Với trách nhiệm và chức năng quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đang yêu cầu rà soát lại những vướng mắc trong vấn đề pháp lý, quản lý tại địa phương để xem trách nhiệm đến đâu; từ đó siết chặt, đảm bảo hiệu quả quản lý hơn nữa mặt hàng này.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, việc bắt được 1 vụ xăng dầu làm giả rất khó, các cơ quan như Quản lý thị trường, Khoa học & công nghệ một mình đơn phương không thể làm được.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu |
Từ kinh nghiệm của Công an tỉnh Nghệ An đã từng triệt phá đường dây buôn xăng giả trước đây, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, cơ quan Công an thường phải lập chuyên án hàng năm trời, theo dõi rất sát và khi bắt thì phải bắt được quả tang họ đang pha trộn mới đủ chứng cứ.
Theo quy định quản lý mặt hàng xăng dầu đầu vào luôn yêu cầu phải có hoá đơn, chứng từ, trong khi quy định của quản lý xăng dầu thì đại lý, tổng đại lý chỉ được lấy từ 1 nguồn phân phối. Tuy nhiên theo ông, kể cả có lấy xăng dầu đúng nguồn nhưng đối tượng có thể lấy phụ phẩm ở nơi khác, sau đó về pha trộn và gian lận nằm ở khâu này.
“Bởi thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi là mua hoá chất sau đó về pha trộn với xăng. Do đó, muốn bắt và xử lý hình sự thì phải bắt được quả tang, còn bắt trên đường vận chuyển thì không làm gì được”, đại biểu nói. Khi đó nếu có kiểm định thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính kinh doanh mặt hàng không đảm bảo chất lượng.
“Ngoài lực lượng Công an thì phải cần sự phối hợp rất tốt của ngành Khoa học & công nghệ trong giám định chất lượng xăng và Quản lý thị trường để bắt quả tang khi phối trộn. Từ đó mới mở rộng, kiểm tra sổ sách giấy tờ việc mua bán hoá chất, xăng về phối trộn…”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phân tích.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng khẳng định, việc quản lý và kiểm soát chất lượng xăng dầu thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều lực lượng với nhau. Và việc phá được đường dây làm giả xăng dầu như vừa rồi theo quan điểm của đại biểu là thành tích chứ đừng chỉ nghĩ đến tiêu cực. Nếu không bắt được thì hậu quả xã hội phải chịu còn lớn hơn nhiều.
Liên quan đến đường dây làm giả xăng dầu của đại gia Trịnh Sướng, Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động – Bộ Công an và Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Cần Thơ, Công an tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng triệt phá, bắt quả tang tại nhiều địa điểm. Đến nay, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 23 bị can trong chuyên án. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, lượng dung môi các đối tượng mua vào từ ngày 1-1-2017 đến nay trị giá trên 3.000 tỉ đồng; hàng tháng sản xuất, đưa ra thị trường trung bình 6 triệu lít xăng giả. |