Pháp luật
Làm thế nào để kiểm soát các chất ma túy mới?
10:32, 26/10/2018 (GMT+7)
Việc sử dụng bóng cười và ma túy tổng hợp trong giới trẻ hiện nay đang ở mức đáng báo động, rất cần siết chặt quản lý để đối phó với cơn bão ma túy mới.
Bóng cười du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2010, nhưng dường như chỉ đến khi 7 thanh niên tử vong tại lễ hội âm nhạc ở Công viên hồ Tây, Hà Nội giữa tháng 9 vừa qua, các địa phương mới tập trung kiểm tra các quán bar, nhà hàng karaoke.
Thế nhưng, việc xử lý gặp nhiều khó khăn vì khí N2O bơm trong bóng cười không bị cấm kinh doanh cũng như chưa có trong danh mục chất ma túy.
Luật sư Hoàng Minh Hiển, Văn phòng Luật sư HHM (Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định nào cấm bán khí N2O. Trước tình trạng nhiều người sử dụng bóng cười và hậu quả của nó, một số địa phương đã hạn chế tác hại của bóng cười bằng cách yêu cầu các quán bar, cửa hàng karaoke, coffee kí cam kết không bán bóng cười… Theo tôi, Chính phủ cần có quy định về bán bóng cười”.
Trong khi cơ quan chức năng còn đang lúng túng đối phó với bóng cười thì người kinh doanh dịch vụ này đã nghĩ ra nhiều cách để qua mặt các đoàn kiểm tra liên ngành.
Ngoài việc để bình khí N2O trong ngõ ngách, các chủ cửa hàng còn kinh doanh tầng 1, thuê tầng 2 nhà dân làm nơi đặt bình khí N2O, rồi nối dây bơm khí xuống tầng 1 nên rất ít khi bị bắt quả tang.
Việc hút bóng cười thời nay như là 1 trào lưu |
Chưa kể khí N2O không bị cấm kinh doanh nên việc xử lý những cửa hàng vi phạm cam kết chỉ dừng ở xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay loại khí có thể gây chết người này hầu như không còn được sử dụng để gây mê trong phẫu thuật nữa nên việc cấm sử dụng sẽ không mấy ảnh hưởng tới ngành y tế: “Chất này chưa bị cấm và hiện nay chỉ còn một vài bệnh viện sử dụng vì đã có rất nhiều phương pháp gây mê hiện đại. Theo tôi cần tìm hiểu xem, vì sao nhu cầu sử dụng trong ngành y ít thế mà lại nhập về nhiều để làm gì?”.
Chỉ với một loại khí gây ảo giác trong bóng cười mà còn chưa có biện pháp quản lý tận gốc, vậy hàng trăm chất ma túy mới hiện nay thì sao?
Theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP, quy định 276 chất ma túy và tiền chất, đến nay danh mục này đã tăng lên gần gấp đôi với gần 660 chất.
Ông Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết, cứ khoảng 1 tuần đến 10 ngày trên thế giới lại phát hiện thêm 1 chất hướng thần mới, khiến tình hình kiểm soát ma túy trở nên rất khó khăn.
Ông Đặng Văn Đoàn cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ mới có thể đối phó được với tình trạng này: “Theo tôi, đầu tiên phải kiểm soát tốt nguồn cung ma túy, ngoài ra ngay từ trong nội địa cần phải kiểm soát chặt chẽ các hóa chất, tiền chất cũng như các loại thuốc tân dược, thuốc thú y có liên quan mà tội phạm ma túy có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Thứ hai, đối với công tác giám định, cần bổ sung các chất chuẩn ma túy. Đây là cơ sở then chốt để giải quyết các vụ án về ma túy. Đối với các chất ma túy mới chưa có trong danh mục cần sớm được bổ sung vào danh mục chất ma túy cần kiểm soát tại Việt Nam”.
Gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện tại nhiều quán bar, karaoke, quán cà phê, ma túy được pha vào đồ uống có ga, trà sữa, cà phê và các nước giải khát khác để che mắt sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Rõ ràng, việc kiểm soát đầu vào của ma túy và tiền chất đang là vấn đề cấp thiết hiện nay, chứ không chỉ đơn giản là cập nhật chúng trong danh mục quản lý.
Ngoài ra, để đối phó với các chất ma túy cũng còn đòi hỏi gia đình và nhà trường thường xuyên giáo dục và quan tâm hơn nữa đến thanh thiếu niên; vì thực tế cho thấy, các bạn trẻ tìm đến ma túy thường là những đứa con thiếu vắng sự quan tâm, chia sẻ của cha mẹ, thầy cô giáo.
Em T.T.T, 16 tuổi ở Hòa Bình bị sốc ma túy đá, hôn mê sâu, tổn thương tim não nặng nề phải điều trị hàng tháng trời tại Bệnh viện Bạch Mai nói: “Em có một số bạn bè rủ rê chơi ma túy đá. Mỗi lần sử dụng thì phê vài ngày. Em cũng rất xấu hổ. Chẳng ai muốn rơi vào tình trạng như thế này”.
T sử dụng ma túy nhiều năm nhưng chỉ đến khi nhập viện vì hôn mê gia đình mới biết. Điều đó cho thấy, số người sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay ở nước ta không dừng lại ở con số gần 150.000 người có hồ sơ quản lý.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay khi “cơn bão ma túy mới” ập đến là trong cơn phê ma túy, những người “ngáo” đá bị ảo giác, không kiểm soát được hành vi, nhất là khi mệnh lệnh giết người trong ảo giác ập đến bởi ảo thanh, họ sẽ gây ra những vụ án mạng rùng rợn như đã từng xảy ra liên tục thời gian qua.
Nếu không sớm có những biện pháp kiểm soát tốt hơn đầu vào của ma túy và tiền chất cũng như đấu tranh có hiệu quả hơn với tội phạm buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy thì những cái chết tức tưởi vì ma túy sẽ khó tránh khỏi và sự bất an, mất trật tự an toàn xã hội sẽ càng lớn.
Nguồn: VOV.VN