(Congannghean.vn)-Trước tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tiếp tục tái diễn, cơ quan chức năng liên quan, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an các cấp đã tham mưu, xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp “mạnh tay” hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Công an huyện Anh Sơn lập biên bản xử phạt 7 trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép trên sông |
“Cát tặc” vẫn dai dẳng
Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn có 124 bến cát, sỏi hoạt động dọc các tuyến sông Lam, sông Hiếu, sông Con nhưng có tới 101 bến bãi không có giấy phép hoạt động. Riêng địa bàn 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn thì con số bến bãi không phép chiếm nhiều nhất. Trong đó, Thanh Chương có 23 bến bãi hoạt động thì có tới 22 bến bãi không có phép; Nam Đàn có 18/21 bến bãi hoạt động chưa có giấy phép theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn mới chỉ có 24 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh, khai thác bến bãi cát, sỏi.
Trong những năm gần đây, mặc dù UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan tăng cường việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi trên sông, song vấn nạn “cát tặc” vẫn tồn tại dai dẳng, gây ra không ít hệ lụy. Mỏ khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Không những vậy, sau khi rời đi, tại các điểm khai thác này đã để lại những “hố tử thần” không được cảnh báo, trên thực tế đã xảy ra tình trạng đuối nước thương tâm từ những mỏ cát lậu như thế này.
Ngoài ra, tại nhiều địa phương, những bãi tập kết không phép đã làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân trong khu dân cư; xe vận chuyển cát, sỏi quá khổ, quá tải gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Đó là chưa kể đến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép còn gây thất thu về thuế, phí và thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng đã tổ chức thực hiện các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Song, do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe các đối tượng nên hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn xảy ra. Thậm chí, trong năm 2018, Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung đấu tranh, tiến hành khởi tố một số vụ việc liên quan đến “cát tặc” trên địa bàn các huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn.
Cuối năm 2018, TAND tỉnh Nghệ An đã mở 3 phiên tòa xét xử 3 bị cáo liên quan đến hành vi khai thác cát, sỏi trái phép. Cụ thể, đối tượng Nguyễn Văn Trường (SN 1996) trú tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên bị tuyên 9 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Cùng mức án này, trước đó Trần Văn Hòa (SN 1989) và Nguyễn Khắc Nhâm (SN 1992), cùng trú tại xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên cũng đã vướng lao lý.
Tuy nhiên, do lợi nhuận lớn nên dù liên tục bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, các đối tượng khai thác cát trái phép vẫn lén lút hoạt động.
Mới đây nhất, vào khuya ngày 16/1/2019, trên khu vực sông Lam, đoạn qua xóm 3, xã Nam Cường, Công an huyện Nam Đàn phát hiện Nguyễn Thế Nông (SN 1969) trú tại xóm 9, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên đang sử dụng 1 thuyền máy có hành vi khai thác cát ngoài khu vực mỏ được cấp phép. Tiến hành kiểm tra, phát hiện khối lượng cát trên thuyền là hơn 120 m3 nên đã lập hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Trước đó, trong năm 2018, Công an huyện Nam Đàn đã phát hiện 41 vụ, 41 đối tượng vi phạm, thu giữ 1.300 m3 cát, 41 thuyền khai thác cát trái phép trên địa bàn.
Một điểm khai thác, tập kết cát, sỏi trên địa bàn huyện Đô Lương lén lút hoạt động |
Quyết liệt đấu tranh với nạn “cát tặc”
Nhằm tiếp tục duy trì, tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm khai thác, vận chuyển, tập kết, tiêu thụ cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ngày 12/2, Công an tỉnh có Kế hoạch về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi năm 2019.
Theo đó, đối tượng đấu tranh hướng đến là các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong đó, trọng tâm tập trung đánh mạnh vào các hành vi như vi phạm về quy trình khai thác, điều hành, quản lý khai thác, bảo vệ môi trường, an toàn lao động; tổ chức khai thác cát, sỏi không đúng khu vực mỏ được cấp phép hoặc được cấp phép nhưng không quản lý, khai thác mà khoán cho các đối tượng khác tự ý khai thác; kê khai không đúng sản lượng để trốn thuế, phí môi trường…
Ngoài ra, một số hành vi khác như mở bãi tập kết không đúng nơi quy định, thu mua cát, sỏi của các đối tượng khai thác trái phép, sử dụng phương tiện không đúng với đăng ký để khai thác, tình trạng tranh giành lãnh thổ, thậm chí nếu cán bộ có dấu hiệu “bảo kê”… cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Để làm tốt những vấn đề này, bên cạnh huy động sức mạnh tổng hợp từ tất cả các hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận các tổ chức, cá nhân thì Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ, tuyến sông, khu vực cửa biển để chủ động phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các phương tiện tàu thuyền, xe ôtô vận chuyển cát, sỏi không rõ nguồn gốc; phương tiện vận chuyển cát, sỏi quá tải, gây ô nhiễm môi trường; tàu, thuyền, xà lan lắp đặt các máy móc, thiết bị dùng để khai thác cát, sỏi không đúng với đăng kiểm, nhất là các phương tiện cố tình vi phạm.
Đối với các địa bàn giáp ranh, các “điểm nóng” về khai thác cát, sỏi trái phép, sẽ tiến hành bố trí chốt trực để đảm bảo ANTT và kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Bên cạnh đó, Công an cấp huyện tại các địa bàn giáp ranh căn cứ thực tiễn đảm bảo phối hợp cử lực lượng thành lập chốt trực.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã có ý kiến đề nghị các bộ, ngành chức năng và các địa phương tập trung tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng và các địa phương tập trung tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi. Trong đó, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các địa phương có phản ánh về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép phức tạp trở lại; phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ các bến bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng trên địa bàn; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, khai thác cát, sỏi đến người dân.