Pháp luật
Nên chăng khôi phục lại Điều 199 BLHS năm 1999 về tội sử dụng trái phép chất ma túy
08:38, 26/06/2019 (GMT+7)
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV vừa qua, khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có đặt vấn đề sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tội phạm ma túy và đề nghị khôi phục lại Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội sử dụng trái phép chất ma túy. Vì sao lại có câu chuyện này và những căn cứ nào là tiền đề cho đề xuất nói trên của Bộ Công an?
Điều 199 trong Chương các tội phạm về ma túy của Bộ luật Hình sự năm 1999 có nội dung: “1. Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm; 2. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm”.
Trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015, chúng ta đã bỏ Điều 199 nói trên. Với quan điểm nhân văn và nhân đạo, chúng ta đã không còn nhìn nhận người nghiện ma túy là người vi phạm pháp luật mà đã coi nghiện ma túy là một loại bệnh và người mắc nghiện ma túy như là một người bệnh! Song song với tinh thần nhân đạo này và để phù hợp với cách xử lý của quốc tế đối với người cai nghiện, chúng ta khuyến khích người nghiện tự giác cai tại cộng đồng hoặc tự nguyện đi cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện của Nhà nước hoặc của tư nhân. Đồng thời chuyển từ việc đưa người nghiện ma túy đi cai bắt buộc bằng các quyết định hành chính của UBND cấp quận, huyện thành các phán quyết của TAND cùng cấp.
Với sự nỗ lực của toàn dân, toàn xã hội và của các ban ngành chức năng, hàng năm chúng ta đã đưa đi cai nghiện bằng nhiều hình thức hàng chục nghìn người. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghiện còn rất cao (bình quân trên dưới 85-90%, thậm chí ở nhiều địa phương tỷ lệ này là 95-100%). Với tổng công suất của 120 cơ sở cai nghiện hiện có của cả nước (trong đó có 105 cơ sở công lập của Nhà nước) vào khoảng 50.000 người, các cơ sở cai nghiện mới đáp ứng được 20-25% nhu cầu của trên 230.000 người người nghiện trong danh sách quản lý của các cơ quan chức năng (số người nghiện trong thực tế còn lớn hơn rất nhiều). Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thì rất nhiều cơ sở cai nghiện trong số 105 cơ sở công lập do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hiện đang bị quá tải từ 2-3 lần, thậm chí có cơ sở quá tải tới 4 lần công suất thiết kế. Thực tế trên dẫn tới nhiều khó khăn bất cập của công tác cai nghiện mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang phải gánh vác.
Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, đã xảy ra hiện tượng các học viên cai nghiện phá trại tập thể hoặc đánh lẫn nhau gây tổn thất về con người và vật chất tại một số cơ sở cai nghiện công lập. Gần đây, có cơ sở như ở Bà Rịa-Vũng Tàu (năm 2016), Cà Mau (năm 2018) đã xảy ra liên tiếp hai vụ phá trại trong thời gian ngắn. Năm 2005, tại Trung tâm Gia Minh (TP Hải Phòng) có vụ phá trại của gần 800 học viên và cũng tại Trung tâm này, năm 2014 có hơn 400 học viên phá trại. Tại TPHCM, sau khi kết thúc Chương trình “3 Giảm” và chuyển sang phương thức đưa người nghiện đi cai bằng phán quyết của TAND cấp quận huyện, việc đưa người nghiện ma túy đi cai, kể cả những người đã cai bắt buộc nhiều lần vẫn tái nghiện, gặp nhiều khó khăn dẫn tới người nghiện hoành hành cướp giật, thậm chí dẫn tới những án mạng thương tâm đối với nạn nhân của bọn nghiện ma túy, trong đó có cả khách du lịch nước ngoài.
Gần đây, người nghiện nước ta đang chuyển nhanh từ việc sử dụng các loại ma túy truyền thống (thuốc phiện, heroin, cần sa…) sang sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine rất nguy hiểm với hệ thần kinh con người, thậm chí làm cho người nghiện mất hết ý thức và lý trí có thể dẫn tới gây tội ác với cả người thân trong gia đình. Theo số liệu của cơ quan Công an, hàng năm cả nước có tới 35-40% các vụ án hình sự về an ninh, trật tự xã hội liên quan tới ma túy và trong đó, khoảng 20% là liên quan tới cướp của, giết người vì ma túy!
