xe đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông về nồng độ cồn, ma túy tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các chốt đặt trạm cân, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn thành phố.
 
Từ ngày 1-4 đến 11-8, lực lượng kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 1.341 xe ôtô (942 xe khách và 399 xe tải); kiểm tra tổng số 1.569 lượt lái xe, về nồng độ cồn đã kiểm tra 972 lái xe (545 lái xe khách và 427 lái xe tải) không có trường hợp vi phạm.
 
Kiểm tra, xét nghiệm tìm chất ma túy với 1.024 lái xe, trong đó có 597 lái xe khách, phát hiện 8 trường hợp dương tính với test nhanh, đã lấy mẫu máu chuyển cơ quan y tế xét nghiệm, sau khi có kết quả xét nghiệm máu đã chuyển cơ quan chức năng xử lý 1 trường hợp mẫu xét nghiệm máu dương tính với chất ma túy.
 
Kiểm tra 427 lái xe tải, có 7 trường hợp dương tính với test nhanh, sau khi có kết quả xét nghiệm máu, có 4 trường hợp dương tính với chất ma túy. Trong 4 trường hợp có 2 trường hợp phát hiện tại doanh nghiệp. Cụ thể, lái xe của Công ty CP EXPRESS Thành Đạt bị phát hiện dương tính với ma túy, đoàn kiểm tra yêu cầu công ty kết thúc hợp đồng với lái xe, đồng thời cam kết không sử dụng lái xe nghiện ma túy.
 
Theo ông Tiến, máy test nhanh phát hiện ma túy hiện đang sử dụng được coi là máy hiện đại nhất, có thể test một lúc phát hiện 20 loại ma túy, có những loại ma túy mới xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi dương tính lái xe có muôn vàn lý do, cho rằng mình uống thuốc giảm đau, hay thuốc dạ dày…
 
Để khẳng định chắc chắn lái xe có dùng ma tuý hay không phải đưa mẫu máu về xét nghiệm tại các cơ sở y tế, tối thiểu 2 ngày sau mới có kết quả. Quá trình này gây khó cho lực lượng chức năng trước phản ứng từ phía các lái xe, cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do lực lượng chức năng phải đình tài đối với trường hợp xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính với ma túy.
 
Điển hình là tài xế Phạm Thanh Bình, trú tại Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương, điều khiển xe ôtô đầu kéo BKS 14C-183.36 cho một doanh nghiệp ở Quảng Ninh. Sau khi thử test nhanh dương tính với ma túy, lái xe này đã chống đối bằng cách lái xe bỏ chạy, đâm thẳng vào đoàn kiểm tra…
 
Để việc phát hiện và xử lý tài xế nghiện ma túy mang lại hiệu quả cao, theo ông Tiến, Bộ GTVT nên có phần mềm quản lý lái xe để lực lượng chức năng thuận tiện truy cập, kiểm tra “tiền sử” của lái xe để áp dụng chế tài xử lý tăng nặng hoặc không bỏ lọt tài xế nghiện ma túy.
 
Hơn nữa, chế tài xử lý đối với tài xế nghiện ma túy hiện là 24 triệu đồng, tước bằng lái 2 năm, tuy nhiên lại không có chế tài xử phạt doanh nghiệp có tài xế nghiện. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp buông lỏng kiểm tra quản lý lái xe, dẫn tới trong quá trình làm việc, lái xe sử dụng chất kích thích, rượu, bia, ma túy… gây TNGT.
 
Ông Tiến cũng cho biết, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe cho lái xe ở mức 3 triệu đồng là còn quá nhẹ, nên cần phải tăng cao, có thể lên tới 10 lần và tăng thêm hình thức tạm đình chỉ kinh doanh vận tải thì mới đủ tính răn đe. 
 
Theo ông Tiến, trong thời gian tới, ngoài yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh, đặc biệt công tác tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, việc kiểm tra liên ngành về nồng độ cồn và ma túy với lái xe vẫn tiếp tục triển khai, nhằm đảm bảo TTATGT cho Thủ đô. Đồng thời áp dụng chế tài xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, tài xế tái phạm nhiều lần.

Nguồn: CAND

Các tin khác