Pháp luật

Quảng Bình: Hàng chục ha rừng gỗ quý bị tàn phá

10:45, 06/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cánh rừng chỉ nằm cách Trạm quản lý và bảo vệ rừng khoảng 1 km, nhưng hàng chục ha rừng gỗ quý thuộc quản lý của chi nhánh Lâm trường Khe giữa, thuộc công ty TNHH MTV Lâm Công Nghiệp Long Đại (Quảng Bình) vẫn bị đốn hạ một cách tan hoang, không thương tiếc…

Rừng đại ngàn kêu cứu

Theo chân của người dân bản địa, chúng tôi đã có cuộc hành quân đi vào đại ngàn rừng sâu, nơi hiện trường hàng chục ha rừng gỗ rừng bị tàn phá ở bản Mít, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Sau mấy ngày mưa, con đường đất vốn đã quanh co hiểm trở lại bị những “binh đoàn” xe công nông, xe tải nặng vào chở gỗ cày nát tạo nên chi chít những chiếc hố sâu hoắm và trơn nhẫy bùn đất. Trước mắt chúng tôi không còn những cánh rừng bạt ngàn nữa mà thay vào đó là những ngọn đồi trọc lóc, nham nhở do dấu tích của sự tàn phá còn sót lại.

Một khoảnh rừng bị cạo trọc
Một khoảnh rừng bị cạo trọc

Quả thật, dù đã nhiều lần vào rừng, cũng nhiều lần từng chứng kiến cảnh lâm tặc chặt trộm gỗ, nhưng đây là lần đầu chúng tôi “mục sở thị” một cảnh tượng  khốc liệt cả về mức độ lẫn quy mô tàn phá khủng khiếp như vậy. Trên một dải đất rộng hàng chục ha trên năm quả đồi đã bị khai thác trắng. Hàng trăm cây gỗ bị chặt phá, có những cây lim đường kính từ 40 - 90 cm bị “xẻ thịt” thành hộp gỗ mà nhóm phá rừng chưa kịp mang đi cất giấu nơi khác. Quan sát trong một khu vực chừng trăm mét vuông, chúng tôi cũng đã đếm được gần hai chục cây lớn nhỏ bị đốn hạ, nằm ngổn ngang. Đây hoàn toàn là những cây gỗ rừng tự nhiên, chủ yếu là các loại như lim, táu, huệnh…

Các hộp gỗ lim chưa kịp chuyển đi tại hiện trường
Các hộp gỗ lim chưa kịp chuyển đi tại hiện trường

Theo anh Hồ Đua, trưởng Bản Ho Rum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, người dân rất bức xúc vì Trạm bảo vệ rừng và Kiểm lâm ở cách hiện trường không xa mà để rừng bị tàn phá. Thậm chí, xung quanh sườn đồi, người ta thuê máy móc ngày đêm đào xới các con đường để dễ dàng vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. “Bên Lâm trường chặt hạ những cây gỗ lớn, theo người dân có khả năng có sự tiếp tay của bên Kiểm lâm. Trong khi đó, những người dân bản phát quang những cây rú non, để trồng rau màu thì họ nghiêm cấm” anh Hồ Đua bức xúc nói.

Theo người dân địa phương, khu rừng này trước đó có nhiều cây gỗ quý, gỗ lớn tồn tại lâu năm. Về sau, khi nhìn từ bên ngoài, mọi người tưởng chừng rừng còn nguyên sinh nhưng vào bên trong mới thấy rừng đã bị “rỗng ruột”, gỗ quý “bốc hơi” dần. Chỉ tay về cây gỗ có đường kính to gần 90 cm bị đốt dở, cháy không hết, người dẫn đường khẳng định rằng chỉ có những cây gỗ chắc, lâu năm mới cháy được chừng đó thôi.

Gốc Lim cổ thụ đã bị đốn hạ
Gốc Lim cổ thụ đã bị đốn hạ

Vừa ngồi bệt xuống gốc cây to bị đốn hạn, anh Hồ Len – người dẫn đường đưa tay chỉ về phía trước: “Kia là chỗ rừng vừa bị đốn hạ. Trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, một nhóm người ngang nhiên dùng cưa xăng vào rừng đốn hạ cây. Việc triệt hạ cây cả ngày lẫn đêm. Rừng ở Vít Thù Lù toàn cây gỗ quý như gỗ lim, gõ, huệnh rất là to. Những thân gỗ lâm trường lấy hết đi rồi, chỉ còn bỏ lại phần gốc và ngọn”.

Trong cuộc hành trình vào nơi đại ngàn bị tàn phá ấy, điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là khu vực bị chặt phá chỉ cách Trạm quản lý bảo vệ rừng Vít Thù Lù, Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa chừng 1 cây số.

Lộ diện thủ phạm phá rừng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số diện tích rừng bị phá trên thuộc Tiểu khu 486,487 thuộc Chi nhánh Lâm Trường Khe giữa, thuộc công ty TNHH MTV Lâm Công Nghiệp Long Đại  quản lý.

Làm việc với phóng viên, ông Ngô Hữu Thành, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa cho biết, khu vực rừng thuộc Tiểu khu 486, 487 là rừng trồng sản xuất, hồ sơ thiết kế từ năm 2017. Tuy nhiên, khi nhìn vào hàng loạt gốc gỗ lớn chụp tại hiện trường, ông Thành phân bua, số cây này lâm trường đã khai thác từ lâu. Lý do khai thác là rừng bị gãy đổ nhiều sau bão năm 2017.

Tuy nhiên, khi phóng viên thắc mắc một rừng gỗ lớn rộng 10 ha thì làm sao bão có thể làm gãy đổ hết được thì chỉ nhận được sự im lặng từ vị giám đốc này. Sau đó, ông Thành một mực khẳng định đơn vị chỉ làm theo hồ sơ quy hoạch, thiết kế có sẵn.

Trong khi đó, tại cuộc làm việc với phóng viên Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình phân bua, những khúc gỗ lim còn lại tại Tiểu khu 486, 487 hầu hết là của cây bị bọong, bị mối mọt, bị gió làm gãy… nên lâm trường mới khai thác. Rừng ở 2 Tiểu khu này được khai thác kể từ năm 2012 để chuyển đổi qua rừng trồng keo. Ông Quế cho rằng, khu vực rừng ở 2 Tiểu khu 486 và 487 trước đây là bãi tập hợp tận thu cây lóc lõi của lâm trường. Có thể dân bản vào rừng trộm cắp, lấy vài khúc gỗ chứ không có chặt mới.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, bãi tập hợp cây rừng tận thu thì làm sao có hàng trăm gốc gỗ lớn tại hiện trường, có những hộp gỗ lim dấu cưa còn tươi mới. Và một rừng gỗ lim, táu quý giá như vậy, lại sát với khu vực rừng nguyên sinh thì không thể là rừng nghèo, và càng không được phép chuyển đổi qua rừng trồng sản xuất. Cơ quan chức năng chỉ cung cấp hồ sơ quy hoạch, thiết kế rừng vào năm 2017, tức là chỉ một năm sau khi có Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên.

Câu hỏi mà dư luận đặt ra lúc này, liệu việc chuyển đổi mục đích rừng của lâm trường có trái với quy định của pháp luật và có hay không dấu hiệu của việc hợp thức hóa hồ sơ để khai thác rừng gỗ quý ở Tiểu khu 486, 487 nói trên? Thiết nghĩ, các ban nghành chức năng tỉnh Quảng Bình sớm vào cuộc để làm rõ những vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

Văn Đỉnh

Các tin khác