Vậy chúng ta nên nhìn nhận các khái niệm “Bệnh nghiện ma túy” và “Bệnh nhân nghiện ma túy” thế nào cho đúng ý nghĩa và bản chất của nó để giải quyết vấn đề cai nghiện nan giải hiện nay. Theo sự phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiện ma túy là một loại bệnh về tâm thần. Tuy nhiên, có thể nói đây là một loại bệnh rất đặc biệt vì nó khác với các bệnh thông thường khác. Trong thực tế, sự khác biệt của “Bệnh nghiện ma túy” so với các loại bệnh khác là ở chỗ: Nói là bệnh nhưng bệnh nhân (người nghiện) không ai, hoặc rất ít, muốn chữa lành bệnh này, thậm chí còn muốn ngày càng nặng hơn; Các loại bệnh thông thường do ngẫu nhiên người bệnh mắc phải, còn bệnh nghiện này đa số tự nguyện chấp nhận dù biết nguyên nhân và hậu quả nguy hại của nó; Bệnh nghiện ma túy thường gắn liền với tệ nạn xã hội và tội phạm, là nguyên nhân gây rối loạn an ninh, trật tự xã hội; Bệnh này là con đường chủ yếu ở nước ta làm lây lan đại dịch HIV/AIDS; Cuối cùng là loại bệnh này muốn chữa (cai hoàn toàn) phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp về y tế, văn hóa, xã hội, hành chính, kinh tế và cả pháp luật với sự tham gia của các cơ quan chức năng Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội với sự chung tay của gia đình và cộng đồng, cả xã hội.
Với những đặc điểm nói trên, “Bệnh nghiện ma túy” và “Bệnh nhân” của nó đã gây nhiều tai họa cho nhiều gia đình và cộng đồng, là nỗi lo và là điều nhức nhối của toàn xã hội.
Trở lại vấn đề về đề nghị của Bộ trưởng Tô Lâm trước Quốc hội kiến nghị xem xét việc khôi phục lại Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội sử dụng trái phép chất ma túy. Khi chúng ta bỏ Điều 199 trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015, chúng ta đã hoàn toàn xử lý người nghiện bằng biện pháp hành chính thay vì các biện pháp hình sự. Nhưng có thể nói rằng, với người nghiện ma túy, áp dụng chỉ bằng biện pháp hành chính là chưa đủ mức độ răn đe những người cố tình vi phạm pháp luật về hành vi sử dụng ma túy trái phép. Tại các cơ sở cai nghiện, có thể thấy đa số học viên cai nghiện đều đã cai nhiều lần, có người tới hàng chục lần. Chấp hành xong biện pháp cai nghiện bắt buộc, về gia đình và cộng đồng, họ lại quay về với ma túy. Họ sẵn sàng tìm mọi cách, kể cả gây án để kiếm tiền nhằm thỏa mãn cơn nghiện.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm đã khẳng định: “Tội phạm ma túy là loại tội phạm rất nguy hiểm, là tội phạm của các loại tội phạm” (theo Bộ trưởng có tới 50% số phạm nhân trong các trại giam là có liên quan tới ma túy). Càng ngày các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy ở nước ta càng lớn về quy mô số người tham gia và số lượng ma túy từng vụ. Bọn buôn bán, vận chuyển ma túy rất muốn ngày càng có nhiều người nghiện ma túy. Cung tăng sẽ kéo theo sự tăng nhanh số người nghiện ma túy và từ đó, kéo theo sự bất ổn về an ninh, trật tự xã hội.
Nhiều nước trên thế giới, ngay một số nước trong khu vực gần nước ta như Trung Quốc, Singapore vẫn áp dụng một số hình thức xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy. Ở các nước này, các trung tâm cai nghiện tương tự một loại hình trại giam đặc biệt dành cho người nghiện ma túy. Ở Mỹ cũng khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai nhưng nếu không đi cai tự nguyện mà bị bắt sẽ bị xử lý hình sự.
Ở nước ta, bên cạnh việc đấy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích người nghiện ma túy đi cai nghiện, cần thiết xem xét khôi phục lại các biện pháp hình sự theo Điều 199 của Bộ luật Hình sự năm 1999 trước đây. Xã hội nhân đạo với người nghiện không có nghĩa là chúng ta buông lỏng sự quản lý và giám sát những người nghiện ma túy cố tình vi phạm pháp luật nhiều lần. Không thể để tái diễn hiện trạng sau khi người nghiện ra khỏi các cơ sở cai nghiện lại đi reo rắc tai họa và bất ổn đối với cả gia đình họ, với cả cộng đồng và xã hội. Tăng cường quản lý người nghiện và quản lý tốt người nghiện sẽ là biện pháp có hiệu quả ngăn chặn sự phát sinh các tội phạm ngay từ địa bàn cơ sở.
“Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu” là chủ đề của Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2019 do Chính phủ phát động nhằm nhắc nhở và cũng là để cảnh tỉnh mỗi công dân, đặc biệt là lứa tuổi trẻ nước ta, cần cảnh giác trước sự cám dỗ của ma túy và suy nghĩ kỹ về sự nguy hại của ma túy, về hậu quả lâu dài đối với bản thân từng người và gia đình họ để không bị sa vào tệ nghiện ma túy, để nếu ai đã trót sa chân vào tệ nạn này cần sớm quyết tâm cai nghiện, từ bỏ nó vĩnh viễn trước khi chịu xử lý hình sự vì sự liên quan tới ma túy.
Nguồn: Tiengchuong.vn