Pháp luật
Hiệu quả từ mô hình 'hai không' ở trường học
14:41, 11/10/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cùng với xây dựng mô hình dạy tốt, học tốt, hơn 1 năm qua, Trường THCS Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai bắt đầu triển khai mô hình “Học sinh không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và chấp hành tốt văn hóa giao thông” nhằm giúp học sinh hiểu biết và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, định hướng để các em trở thành công dân tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Mô hình “Học sinh không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và chấp hành tốt văn hóa giao thông” được triển khai từ ngày 25/5/2017 đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực, chuyển biến rõ rệt trong học sinh. Mục tiêu lớn nhất mà Ban giám hiệu nhà trường cũng như chỉ huy Công an phường Quỳnh Phương hướng tới đó là xây dựng ngôi trường “hai không”: Học sinh không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội.
Thiếu tá Hồ Phi Tráng, Trưởng Công an phường Quỳnh Phương cho biết: “Do đặc thù địa bàn miền biển, bố mẹ quanh năm ra khơi nên không dành nhiều thời gian quan tâm đến con em; chưa kể tình trạng học sinh bỏ học theo gia đình đi biển nên trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. Vì vậy, vẫn còn tình trạng học sinh gây gổ đánh nhau và trộm cắp tài sản trong nhà trường, gây mất ANTT trong trường học.
Ký cam kết thực hiện mô hình “Học sinh không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và chấp hành tốt văn hóa giao thông” tại Trường THCS Quỳnh Phương |
Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an TX Hoàng Mai đã triển khai mô hình “Học sinh không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và chấp hành tốt văn hóa giao thông”. Sau hơn 1 năm triển khai, cái được lớn nhất chính là nhận thức về pháp luật của học sinh ngày càng được nâng cao. Đại đa số các em đều có ý thức tự giác chấp hành pháp luật; số học sinh vi phạm nội quy nhà trường cũng như vi phạm pháp luật giảm đáng kể.
Để mô hình thực hiện có hiệu quả, Công an phường Quỳnh Phương đã phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường kiện toàn Ban chỉ đạo và cơ cấu tổ chức bao gồm 1 ban chỉ đạo, 1 ban tự quản, 4 tổ tự quản. Theo đó, các tổ tự quản thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức sinh hoạt và đánh giá quá trình hoạt động theo từng tháng để rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung cũng như kịp thời biểu dương, khen thưởng những giáo viên, học sinh có nhiều nỗ lực, đóng góp cho mô hình.
Bám sát nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Công an thị xã, cấp ủy, chính quyền UBND phường Quỳnh Phương, Ban chỉ đạo mô hình đã triển khai có hiệu quả các phần việc, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia hưởng ứng của tập thể giáo viên, học sinh. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học với nhiều nội dung như Luật Giao thông đường bộ, phòng chống ma túy, bạo lực học đường… Bên cạnh đó, lồng ghép tuyên truyền các nội dung vào các bài giảng môn Giáo dục công dân, hoạt động ngoài giờ lên lớp; tổ chức ký cam kết giữa lực lượng Công an, nhà trường, hội phụ huynh và học sinh.
Đặc biệt, trong năm học 2017 - 2018, các tổ tự quản đã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các vụ việc mất trộm trong nhà trường. Phát hiện, xử lý 5 vụ trộm cắp tài sản, bắt 6 đối tượng, thu giữ 1.5000.000 đồng tiền mặt và 2 điện thoại di động trả lại cho thầy, cô giáo. Thủ phạm trong các vụ trộm nói trên là các học sinh của nhà trường đã bỏ học. Công an phường đã phối hợp với Ban giám hiệu, các tổ chức đoàn thể xử lý, răn đe, giáo dục 10 học sinh đánh nhau trong trường học. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền với gia đình có học sinh vi phạm để các bậc phụ huynh có biện pháp quản lý, giáo dục con em mình.
Nhờ triển khai có hiệu quả các nội dung, mô hình “Học sinh không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và chấp hành tốt văn hóa giao thông” tại Trường THCS Quỳnh Phương đã thu được những kết quả đáng ghi nhận; ý thức chấp hành pháp luật của học sinh ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để mô hình ngày càng có chiều sâu, lan tỏa trong toàn trường, ngoài sự nỗ lực của Công an phường, nhà trường thì sự đồng thuận, phối hợp của phía gia đình là vô cùng cần thiết trong việc quản lý, giáo dục các em, từ đó cùng nhau sát cánh xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Huyền Thương