Pháp luật
Đẩy mạnh các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã được ngành Thủy sản Nghệ An nỗ lực triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
Tăng cường các giải pháp chống khai thác IUU góp phần thực hiện mục tiêu phát triển ngành thủy sản bền vững |
Tính đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh có 3.521 tàu; trong đó có 1.450 tàu trên 90 CV; có 4 cảng cá (Cửa Hội, Lạch Vạn, Lạch Quèn, Quỳnh Phương). Năm 2018, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các đồn Biên phòng và Hải đội 2 đã tổ chức tuần tra, kiểm soát việc xuất, nhập tại các cửa sông, cửa lạch được 23.653 lượt phương tiện với 119.203 lượt lao động. Qua đó, phát hiện, điều tra, xử lý 62 vụ, 85 đối tượng, 72 chủ phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính 639 triệu đồng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU, Chi cục Thủy sản cũng đã triển khai nhiều giải pháp như nâng cấp Trạm Bờ kết nối với Trạm Bờ trung tâm Tổng cục Thủy sản để quản lý tàu cá hoạt động trên các vùng biển thông qua báo cáo vị trí bằng tin nhắn; đề xuất nâng cấp Trạm bờ và máy lắp đặt trên các tàu cá nhằm giám sát tàu cá hoạt động trên các vùng biển tự động 2 giờ/lần không cần sự can thiệp của con người...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động ngư dân cũng được quan tâm, chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của bà con trong hoạt động khai thác IUU. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng phương tiện cấm, chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản; khai thác sai tuyến; quá hạn giấy phép, đăng ký, đăng kiểm; vi phạm vùng biển nước ngoài; không ghi hoặc ghi chép nhật ký khai thác không đầy đủ... vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo của các đơn vị, chính quyền địa phương còn thiếu quyết liệt; sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành chưa thường xuyên nên việc triển khai kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng lên bến chưa đảm bảo đúng quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề khai thác IUU, ngày 15/1 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực của Nghệ An trong công tác trên, Đoàn Giám sát cũng đề cập đến những hạn chế tại cảng cá qua kiểm tra thực tế và qua hồ sơ. Đơn cử như việc ghi chép hồ sơ tàu cá ra, vào cảng và kiểm soát sản lượng cập bến còn sai sót, đặc biệt là thời điểm tàu cá ra, vào cảng; chưa thực hiện việc thu nộp sổ nhật ký khai thác hải sản. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng tàu cá không báo cáo theo quy định trước khi cập cảng...
Để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế nói trên, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc tăng cường công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện, thông tư của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo cho người, tàu cá hoạt động trên biển, quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Về phía UBND các huyện, thị xã ven biển, tăng cường tuyên truyền cho các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân trên địa bàn nắm rõ các quy định của Luật Thủy sản 2017, các quy định về khai thác IUU; việc khai báo đầy đủ cho Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá; chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường tổ chức cho các chủ tàu ký cam kết không khai thác IUU và các cơ sở thu mua hải sản ký cam kết không thu mua sản phẩm thủy sản của các tàu khai thác bất hợp pháp.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với chính quyền các xã, phường liên quan để tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác IUU. Trong thời gian tới, nếu không ngăn chặn được tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, Chủ tịch UBND huyện, thị xã ven biển phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Với những giải pháp đồng bộ cùng sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, công tác chống khai thác IUU sẽ không chỉ khắc phục khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU mà còn góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành thủy sản, hướng đến mục tiêu phát triển ngành thủy sản bền vững.
Hồng Hạnh