Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam liên tiếp phá các vụ vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy tổng hợp (phổ biến nhất là dạng tinh thể trông giống đá - methamphetamine) với số lượng lớn và có yếu tố người nước ngoài.
Ngày 20/3/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Hải bắt 11 đối tượng, thu giữ 300 kg chất ma túy |
Điển hình là vụ ở quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) ngày 20/3: Đối tượng cầm đầu của đường dây ma túy xuyên quốc gia là Wu He Shan (quốc tịch Trung Quốc) và tang vật thu được là hơn 700 bánh ma tuý đá với trọng lượng hơn 300kg. Số ma túy này được vận chuyển từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y.
Mới đây nhất, trong 2 ngày 30 và 31/3, lực lượng phòng chống ma túy thuộc Công an tỉnh Điện Biên và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phá thành công hai chuyên án ma túy, thu giữ 110.000 viên ma túy tổng hợp được vận chuyển từ Lào vào nước ta. Một trong những tên tội phạm bị bắt là Thào Mi Va, quốc tịch Lào.
Những trường hợp nêu trên cùng rất nhiều minh chứng khác cho thấy có sự điều chỉnh dòng chảy ma túy tổng hợp từ Tam giác Vàng tỏa ra khắp thế giới và Việt Nam nằm trên dòng chảy này. Tam giác Vàng (khu rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar) từng nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới nhưng hiện nay đã trở thành trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp khổng lồ. Hãng tin AFP dẫn báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) cho biết, ít nhất mỗi năm có 1,4 tỉ viên ma túy đá được sản xuất tại khu Tam giác Vàng.
Thị trường ma túy Đông Á và Đông Nam Á cũng đã chuyển từ thuốc phiện sang ma túy tổng hợp. Trong năm 2018 các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều cho biết ma túy đá là chất gây nghiện đáng lo ngại nhất ở nước họ.
Báo cáo tháng 3/2019 của UNODC cho biết, từ năm 2018 trở về trước ma túy tổng hợp chủ yếu được buôn lậu từ nguồn cung cấp ở Myanmar, qua Chiang Mai và Bangkok của Thái Lan, rồi sang Malaysia để đến các nước tiêu thụ. Thái Lan trong năm 2018 đã bắt giữ 515 triệu viên ma túy đá, hơn 17 lần so với lượng ma túy bắt giữ được một thập kỷ trước.
Lượng ma túy đá bị bắt giữ ở Đông Á và Đông Nam Á năm 2018 đạt kỷ lục 116 tấn, tăng 210% so với năm năm trước đây. Sau năm 2018 giới tội phạm ma túy đã thay đổi hướng đi của ma túy tổng hợp từ Tam giác Vàng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, thay cho Thái Lan thì Việt Nam và Lào đang lọt vào "tầm ngắm" của chúng.
Theo Bộ Công an Việt Nam, ma túy đá xuất hiện đầu tiên tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào những năm 2006 và 2007.
Ma túy đá có sức tàn phá mạnh đối với cơ thể người nghiện. Sau khi sử dụng người chơi rơi vào trạng thái hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi, đó là hiện tượng “ngáo đá”. Người sử dụng có cảm xúc rất thất thường, khó khiểm soát cảm xúc nên hay cáu gắt, dễ nổi nóng ngay với những kích thích rất nhỏ, đó là hiện tượng rối loạn cảm xúc.
Ngày 9/3/2019, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị bắt giữ 2 đối tượng quốc tịch Lào vận chuyện 118.000 viên ma túy tổng hợp |
Những người nghiện thường nghe thấy tiếng nói trong đầu với nội dung xui khiến không lành mạnh khiến họ có thể tự hủy hoại cơ thể mà không ý thức được hành vi của mình, đó là hiện tượng ảo giác, ảo thanh. Sau một thời gian hưng phấn cao độ do ma túy mang lại, dân chơi thường rơi vào trạng thái trầm cảm, nặng hơn nữa là loạn trí, mất trí.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Nếu trước đây chủ yếu bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc ma túy là do sử dụng heroin thì hiện tại số này đang giảm dần và tăng số bệnh nhân ngộ độc ma túy do ma túy tổng hợp, phổ thông nhất là ma túy đá (methamphetamine), thuốc lắc (MDMA), ketamine, cỏ Mỹ...
