Pháp luật

Triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018

09:51, 13/02/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Luật Cảnh sát biển Việt Nam số 33/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Để bảo đảm thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật này.
 
Theo đó, tháng 3/2019, các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, báo cáo về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật.
 
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Luật có hiệu lực đồng thời với Luật Cảnh sát biển Việt Nam từ ngày 1/7/2019; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án triển khai thực hiện Luật theo Kế hoạch này. Trong đó, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 25, 26, 29, 31, 34); Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 15); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 13); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 35); Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy định về trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 33); Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế phối hợp giữa cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng (Điều 22).
 
Năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức truyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tương xứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới, nhất là tại địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
 
Tổ chức tập huấn Luật cho cán bộ chủ trì bộ, ngành trung ương, địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ có liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ, sâu rộng, thiết thực và hiệu quả.
 
Từ năm 2020 đến năm 2025, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Đề án, Kế hoạch củng cố, sắp xếp, cơ cấu lại trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam hiện có để cụ thể hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018).

Nguồn: Chí Kiên/Chinhphu.vn

Các tin khác