Qua một số vụ việc xử lý kỷ luật đảng đối với đảng viên giữ chức vụ cao ở một số địa phương, đơn vị cho thấy vẫn còn tình trạng trên nói nghiêm trọng phải xử lý nghiêm, nhưng bên dưới xử lý như kiểu “tặng quà”, không đủ sức răn đe, cảnh tỉnh.
Theo thông báo về Kỳ họp thứ 33 diễn ra từ ngày 14 đến 16/1/2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hai cán bộ ở tỉnh Quảng Ngãi đã nâng mức kỷ luật. Trong đó, ông Đỗ Minh Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Xuân, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân bị nâng mức kỷ luật từ cảnh cáo lên khai trừ Đảng; còn ông Hồ Văn Thế, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi bị nâng mức kỷ luật từ khiển trách lên cảnh cáo.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho biết, vi phạm của ông Đỗ Minh Tân, ông Hồ Văn Thế là rất nghiêm trọng, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan và ngành công an. Tuy nhiên, việc xem xét, quyết định thi hành kỷ luật ông Đỗ Minh Tân và ông Hồ Văn Thế, của các tổ chức đảng ở tỉnh Phú Yên chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm.
Hay như ở Trà Vinh, Ủy ban kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Tám - cựu Chủ tịch TP; đang trong thời gian kỷ luật, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm lại ký quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Trà Vinh, giữ chức Giám đốc Sở Công Thương. Câu chuyện “điều động và bổ nhiệm” cán bộ bị kỷ luật ở Trà Vinh vào vị trí Giám đốc Sở Công thương đã nhận được nhiều bình luận khác nhau trên các diễn đàn. Cho dù lý giải cách nào, là “đi ngang hay đi xuống”, cũng cần phải xem lại công tác xây dựng Đảng, nhất là bổ nhiệm cán bộ.
Trước đó, về việc xem xét kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã bỏ phiếu, thống nhất kỷ luật khiển trách ông Ngô Văn Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, đương kim Phó chủ tịch tỉnh. Tuy nhiên tháng 12/2017, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng và Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Ngô Văn Tuấn. Nhưng một thời gian sau tỉnh Thanh Hóa lại bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn - làm Tổ trưởng Tổ giúp việc quy hoạch đô thị và nhà ở(?!). Đây là việc làm khiến dư luận rất bất bình.
Đó là một số ví dụ để thấy rằng, bên trên nói nghiêm trọng nhưng bên dưới xử lý một số trường hợp như vừa qua là không đạt yêu cầu, làm cho người dân không tin tưởng.
Cần phải làm trong sạch bộ máy, kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Nếu cán bộ, đảng viên không đủ phẩm chất, năng lực thì phải đưa ra khỏi bộ máy. Việc xử lý kỷ luật đảng ở một số tổ chức đảng làm chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh, nặng về điệp khúc kiểm điểm sâu sắc, chủ yếu là “rút kinh nghiệm”, có kỷ luật thì cũng kiểu “tặng quà”, không đủ sức răn đe, giáo dục.
Sự việc vi phạm diễn ra có hệ thống với thời gian kéo dài gây bức xúc dư luận mà không bị xử lý, phải chăng còn có “uẩn khúc” gì... Và câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao không thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng? Kỷ luật của Đảng là không có vùng cấm không có ngoại lệ, dù bất kể người đó là ai, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, không có khái niệm "hạ cánh" an toàn; kỷ luật từ trên xuống dưới, kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm. Có như vậy mới làm cho Đảng ta vững mạnh, trong sạch hơn, được nhân dân tin yêu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không phải chỉ cốt xử lý cho thật nặng mới là tốt, cái chính là răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra sai phạm; bần cùng bất đắc dĩ mới phải áp dụng biện pháp không ai mong muốn. “Chống” là quan trọng, cấp bách, phải kiên quyết làm để răn đe, cảnh tỉnh, nhưng “xây” mới là cơ bản, lâu dài.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng; còn xử lý cán bộ chỉ làm cho Đảng mạnh thêm, cuộc đấu tranh càng lấy lại uy tín của Đảng”.
.