Khi sử dụng heroin, người nghiện rơi vào trạng thái "phê" và thường tìm nơi yên tĩnh để hưởng thụ, cảm nhận thì những người sử dụng ma túy tổng hợp rơi vào trạng thái "bay", thần kinh bị kích thích mạnh và họ tìm nơi náo nhiệt, đông người.
Bác sỹ cũng vất vả hơn trong việc điều trị người nghiện ma túy tổng hợp bị sốc thuốc. Bệnh nhân dùng heroin khi ngộ độc thường ở trạng thái hôn mê và các bác sỹ còn dễ xử lý. Còn với người bị ngộ độc ma túy đá thì nhân viên y tế rất vất vả vì bệnh nhân “ngáo đá” bất hợp tác, chống đối…
Điều nguy hại cho xã hội là hiện nay trào lưu "đập đá" (tiếng lóng chỉ việc sử dụng loại ma túy tổng hợp) đang lan rộng ở một bộ phận giới trẻ tại các thành phố lớn nước ta. Các chuyên gia về tội phạm ma túy cho biết, ma túy tổng hợp dễ tấn công dân chơi hơn so với ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện…), bởi có tính chất rất dễ sử dụng, vận chuyển, cất giữ và tiêu thụ.
Thêm vào đó, dân chơi trẻ thích phiêu lưu, mạo hiểm và thể hiện bản thân nên những loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện rất hấp dẫn đối với những ai muốn tìm cảm giác mạnh. Những đối tượng này cho rằng vào bar hoặc trong các cuộc ăn chơi tập thể thì “đập đá” mới khẳng định được “đẳng cấp”.
Số liệu của Bộ Y tế cho biết, trong gần 223.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở Việt Nam hiện nay thì số người nghiện ma túy tổng hợp đang gia tăng nhanh. Ở 21 địa phương có khảo sát, tỉ lệ sử dụng ma túy tổng hợp trong tổng số người nghiện lên tới trên 46%.
Tại một số địa phương như Trà Vinh, Đà Nẵng, Quảng Trị... thì trên 80% người dùng ma túy là nghiện ma túy tổng hợp. Một công trình nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, có tới 72% dân chơi ma túy đá là giới trẻ ở độ tuổi 18-30, độ tuổi trên 30 chiếm 26%, độ tuổi dưới 18 chỉ ở mức 2% nhưng có xu hướng tăng.
Một điều nguy hại nữa nhìn từ góc độ xã hội là không ít những người trẻ tuổi ở Việt Nam có quan niệm sai lầm cho rằng “đập đá" chỉ gây hưng phấn tức thời nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí chứ hoàn toàn không gây nghiện. Họ cho rằng khi thôi sử dụng thì người chơi ma túy tổng hợp không phải dùng thuốc cắt cơn, vào trại cai nghiện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù không gây vật vã như heroin nhưng ma túy đá gây nghiện dai dẳng, khó bỏ và có sức tàn phá rất nghiêm trọng. Có thể nói ma túy tổng hợp đang song hành cùng tội phạm, nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cướp của hay giết người do ảo giác xui khiến, do lái xe trong trạng thái “bay”...
Một yếu tố để ma túy tổng hơp ngày càng phổ biến là rất dễ điều chế. Chỉ cần một ít tiền chất ma túy, với những dụng cụ đơn giản là giới tội phạm đã có thể điều chế thành các viên ma túy tổng hợp. Có một số loại tiền chất chưa được nghiên cứu, kết luận nên còn bị “thả lỏng” trên thị trường.
Theo báo cáo của UNODC, giá ma túy đá ở Việt Nam trong năm 2017 giảm 40% so với năm 2016. Giá thấp xuống sẽ tỷ lệ nghịch với số lượng người nghiện.
Trở lại với các vụ phá án ma túy tổng hợp lớn trong những ngày qua ở nước ta. Rõ ràng, đây là chiến công của lực lượng Công an Việt Nam và các cơ quan phối hợp. Nhưng điều này cũng nói lên rằng cuộc chiến chống ma túy ở nước ta ngày càng gian nan, khốc liệt.
Cả UNODC lẫn lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đều cảnh báo rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các vụ vận chuyển ma túy tổng hợp với số lượng lớn đến Việt Nam và qua Việt Nam tới các nước khác.
.