(Congannghean.vn)-“Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật” - đó là một trong các nội dung của Thông báo tại Kỳ họp lần thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức Chu Hảo. Vậy ông Chu Hảo là ai? Đã làm gì? Tại sao lại có những hành động đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật?
|
Mục tiêu dân giàu nước mạnh là sứ mệnh thiêng liêng của mỗi người |
Vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng
Về những vi phạm của Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức, Thông báo tại Kỳ họp lần thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: “Với cương vị là Giám đốc - Tổng Biên tập, đồng chí Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy.
Từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo về những sai phạm của ông Chu Hảo và kiến nghị phải xử lý kỷ luật, đông đảo dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Huệ, đảng viên hưu trí tại khối Yên Vinh, phường Hưng Phúc, TP Vinh khẳng định: Mỗi công dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc mình. Là đảng viên, trọng trách đó càng lớn lao, nhất là với những người đã và đang giữ trọng trách quan trọng của đất nước.
Những sai phạm của cá nhân ông Chu Hảo cần phải xử lý nghiêm, thể hiện tính kỷ luật của Đảng. Theo cơ quan chức năng, trong thời gian là Giám đốc - Tổng Biên tập, ông Chu Hảo đã để Nhà xuất bản Tri thức xuất bản nhiều cuốn sách có nội dung sai phạm, trao giải thưởng một số đầu sách có nội dung phức tạp, nhạy cảm, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy.
Thế nhưng, trên một số trang mạng của một số đối tượng chống đối, một số trang báo nước ngoài, với thái độ thiếu thiện chí, biện minh, lấp liếm, đã cho đăng tải một số quan điểm lệch lạc, trái ngược hoàn toàn với thực tiễn. Thông tin được các trang mạng đưa ra cho rằng ông Chu Hảo là một “trí thức chân chính”, khi bị kỷ luật sẽ “trở về với nhân dân”. Và rằng: “Kỷ luật Chu Hảo là “giọt nước tràn ly””. Tất nhiên, như những lần trước, một số trang cá nhân, những “nhà dân chủ tự xưng” lại đổi trắng thay đen, cho rằng những vi phạm nghiêm trọng của ông Chu Hảo là “sự dũng cảm”, “bỏ công sức cho sự chấn hưng dân trí”, “ông Chu Hảo viết ông sẽ vẫn tiếp tục con đường Khai Sáng của Phan Châu Trinh: Dân tộc, dân chủ và phát triển, thông qua các hoạt động giáo dục”...
Cần được nhắc lại, việc phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lên nin, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, viết sai quan điểm của Đảng của ông Chu Hảo đã lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Như vậy, về thực chất, từ lâu, ông Chu Hảo đã từ bỏ lý tưởng cách mạng, không còn xứng với tiêu chuẩn, danh dự của người đảng viên. Ngay tại Điều 1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải “Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng”. “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng” - Điều 2, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ nhiệm vụ người đảng viên.
Danh dự, phẩm giá người đảng viên là điều cao quý
Lẽ thường, trí thức là những người được Đảng, Nhà nước và nhân dân coi trọng, tôn vinh. Họ có tư duy, hiểu biết, có khả năng tìm ra những phát minh, sáng chế, sáng kiến, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, làm giàu cho đất nước. Nói đến trí thức là nói đến phẩm chất lao động sáng tạo. Tuy nhiên, một trí thức ngoài phẩm chất say mê sáng tạo thì phải có lòng tự trọng, gắn bó thủy chung với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cộng đồng dân tộc - đất nước đã sinh ra, nuôi dưỡng mình lớn khôn, trưởng thành. Thời gian qua, trong khi phần đông trí thức Việt Nam đã phát huy vai trò, trách nhiệm, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng xã hội Việt Nam giàu mạnh, phát triển văn minh, vẫn có một bộ phận trí thức đã có những biểu hiện “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” làm tổn hại sự nghiệp chung của dân tộc.
Về cá nhân ông Chu Hảo, những đóng góp của ông đã được ghi nhận với nhiều sáng kiến trong lĩnh vực mình phụ trách. Tuy nhiên, qua thời gian, ông đã không giữ được phẩm giá, lý tưởng của bản thân. Người dân rất không đồng tình với những phát ngôn, việc làm của cá nhân ông Chu Hảo. Bởi trước khi là một trí thức, ông là một cán bộ cấp cao - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ đã nghỉ hưu. Và quan trọng, ông là một đảng viên. Liệu ông Chu Hảo có nhớ, Đảng, Nhà nước đã tạo cơ hội như thế nào để ông được thuận lợi phát triển, nghiên cứu? Liệu ông có biết, rất nhiều trí thức đã đồng hành cùng suốt chiều dài dân tộc, sẵn sàng hy sinh nhu cầu, quyền lợi cá nhân, cơ hội phát triển vì lợi ích dân tộc, vì mục tiêu chung của hàng chục triệu đồng bào? Ông Chu Hảo hẳn cũng chưa quên, lời thề của người đảng viên, suốt đời trung thành với lý tưởng, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân? Lời thề đó là tự nguyện, cao quý và được nhân dân ghi nhận, tôn trọng.
Việc xử lý một vài trường hợp trí thức vi phạm không phải là “tuyên chiến với giới trí thức, kỳ thị giới trí thức” như một số trang cá nhân đăng tin mà là để làm trong sạch đội ngũ trí thức, đội ngũ đảng viên. Kỷ luật trong Đảng là nghiêm minh, không phân biệt người đó là ai, làm gì, đã nghỉ hưu hay đương chức, là người lao động bình thường hay là công chức, viên chức. Ai sai thì phải bị xem xét, kiểm điểm. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức của những người đảng viên. Người nào không giữ phẩm giá, vi phạm quy định, điều lệ của Đảng, người đó sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi mình đã gây ra. Danh dự người đảng viên không ngẫu nhiên mà có, đó là sự kết tinh của sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp thế hệ cha ông vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, của cách mạng. Như ông cha ta đã đúc kết, tạo dựng danh dự đã khó, giữ danh dự càng khó hơn. Vì thế, giữ gìn danh dự người đảng viên còn là “cuộc đấu tranh giữ mình” trước những cám dỗ, thử thách của cuộc sống, trước tác động tiêu cực của thực tiễn khách quan.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, có tài, có liêm sỉ, có khát vọng cống hiến - đó mới là mục tiêu cao nhất mà mỗi đảng viên, trí thức chân chính hướng tới. Mọi công dân đều phải có trách nhiệm với đất nước; với người đảng viên, khi đã đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân, nghĩa là người đó đã từ bỏ con đường đồng hành cùng dân tộc, từ bỏ danh dự, phẩm giá - vốn là điều thiêng liêng và cao quý nhất của mỗi người. Con đường dựng xây và phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã trải qua không ít chông gai, thăng trầm, đã đánh đổi bằng xương máu, sự hy sinh của hàng triệu triệu đồng bào, đã được chắt chiu, thử thách qua những năm tháng đổi mới đầy gian truân, vất vả. Con đường ấy, được nhân dân ta tin tưởng và kỳ vọng, đã ngày càng được hiện thực và cụ thể hóa bằng những giá trị độc lập, dân chủ, tự do.
Mong rằng, thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không chỉ là lời nhắc nhở đối với cá nhân ông Chu Hảo mà còn với các trí thức, đảng viên trong việc tự kiểm điểm, nhìn nhận lại mình, thật sự phát huy đúng giá trị phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, thủy chung với sự nghiệp dựng xây và phát triển dân tộc. Đừng để khi nhận hậu quả mới thấm thía: “Mất danh dự là mất tất cả”!
.
.