Pháp luật

Nỗ lực ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em

09:35, 04/03/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Lạm dụng lao động trẻ em (LĐTE) không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ hết nhức nhối trong đời sống xã hội. Với mục tiêu chấm dứt lạm dụng LĐTE dưới mọi hình thức vào năm 2025 như cam kết quốc tế về phát triển bền vững, những năm qua, các địa phương trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng đã, đang thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này; qua đó, giúp các em có điều kiện phát triển một cách toàn diện và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
 
Nói “không” với lạm dụng lao động trẻ em
 
Hẳn chúng ta vẫn chưa quên cuộc chạy trốn vào tháng 7/2016 của 2 phu vàng Cụt Văn Toại (17 tuổi) và Hồng Văn Cầu (15 tuổi), đều trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương vì công việc quá cực khổ tại 1 bãi vàng ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Hay thời điểm năm 2013 - 2014, tại một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh như Quỳnh Lưu, Hoàng Mai vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ em làm các công việc nặng nhọc như đội đá, đóng gạch táp lô... Tuy nhiên, những câu chuyện như thế đã không còn xuất hiện trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Có được kết quả đó là nhờ thời gian qua, các cấp, ngành tại Nghệ An đã thực hiện rất tốt chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề sử dụng LĐTE.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An tổ chức triển khai mô hình                                                                                            “Hỗ trợ can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em” tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An tổ chức triển khai mô hình “Hỗ trợ can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em” tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu
Theo số liệu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh cung cấp, năm 2018, Nghệ An có gần 800.000 trẻ em từ 0 - 16 tuổi, chiếm 26,5% dân số. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 13.963 em, chiếm 1,8% tổng số trẻ em; 74.599 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện Quyết định 1023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn Nghệ An. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, 90% người dân trở lên được phổ biến kiến thức về quyền trẻ em, thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của sử dụng LĐTE; 90% trở lên người sử dụng lao động, gia đình, trẻ em, các cấp chính quyền, cộng đồng ở các địa phương có LĐTE và nguy cơ LĐTE hiểu rõ và thực hiện chính sách, quy định của Nhà nước về phòng ngừa LĐTE.
 
Để thực hiện tốt các mục tiêu này, tỉnh đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông nhằm tạo mối quan tâm, thúc đẩy sự thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em tham giao lao động, trẻ em có nguy cơ lao động và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật; đồng thời, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp, cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, đoàn thể và UBND 21 huyện, thành, thị. Xây dựng kế hoạch truyền thông ở các cấp, sản xuất các sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ trên các kênh truyền thông đại chúng, tờ rơi, sách mỏng, pa nô...
 
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động giáo dục, tư vấn, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trong trường học, các cơ sở sản xuất, kinh doanh về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ lao động và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật cho các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên và trẻ em. Lồng ghép, phổ biến, truyền thông các nội dung về ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em tại các hội nghị, hội thảo, tập huấn về Luật trẻ em, Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các chương trình, dự án liên quan.
 
Để góp phần ngăn ngừa tình trạng lạm dụng LĐTE, với vai trò nòng cốt, năm 2018, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã chỉ đạo triển khai xây dựng 7 mô hình điểm về trẻ em. Điển hình như các mô hình: “Hỗ trợ can thiệp để giảm thiểu LĐTE” tại huyện Quỳnh Lưu, “Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong trường học” tại huyện Nam Đàn; “Cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tại các huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành. Bên cạnh đó, chỉ đạo TX Hoàng Mai và các huyện Đô Lương, Quỳ Hợp, Nghi Lộc kiểm tra, báo cáo xác minh việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục… Bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành đã làm thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận của người dân về các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đối tượng trẻ em; qua đó, góp phần rất lớn vào việc ngăn ngừa tình trạng lạm dụng LĐTE trên địa bàn tỉnh.
 
Vẫn còn một số khó khăn
 
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực song cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và ngăn ngừa lạm dụng LĐTE nói riêng tại Nghệ An vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, việc thay đổi nhận thức của phụ huynh là một trong những vấn đề căn bản nhất. Tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nhiều người chưa thể phân biệt 2 khái niệm “lao động trẻ em” và “trẻ em làm việc”. Đó cũng là lý do giải thích vì sao nhiều bậc cha mẹ không thấy được lợi ích khi cho con đi học, thay vào đó là để các em ở nhà lao động kiếm tiền như các thành viên khác trong gia đình.
 
Họ cho rằng con mình làm việc chứ không phải là LĐTE nên hành vi đó không thể gọi là vi phạm pháp luật về LĐTE mà chỉ đơn giản là tập cho con quen với lao động. Theo ông Minoru Ogasawara, Chuyên gia về LĐTE của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số giờ làm việc để phân biệt có phải là LĐTE hay không sẽ được xét theo bối cảnh từng quốc gia. Ở Việt Nam, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định là 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần là thời gian tối đa trẻ em trên độ tuổi lao động tối thiểu được làm việc. Đối với trẻ từ 13 - 14 tuổi, luật pháp cho phép các em làm việc không quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần với điều kiện công việc đó là việc làm nhẹ nhàng.
Trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc để phát triển một cách toàn diện - ảnh internet
Trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc để phát triển một cách toàn diện - ảnh internet
Bên cạnh vấn đề nhận thức của người dân thì đói nghèo cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại tình trạng LĐTE. Vì cuộc sống khó khăn, nhiều em phải bỏ học, sớm lao vào con đường mưu sinh để kiếm tiền, thậm chí có những em làm những công việc hết sức nặng nhọc, cực khổ. Trường hợp của 2 phu vàng vị thành niên Cụt Văn Toại và Hồng Văn Cầu hay một số trẻ tham gia đội đá, đóng gạch táp lô ở huyện Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai như đã đề cập ở trên là những minh chứng điển hình. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng LĐTE đến từ chính nhận thức của các em. Nhiều trẻ có cơ hội được học tập, phát triển toàn diện nhưng lại có suy nghĩ nông nổi, bột phát, học tập yếu kém nhưng không chịu phấn đấu, rèn luyện mà có tâm lý chán chường dẫn đến bỏ học, tìm việc làm kiếm tiền để khẳng định giá trị của bản thân. Lợi dụng điều này, nhiều chủ sử dụng lao động đã lôi kéo các em vào làm việc. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như mua bán trẻ em hay đưa sang nước ngoài lao động trái phép...
 
Trước thực trạng đó, để ngăn chặn và hướng đến mục tiêu chấm dứt LĐTE dưới mọi hình thức vào năm 2025, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Trong đó, vấn đề cơ bản nhất là tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề sử dụng LĐTE. Ngoài ra, tập trung giải quyết vấn đề về việc làm, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Bởi khi cuộc sống ổn định, điều kiện kinh tế được cải thiện, các bậc cha mẹ sẽ quan tâm hơn đến việc học tập, phát triển cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Và một vấn đề cũng hết sức quan trọng đó là cần có chính sách pháp lý rõ ràng đối với những người sử dụng đối tượng trẻ em làm việc và xử lý nghiêm minh những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật như mua bán trẻ em, đưa sang nước ngoài lao động trái phép...

Ngọc Anh

Các tin khác