Pháp luật

Kỷ luật cách chức Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng

10:01, 27/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Liên quan đến rừng gỗ lim ở Tiểu khu 329, thuộc lâm phận Trường Sơn bị tàn phá, ngày 26/3, ông Ngô Như Khoa – Phó Giám đốc Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã tiến hành kỷ luật và cách chức Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Trường Sơn và thuyên chuyển 3 nhân viên của trạm qua công tác khác.

Trước đó, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, tại Tiểu khu 329, gần khu vực cầu Dìn Dìn, trên nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng kiểm đếm có 45 cây gỗ, đường kính từ 40 - 120 cm đã bị chặt hạ trái phép. Trong đó, có 26 cây gỗ lim, 17 cây gõ và 2 cây gỗ chua. Hiện trường còn lại 45 súc gỗ có khối lượng hơn 16m3, riêng gỗ lim gần 14 m3. Kiểm lâm cũng phát hiện gần khu vực bị chặt phá có 67 hộp gỗ lim và gõ được cất giấu cẩn thận. Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã hoàn tất hồ sơ chuyển giao cho Công an huyện để tiến hành điều tra, khởi tố vụ án phá rừng trái phép.

Dấu vết đốt cháy quanh gốc cây với ý định xóa dấu vết. Ảnh: Kiểm lâm Quảng Bình cung cấp
Dấu vết đốt cháy quanh gốc cây với ý định xóa dấu vết. Ảnh: Kiểm lâm Quảng Bình cung cấp

Phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cũng có đề xuất, kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu xử lý trách nhiệm của Công ty Long Đại trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng.

Do đó, sau khi nhận thông tin về vụ phá rừng gỗ lim quý ở Tiểu khu 329, lâm phận Trường Sơn, Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại đã chỉ đạo Giám đốc Chi nhánh lâm trường Trường Sơn kỷ luật cách chức đối với ông Hoàng Văn Toản, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng. Ông Toản và 3 nhân viên của trạm bị thuyên chuyển qua công tác khác, không được phụ trách mảng bảo vệ rừng ở khu vực giàu lâm sản.

Theo ông Ngô Như Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại, khu vực rừng gỗ lim quý bị chặt phá nằm trong rừng sản xuất trồng cây keo lai. Rừng lim có khoảng cách rất gần với Trạm quản lý và bảo vệ rừng. Hầu hết các cây bị đốn hạ là cây lim non, cây bị bộng, bị mối mọt làm hư hại. Việc phá rừng xảy ra vào thời điểm cuối năm 2018, nhưng vụ việc không được ngăn chặn, phát hiện kịp thời. Đến giữa tháng 3 năm nay, cơ quan chức năng mới phát hiện. Ông Khoa thừa nhận, việc tuần tra, báo cáo về công tác bảo vệ rừng của Trạm Trường Sơn có sự chậm trễ, không kịp thời.

Khu vực rừng ở Tiểu khu 329, lâm phận Trường Sơn là rừng giàu lâm sản. Điều đáng nói, thời điểm rừng bị phá không chỉ có lực lượng của Trạm bảo vệ rừng Trường Sơn được phân công nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát mà còn có nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng tỉnh. Với tư cách là chủ rừng, phía Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại trước hết nhận trách nhiệm. Còn về việc ‘lâm tặc” là những đối tượng nào, Trạm bảo vệ rừng, chủ rừng có móc nối, cấu kết với các đối tượng phá rừng hay không thì Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đang vào cuộc điều tra, làm rõ. Khi có kết luận chính thức thì Công ty sẽ tiến hành xử lý công khai, minh bạch.

Những khúc gỗ lim bị đốn hạ nằm trong rừng sản xuất ở Tiểu khu 329. Ảnh: Kiểm lâm Quảng Bình cung cấp
Những khúc gỗ lim bị đốn hạ nằm trong rừng sản xuất ở Tiểu khu 329. Ảnh: Kiểm lâm Quảng Bình cung cấp

Theo ông Ngô Như Khoa, việc bảo vệ rừng gỗ lim quý nằm xen kẻ trong rừng sản xuất, trồng cây keo lai gặp nhiều khó khăn. Vì các đối tượng lợi dụng việc trồng keo, khai thác keo đã âm thầm đốn hạ cây rừng quý hiếm, được khoanh nuôi và bảo vệ. Ông Ngô Như Khoa nói: “Khi phát hiện chậm thì rõ ràng lực lượng bảo vệ rừng trực tiếp có lỗi trong vấn đề này, việc tuần tra báo cáo không kịp thời. Khoảng thời gian xảy ra xâm hại rừng có liên ngành chốt ở đó. Chúng tôi cũng đang chờ kết quả điều tra từ phía công an để có xử lý tiếp theo”.

Văn Đỉnh

Các tin khác