Pháp luật
Sửa đổi Luật Thi hành án hình sự để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
08:27, 14/09/2018 (GMT+7)
“Thực tiễn 8 năm thi hành Luật THAHS năm 2010 cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: Chưa quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; chưa quy định cụ thể về xử lý đồ vật cấm mang vào trại giam và các vướng mắc, bất cập khác. Do vậy, cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm đọc Tờ trình tại phiên họp |
Chiều 13-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (THAHS)
Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình tóm tắt về dự án Luật cho biết: Luật THAHS năm 2010 được Quốc hội Khóa XII thông qua ngày 17-6-2010 tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Qua hơn 8 năm thi hành Luật THAHS năm 2010, công tác THAHS đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Tuy nhiên bên cạnh đó, Luật THAHS năm 2010 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới và nhiều bộ luật, luật có nội dung liên quan đến THAHS. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật THAHS năm 2010 được đặt ra rất cần thiết, bởi các lý do sau:
Một là, cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 trong Luật THAHS. Hai là, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể là giữa Luật THAHS với Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Ba là, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Luật THAHS năm 2010.
“Thực tiễn 8 năm thi hành Luật THAHS năm 2010 cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: Chưa quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; chưa quy định cụ thể về xử lý đồ vật cấm mang vào trại giam và các vướng mắc, bất cập khác. Do vậy, cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Dự thảo Luật đã sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ 1 mục (Mục 3 Chương X), 4 điều; thay đổi kết cấu của Luật THAHS năm 2010 (bổ sung 1 chương (Chương Xa), 7 mục (mục 2A vào Chương III và 6 mục vào Chương Xa), nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật THAHS năm 2010.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật này. Theo đó, đa số ý kiến UBTP tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc mở rộng phạm vi sửa đổi và đổi tên gọi của dự án Luật thành Luật THAHS (sửa đổi) vì dự thảo Luật sửa đổi rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, cơ bản của Luật hiện hành; dự thảo Luật đã sửa đổi số lượng lớn điều luật và thay đổi cơ bản về kết cấu của Luật.
Về thời gian xem xét, thông qua dự án Luật, đa số ý kiến UBTP đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật tại 3 kỳ họp. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2018), Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật, sau đó Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 76 Luật BHVBQPPL.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định |
Về Cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS đối với pháp nhân thương mại (khoản 18e, Điều 3; Điều 140b và Chương Xa), đa số ý kiến UBTP đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất mô hình phù hợp theo hướng, cơ quan THAHS chuyên trách phải chịu trách nhiệm chính trong tổ chức THAHS đối với pháp nhân thương mại và áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, vấn đề khó nhất như báo cáo thẩm tra nêu là cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS đối với pháp nhân thương mại. “Trong quá trình chúng tôi tham gia sửa đổi Bộ luật hình sự thì cũng thấy pháp nhân thương mại là vấn đề hết sức mới và rất là khó, chưa có tiền lệ áp dụng tại Việt Nam. Đề nghị các cơ quan cần phối hợp để làm kỹ, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại” – ông Định nói.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trên thực tế cho đến nay ở Việt Nam chưa xử lý hình sự pháp nhân thương mại ở một vụ án nào cả, mà chỉ xử lý chủ thể. “Để điều tra, truy tố, xét xử những vụ án pháp nhân thương mại cũng còn một quãng đường rất xa. Cho nên việc đề xuất mô hình chỉ có thể có được trong quá trình thực thi trên thực tế, sau đó rút ra những điểm phù hợp với Việt Nam để quy định vào Luật” – Bộ trưởng phân tích.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết lại phiên thảo luận |
Một nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận là khoản 5 Điều 29 dự thảo Luật: “Trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân với sự đồng ý của phạm nhân”. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị làm rõ, doanh nghiệp luôn hoạt động trên cơ sở lợi nhuận, trong khi mục đích của trại là cải tạo, rèn luyện đạo đức cho phạm nhân. Như vậy, 2 mục đích đó đảm bảo hài hoà như thế nào? Có hoàn toàn theo sự tự nguyện của phạm nhân hay không?
Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây không phải là điểm mới, vì hiện nay các trại giam đang làm rồi. “Tất nhiên là đối với phạm nhân cải tạo tốt thì sẽ được ra khu vực này, quá trình lao động sẽ có một phần thu nhập và nếu có thể thì còn gửi về nhà được. Tôi cho đây là điều tốt, nên duy trì. Điều quan trọng là phải xem xét xem có hiện tượng lợi dụng việc này để trốn trại hay không”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu quan điểm.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, khoản 5 Điều 29 đã quy định rất chặt chẽ là phải tuân thủ quy định về giam giữ. “Còn nếu anh lợi dụng quy định để bỏ trốn thì sẽ có người phải chịu trách nhiệm về việc này” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, Bộ Công an là cơ quan chịu tác động lớn nhất đối với dự án Luật này, do đó Bộ đã tích cực phối hợp với Uỷ ban Tư pháp và các cơ quan liên quan; trong quá trình thảo luận cũng có điều chỉnh, tiếp thu các ý kiến để đảm bảo chất lượng. “Đề nghị UBTVQH kết luận, cho triển khai sớm để đảm bảo tiến độ” – Bộ trưởng đề nghị.
Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Cơ quan soạn thảo trên cơ sở các ý kiến thảo luận hôm nay tiếp thu, chỉnh lý, đưa ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 về những ý kiến còn khác nhau. Sau đó Quốc hội sẽ quyết định xem là sẽ thông qua dự án Luật qua 2 hay 3 kỳ họp...
Nguồn: Quỳnh Vinh/CAND