Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp xảy ra những ngày gần đây do phụ nữ ngồi sau tay lái. Điều này dấy lên lo ngại về mức độ an toàn và hoài nghi về năng lực điều kiển của phụ nữ.
Bấm Play để xem Video (Độc giả cần mở loa để nghe lời bình)
Sáng ngày 9/4, tại ngã tư cầu vượt Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chiếc xe ô tô nhãn hiệu Mercedes do 1 người phụ nữ điều khiển bất ngờ vọt lên, tông vào 2 xe máy. Tiếp đó, chiếc xe như mất lái, lao nhanh về phía đường Xuân Thủy, đâm tiếp vào một xe máy dưới gầm cầu vượt đang dừng chờ đèn đỏ rồi leo lên vỉa hè đường Xuân Thủy, đâm đổ một cột đèn chiếu sáng trước khi lật nghiêng. Vụ tai nạn khiến 4 người bị thương...
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, trên phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chiếc ô tô hiệu Toyota Altis cũng do 1 người phụ nữ điều khiển chở theo 1 người phụ nữ khác đã lao thẳng vào một cửa hàng bán hoa quả bên đường. Rất may, thời điểm này không có người đứng trước cửa hàng, chiếc xe cũng không va phải người lưu thông trên đường. Cú đâm xe mạnh khiến phần cửa kính cửa hàng hoa quả vỡ tan, phần đầu xe ô tô biến dạng mạnh.
Sau 1 số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian vừa qua thì một số ý kiến cho rằng, phụ nữ lái xe là không an toàn, thậm chí có ý kiến nặng nề hơn còn khẳng định, không nên bán xăng cho phụ nữ. Quan điểm như vậy có hoàn toàn đúng hay không?
Anh Đặng Văn Hòa là giáo viên dạy lái xe ô tô. Anh đã trực tiếp đào tào hàng trăm chị em phụ nữ lái xe ô tô thành thạo do đó anh Hòa hiểu rất rõ những mặt ưu và nhược điểm của phụ nữ khi điều khiển xe ô tô.
Anh Hòa cho biết, phụ nữ có ưu điểm là họ rất cẩn thận và mềm mại trong điều khiển xe ô tô. Họ không ẩu, khi không biết hoặc chưa chắc họ sẽ từ từ và học hỏi. Chứ có khi nam giới, quá tự tin là mình lái giỏi sẽ dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu.
Số liêu thống kê chỉ rõ, số vụ tai nạn do nữ giới điều khiển cũng chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với nam giới. Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, trong số hơn 1.334 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn Hà Nội năm 2018, số vụ tai nạn do nam giới điều khiển là 1.173 vụ, nữ giới là 161 vụ. Thậm chí, thống kê còn chỉ rõ, sau 3 năm cấp bằng lái, những người có tâm lý chủ quan thường dễ xảy ra tai nạn hơn cả người mới lấy bằng.
Anh Nguyễn Hữu Cường, Hà Nội cho biết, quan điểm của cá nhân mình thì chị em hay anh em lái xe ô tô cũng vậy thôi. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đào tạo còn lỏng lẻo dẫn đến một số hậu quả chứ trên thực tế có những vụ tai nạn như container, xe khách cũng toàn các anh trai nhưng vẫn gây TNGT nghiêm trọng. Vì thế, không phải do giới tính mà do vấn đề đào tạo, ý thức của mỗi người.
Chị Trần Thu Hằng lái xe ô tô đã 2 năm nay. Vì thường xuyên đi giày cao gót nên chị Hằng đã chọn giải pháp an toàn, đó là để 1 đôi dép trên xe ô tô.
Ngoài ra, chị cũng đặt ra cho mình 1 số nguyên tắc an toàn khi lái xe: Đó là không nghe điện thoại; không trang điểm hay soi gương khi đang lái xe. Do đó, trước quan điểm của nhiều người đặc biệt là cánh mày râu chỉ trích, châm biếm phụ nữ lái xe chị Hằng không đồng tình.
Chị Trần Thu Hằng cho biết, nếu nói phụ nữ lái xe không an toàn thì tôi cho rằng không hợp lý. Dù phụ nữ chúng tôi có thể kỹ năng không bằng nam giới nhưng chúng tôi cẩn thận và tập trung lái xe. Còn nếu trong bất cứ trường hợp nào dù là nam hay nữ nếu có tâm lý lái xe ẩu, không nắm vững luật giao thông thì đều có nguy cơ gây TNGT như nhau.
Dù bất cứ ai, dù nam hay nữ khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành Luật ATGT, thường xuyên rèn luyện kỹ năng lái xe có như vậy mới không còn những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra.
.