Pháp luật

Vướng mắc từ thực tiễn giải quyết các vụ án ma túy

08:07, 10/10/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Hiện nay, ngày càng có nhiều loại ma tuý mới xuất hiện, đa dạng mẫu mã, kích thước. Có trường hợp vật chứng thu giữ trong vụ án gồm rất nhiều viên ma túy tổng hợp, khi trưng cầu giám định cho kết quả trong một viên ma túy tổng hợp lại có nhiều loại chất ma túy khác nhau (như MDMA, Methamphetamine, Methylphenidate,…) nhưng các chất này lại không nằm cùng một điểm của điều luật thì xử lý thế nào?.
 
Đó là một trong những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự trong giải quyết các vụ việc liên quan đến ma túy.
Xét xử một vụ án ma tuý. Ảnh minh họa
Xét xử một vụ án ma tuý. Ảnh minh họa
Nhiều quan điểm khác nhau về việc định tội danh
 
Theo Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án ma túy (Viện KSND tối cao), trong các phần liên quan đến chương tội phạm về ma túy được quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quan điểm chưa thống nhất, gây những vướng mắc, xung đột cần được giải quyết.
 
Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự có nêu khái niệm "quả thuốc phiện tươi" và "quả thuốc phiện khô", nhưng đến nay chưa có tiêu chí nào cho cơ quan có thẩm quyền quy định để xác định "quả thuốc phiện tươi" và "quả thuốc phiện khô"?. Thực tế các cơ quan giám định từ trung ương đến địa phương đều không trả lời được vấn đề này khi Cơ quan điều tra yêu cầu.
 
Hơn nữa, hiểu thế nào về quy định “… bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định…?”. Khi thu giữ được vật chứng là bộ phận của cây (nghi là cây có chứa chất ma túy trong danh mục quy định của Chính phủ) thì có cần phải yêu cầu giám định tìm chất ma túy trong bộ phận của cây đó không hay chỉ yêu cầu giám định xác định tên loại cây là đủ?
 
Theo quy định tại Nghị định số 19/2018/NĐ-CP về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thì đối với chất ma túy ở thể rắn nhưng bị hòa thành dung dịch phải giám định hàm lượng. Tuy nhiên, kết quả giám định hàm lượng lại tính bằng đơn vị gam/ml. Vậy khi xác định điểm, khoản để truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo khối lượng ở thể rắn hay căn cứ theo thể tích riêng của tinh chất ma túy có trong dung dịch để xử lý?.
 
Các văn bản hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương XVIII về “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 như Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007; Thông tư liên tịch số 08/2015 ngày 14/11/2015; Nghị quyết số 01/2001 ngày 15/3/2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều nội dung mới, như vậy kể từ ngày 01/01/2018 các thông tư, nghị quyết nêu trên có còn được vận dụng hướng dẫn thi hành cho Bộ luật Hình sự năm 2015 không?.
 
Bên cạnh đó, còn nhiều quan điểm khác nhau về việc định tội danh trong một số vụ án. Chẳng hạn như: Cơ quan điều tra ở một số địa phương bắt giữ được đối tượng nghiện chất ma túy đang trên đường đi mua heroin về để nhằm mục đích sử dụng hoặc đối tượng này khai ngoài việc sử dụng thì đã được bán lại chất ma túy cho một số người nghiện khác nhưng Cơ quan điều tra lại không thể xác định được lấy lời khai của người đã mua ma túy như bị can khai.
 
Quan điểm Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho rằng đối tượng đã phạm tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” hoặc “Mua bán trái phép chất ma túy”, nhưng Tòa án lại cho rằng cần phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội chỉ có thể xử lý về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, vì khung hình phạt của tội này nhẹ hơn tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” hoặc “Mua bán trái phép chất ma túy”.
 
Từ các hoạt động của các Cơ quan bổ trợ tư pháp, cũng xuất hiện tình huống đó là: Hiện nay một số địa phương bắt giữ được đối tượng cùng tang vật, các đối tượng khai nhận đó là ma túy tổng hợp được tẩm ướp trong thảo mộc sấy khô nhưng cơ quan giám định địa phương lại không có mẫu chuẩn để giám định. Mặt khác, đây là trường hợp không bắt buộc phải giám định hàm lượng để tính khối lượng chất ma túy theo quy định tại Nghị định số 19/2018/NĐ-CP, cơ quan giám định từ chối thực hiện giám định hàm lượng thì có thể xác định khối lượng chất ma túy để xử lý trách nhiệm hình sự là tổng khối lượng của thảo mộc và ma túy được tẩm ướp vào thảo mộc không?.
 
