Là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại Phiên họp thứ 34 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng nay, 9-5.
99,87% kiến nghị cử tri được xem xét, giải quyết
Theo báo cáo do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày, thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện đã tập hợp được 2.293 kiến nghị của cử tri. Trong đó, đa số kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 94,81%).
Các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời cử tri theo quy định, đến nay đã có 2.290 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định đạt 99,87% tổng số kiến nghị đã chuyển.
Qua việc theo dõi, đôn đốc của Ban Dân nguyện đối với việc trả lời kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành kết hợp với nhận xét, đánh giá của 63/63 Đoàn ĐBQH cho thấy, về cơ bản các Bộ, ngành đều rất nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu đúng trọng tâm vấn đề mà cử tri nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp |
Một số Bộ, ngành còn thông tin cho cử tri thêm về các quy định của pháp luật có liên quan khác cũng như kế hoạch triển khai khắc phục những vấn đề mà cử tri kiến nghị. Hiện tượng trả lời chung chung, “lạc đề”, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước hầu như đã được khắc phục. Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký…
Bên cạnh đó, đối với những vấn đề mới, được đông đảo dư luận quan tâm, Thủ tướng Chính phủ thường có sự chỉ đạo kịp thời đối với các cấp, các ngành tạo nên tâm lý tin tưởng của người dân vào công tác điều hành của Chính phủ. Chẳng hạn như trước nạn “tín dụng đen” cho vay “nặng lãi hoành hành tại nhiều địa phương, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, trong một thời gian ngắn, Thủ tướng đã chỉ đạo đã ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các tội phạm và vi phạm pháp luât liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải |
Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tại những thời điểm rất gần nhau, trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng điện sử dụng và tiền điện tăng làm người dân lo lắng, băn khoăn, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6-2019.
Cử tri hoang mang trước các vụ TNGT nghiêm trọng, thảm khốc
Trước tình hình người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia gây ra nhiều vụ TNGT kinh hoàng khiến người dân hoang mang khi tham gia giao thông; Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất chế tài xử phạt đối với vi phạm này theo hướng tăng mạnh mức xử phạt...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc giải quyết kiến nghị cử tri liên quan đến kiềm chế TNGT còn chưa thực sự hiệu quả, gia tăng các vụ TNGT nghiêm trọng, thảm khốc có số người tử vong cao, có nguyên nhân từ sử dụng ma túy, rượu bia làm cử tri rất hoang mang, lo lắng khi tham gia giao thông.
Đây là vấn đề đã được cử tri nhiều tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đồng Nai, Hậu Giang, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hải Dương, Bình Định, Long An, Lâm Đồng... phản ánh và được UBTVQH kiến nghị tại báo cáo kỳ trước .
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
Ngoài ra, để đảm an toàn cho hành khách trên xe, tại khoản 1 Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ quy định về thời gian làm việc tối đa đối với mỗi lái xe ô tô là không được quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Tuy nhiên theo phản ánh của cử tri, hiện tượng người lái xe làm việc vượt quá thời gian quy định, lái xe đường dài trong suốt nhiều giờ liên tục không được nghỉ dẫn đến nguy cơ gây tai nạn cao diễn ra khá phổ biến. Hiện tượng này ít bị các cơ quan kiểm tra, xử lý do thiếu thiết bị theo dõi, giám sát (đây cũng là nguyên nhân gây nên một số vụ TNGT kinh hoàng trong thời gian qua).
Cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá sớm tìm những giải pháp thực sự mạnh, hiệu quả để kiềm chế TNGT như: Sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm theo hướng tăng mức xử lý với những người điều khiển phương tiện để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm tại các cơ sở đào tạo lái xe; công tác tuyển dụng lái xe, quản lý hồ sơ sức khỏe của lái xe, về thời gian làm việc của người lái xe ô tô...
