Pháp luật

Tổng kết phòng chống tội phạm, buôn lậu, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể

10:32, 22/01/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ quan trọng này.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Công an làm tốt nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), thực hiện nghiêm các quy định về thông tin, báo cáo theo quy chế của BCĐ 138/CP.
 
Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan, thu thập, trao đổi thông tin, xác minh các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, “lợi ích nhóm”, “doanh nghiệp sân sau”, tội phạm có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay của cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ, tội phạm “tín dụng đen”.
 
Phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các vụ án dư luận bức xúc, xã hội quan tâm. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn liên ngành kiểm tra một số địa phương để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, diễn biến phức tạp, đề xuất xử lý vi phạm.
 
Xử lý thông tin tố giác tội phạm của người dân theo đúng quy định, kịp thời xử lý những cán bộ có dấu hiệu bao che, bảo kê, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm theo quy định.
 
Đối với Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu làm tốt nhiệm vụ Thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Chỉ đạo Tổng cục Thuế có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn thuế, quản lý chặt chẽ các cơ sở thu mua hàng hoá của cư dân biên giới. Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động công vụ, công chức hải quan, nghiêm cấm các hành vi nhận “bôi trơn”, “nhũng nhiễu” doanh nghiệp và người dân.
 
“Phối hợp chặt chẽ với công an, biên phòng, quản lý thị trường, xử lý vi phạm không để xảy ra như tình hình vừa qua”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
 
Bộ Công Thương cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cấp phép và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp đúng thời hạn, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời hạn giải quyết không có lý do, gây phiền hà, cản trở hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
 
Phối hợp với UBND các tỉnh sớm hoàn thiện tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh kho ngoại quan, hàng hoá tạm nhập tái xuất…
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Đối với Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý cần chỉ đạo bộ đội biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, nhất là hoạt động tội phạm mua bán người, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Nếu địa bàn nào mà hàng hóa thẩm lậu xảy ra nhiều lần thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu (đồn trưởng), nếu đủ căn cứ kết luận có tiêu cực thì xử lý nghiêm. Không thể chấp nhận hiện tượng gỗ lậu tập kết sát đồn biên phòng mà không biết như vừa qua.
 
Chỉ đạo cảnh sát biển tăng cường phối hợp với công an, hải quan, quản lý thị trường… xác lập chuyên án  triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, khoáng sản qua biên giới trên biển. 
 
“Làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân để giữ vững tuyến biên giới hoà bình, ổn định và phát triển”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
 
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan có liên quan rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của lực lượng chống buôn lậu. Nghiên cứu, đề xuất tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu. thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ  tướng Chính phủ về tình hình an ninh trật tự.
 
Có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, tạo công ăn việc làm và sinh kế để người dân không tham gia vận chuyển hàng hoá nhập lậu trái phép cho các đầu nậu.
 
Văn phòng Thường trực 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban. Tăng cường công tác nắm tình hình, thu thập thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tham mưu, đề xuất Trưởng ban có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Nguồn: Lê Sơn/Chinhphu.vn

Các tin khác