Không chỉ trong thi hành Bộ luật Hình Sự, theo Viện KSND tối cao, còn có sự thiếu thống nhất trong nhận thức về một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có liên quan đến xử lý tội phạm về ma túy.
 
Một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự như: Về thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với các vụ án ma túy do các cơ quan của Bộ đội Biên phòng khi phá án, bắt giữ người bị tình nghi liên quan đến tội phạm ma túy thì có thẩm quyền ra Quyết định tạm giữ người trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng không? Có được ra Quyết định trưng cầu giám định chất ma túy không?.
 
Hiện nay đang có quan điểm cho rằng có sự mâu thuẫn giữa các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức điều tra hình sự, thực tế đã có địa phương ra Quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ của Đồn Biên phòng hoặc không chấp nhận Quyết định trưng cầu giám định của các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng.
 
Cụ thể: Tại Khoản 3 Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Đối với tội phạm từ nghiêm trọng trở lên hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp (loại tội phạm Bộ đội Biên phòng chỉ được khởi tố điều tra ban đầu trong 7 ngày phải chuyển giao) thì người được giao một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng được quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định không khởi tố vụ án hình sự mà không quy định cụ thể là được hay không được ra Quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, Quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng trong thực tế còn có nhiều quan điểm khác nhau.
 
Về căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can phạm tội nghiêm trọng trong các tội phạm về ma túy (khung hình phạt tù cao nhất đến 5 năm) quy định tại Khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự được hiểu như thế nào? Thực tế hiện nay nhiều trường hợp bị can phạm tội về ma túy không thể áp dụng biện pháp tạm giam được nhưng các cơ quan tố tụng triệu tập thì không đến làm việc, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
 
Đối tượng phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhưng là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì có được phép áp dụng biện pháp tạm giam không?.
 
Còn nhiều án tồn đọng
 
Một điểm đáng chú ý, đó là sự tác động, ảnh hưởng từ công văn số 234/TATC-HS của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn bắt buộc phải giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là ma túy vẫn chưa được giải quyết triệt để.
 
Một số địa phương còn tồn đọng án hình sự tạm đình chỉ về lý do này nhưng đến nay chưa có hướng dẫn giải quyết hoặc một số Tòa án lấy lý do áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo (đối với các vụ án tội phạm xảy ra trước thời điểm 00 giờ 00 phút ngày 01/01/2018) nên vẫn căn cứ vào khối lượng chất ma túy thông qua giám định “hàm lượng” để xét xử và quyết định hình phạt dẫn đến sự thiếu thống nhất trong áp dụng điểm, khoản và khung hình phạt đối với người phạm tội giữa các ngành tố tụng, giữa cấp trên với cấp dưới, điều này cũng đã làm cho nhiều vụ án ma túy tồn đọng, kéo dài thời hạn giải quyết nhất là các vụ án bị kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc các vụ án tạm đình chỉ do chưa thực hiện được việc giám định lại theo công văn số 234, đến nay 3 ngành tố tụng chưa có quan điểm thống nhất, nên đã gây khó khăn không nhỏ trong công tác điều tra, truy tố và xét xử.
 
Liên quan đến tỷ lệ bắt giữ hình sự sau phải xử lý hành chính trong các vụ án ma túy, các vụ án ma túy khi phá án thường là bắt quả tang nên ngoài các đối tượng bị phát hiện trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội về ma túy còn có những người khác có dấu hiệu liên quan mà ngay khi bắt giữ Cơ quan điều tra chưa đủ điều kiện xác định họ có liên quan đến tội phạm về ma túy hay không, có trường hợp phải ra lệnh tạm giữ, gia hạn tạm giữ để có thời gian thu thập tài liệu, kiểm tra, xác minh... mới giải quyết được (như những trường hợp là lái xe taxi, là bạn hoặc người thân của đối tượng bị bắt quả tang về hành vi phạm tội về ma túy...). Do vậy, trong một số trường hợp cụ thể không thể tránh khỏi để xảy ra việc bắt, tạm giữ hình sự nhưng sau đó xử lý bằng biện pháp hành chính.
 
Theo Viện KSND tối cao, đây là những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn áp dụng pháp luật cần thiết phải có sự tổng hợp để báo cáo Liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương sớm có hướng dẫn kịp thời, đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Nguồn: Hoàng Anh/tiengchuong.vn

Các tin khác