Quốc hội nên lựa chọn những vấn đề nóng bỏng để ra Nghị quyết
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề “nóng” nhất hiện nay là an toàn giao thông, trong đó số vụ, số người dù giảm đi nhưng tính chất vụ việc lại nặng lên, tài xế sử dụng ma tuý, rượu bia nên dẫn đến nhiều vụ TNGT thảm khốc.
Toàn cảnh phiên họp |
“Quốc hội nên lựa chọn những vấn đề nóng bỏng để ra Nghị quyết. Chẳng hạn đối với những người nghiện ma tuý lái xe cần tước bằng vĩnh viễn, uống rượu lái xe thì cần tước bằng, thế mới đảm bảo nghiêm minh”, ông nói. Theo ông, trong khi chúng ta chưa sửa được luật thì những nghị quyết như thế này sẽ là quy định pháp luật có thể áp dụng được ngay, phù hợp với thực tiễn.
“Hay vấn đề bạo lực học đường ngày xưa hầu như chỉ diễn ra với học sinh nam, bây giờ còn có học sinh nữ, lại quay clip nữa nên bố mẹ bức xúc khi thấy con mình bị đánh túi bụi. Do có mạng xã hội nên các bức xúc càng được nhân lên. Chúng ta cũng phải có biện pháp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến. Ông nhấn mạnh việc chọn những vấn đề bức xúc để Quốc hội có Nghị quyết để đẩy nhanh việc giải quyết, xử lý cho cấp bách.
Cũng liên quan đến vấn đề TNGT, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, có đại biểu phản ánh cách thống kê về các vụ TNGT của các địa phương là nếu tử vong ở ngoài hiện trường thì mới tính chứ khi bị thương đưa vào bệnh viện thì không tính nữa. Từ đó dẫn đến chênh lệch về số liệu giữa các cơ quan và không đánh giá đúng thực trạng.
“Chúng tôi đề nghị các đồng chí xem xét lại phản ánh của đại biểu Quốc hội có đúng không để bổ sung vào báo cáo của Ban Dân nguyên trong thời gian tới”, ông cho hay.
Đổi 100USD phạt 90 triệu đồng là quá nặng so với sàm sỡ nữ sinh trong thang máy
Báo cáo cũng nêu, việc tiếp thu kiến nghị cử tri sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính không phù hợp thực tiễn, còn chậm dẫn đến một số vi phạm chưa được xử lý thỏa đáng.
Chẳng hạn như hành vi “cố ý tố cáo sai sự thật”; hành vi quấy rối tình dục (định nghĩa, phân loại mức độ cụ thể, rõ ràng)... Đồng thời sửa đổi các mức xử phạt trong nghị định nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe, xử lý mạnh và nghiêm minh, tránh để tình trạng như vừa qua với hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại một chung cư ở Hà Nội, nhưng mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm chỉ có 200.0000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 5 của Nghị định 167 ), khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ do mức xử phạt chưa tương xứng với hành vi vi phạm và tác động xấu mà nó gây ra về dư luận xã hội, mức phạt còn quá nhẹ, nên không đủ sức răn đe.
Ngoài ra mức xử phạt hành chính trong nhiều trường hợp còn nêu rất chung chung, chưa phân biệt rõ ràng giữa mức độ vi phạm với mức xử phạt tương ứng. Chẳng hạn như vụ việc một công dân ở Cần Thơ đổi 100 USD tại cửa hàng kinh doanh vàng (nơi không được thu đổi ngoại tệ), theo quy định tại khoản a điểm 3 Điều 24 Nghị định số 96 sẽ bị phạt tiền 90 triệu đồng là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận cử tri lại cho rằng mức xử phạt như vậy là quá nặng nếu so sánh về mức độ gây hậu quả và tác động xấu lên dư luận xã hội đối với một số hành vi vi phạm khác (hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chỉ bị phạt 200 nghìn đồng).
Cử tri kiến nghị cần rà soát các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, kịp thời, phù hợp với mức độ vi phạm; đồng thời đảm bảo tính công bằng, thống nhất trong các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau trong xử phạt hành chính.
.