Công an nhân dân – lực lượng nòng cốt, trọng yếu bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo đảm ANTT vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân – đó là bản chất cách mạng của lực lượng CAND được thể hiện trong Hiến pháp và Luật CAND qua các thời kỳ.
Trải qua hơn 70 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, trong mỗi thời kỳ cách mạng, lực lượng CAND đều khẳng định vai trò, vị trí của mình trước sứ mệnh bảo đảm sự ổn định và phát triển đất nước; bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia (ANQG), trật tự an toàn xã hội (TTATXH); đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để có được những thành quả đó, điều rất quan trọng là chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của lực lượng CAND đã được xác định trong các luật, đạo luật liên quan. Đó là những cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng CAND hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đổi mới toàn diện, thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với rất nhiều thời cơ, thách thức đan xen.
Nhiệm vụ bảo đảm ANQG, TTATXH, phòng chống tội phạm đang đặt lên vai lực lượng CAND hết sức nặng nề với nhiều khó khăn, phức tạp. Theo Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thì nhiệm vụ của lực lượng Công an hiện nay so với 10 năm trước đây nặng nề hơn rất nhiều bởi diễn biến tội phạm phức tạp hơn, số lượng tội quy định trong Bộ luật Hình sự tăng lên; xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, quá trình điều tra, xử lý của lực lượng Công an cũng đòi hỏi nhiều quy định hơn.
Bên cạnh đó, còn có vấn đề an ninh phi truyền thống, tội phạm quốc tế, như: tội phạm khủng bố, buôn bán ma túy, buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia, vấn đề an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng... không phải đơn giản một quốc gia có thể xử lý được. Trong khi đó mục tiêu quan trọng nhất là “Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định, đó cũng là nhiệm vụ chính của lực lượng Công an.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Công an là đơn vị tiên phong trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” và mạnh dạn xóa bỏ cấp trung gian. Có thể nói đây là sự thay đổi mang tính lịch sử, triệt để và sâu rộng.
Trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ ANQG, TTATXH, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng CAND trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về ANTT, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật CAND 2014, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng; đảm bảo đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật CAND năm 2014.
Đó là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn CAND trong công tác quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mặt khác, thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, bộ luật có những quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CAND như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Cảnh vệ năm 2017… đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật CAND năm 2014 bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta; khắc phục những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng quản lý…
Trong khi đó, thực tiễn thi hành Luật CAND năm 2014 cho thấy, ngoài những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đối với hoạt động bảo đảm ANTT, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND nên việc triển khai thi hành còn lúng túng; thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND chưa phù hợp; chưa quy định rõ, đầy đủ về phát triển công nghiệp an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Hiến pháp năm 2013 và để đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANQG, TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới...
Thời gian qua, dự án Luật CAND (sửa đổi) đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; được các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và nhân dân tham gia góp ý với tinh thần xây dựng, trách nhiệm nhằm bảo đảm chặt chẽ, thiết thực, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho hoạt động của lực lượng CAND và các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm ANTT đạt hiệu quả cao nhất.
Mặc dù vậy, vẫn còn những tiếng nói “lạc điệu” của các thế lực thù địch, phần tử xấu, cơ hội, bất mãn cố tình xuyên tạc những nội dung của dự luật nhằm làm sai lệch bản chất cách mạng, hạ thấp vai trò của lực lượng CAND; muốn tách rời lực lượng Công an với Đảng, với nhân dân. Nhiều đối tượng nhằm vào nội dung trần cấp bậc hàm để xuyên tạc, đả kích, bôi nhọ với ý đồ đen tối làm hạ uy tín của lực lượng Công an mà không nhìn nhận dưới góc độ khoa học, sự phù hợp giữa chức năng, nhiệm vụ với thực tiễn chiến đấu mang tính đặc thù của CAND.
Thậm chí, với nội dung xây dựng lực lượng Công an xã chính quy trong dự luật, nhiều đối tượng đã xuyên tạc rằng, đó là việc đưa Công an kiểm soát người dân ở mọi nơi, mọi lúc mà không nhận thấy rằng, việc bảo đảm ANTT ở địa bàn nông thôn trong bối cảnh và tình hình mới đòi hỏi phải có sự thay đổi về mô hình tổ chức lực lượng Công an, nhằm bảo vệ sự an ninh, an toàn cho người dân được tốt hơn (kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đã có hàng chục năm, thậm chí hơn một thế kỷ đã bố trí lực lượng Cảnh sát, Hiến binh ở địa bàn nông thôn như: Anh, Pháp, Bỉ, Nhật, Úc, Trung Quốc…).
Việc Quốc hội thông qua dự Luật CAND (sửa đổi) càng khẳng định rõ vai trò, vị trí trụ cột của lực lượng CAND trong thực hiện bảo đảm ANTT của đất nước, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; đồng thời là nền tảng pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn
.