Pháp luật
Bác sĩ bỏ việc vì bị nợ lương, bệnh viện hoạt động cầm chừng
(Congannghean.vn)-Nợ lương cán bộ, nhân viên triền miên; nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) nhiều năm; nhiều khoa phòng không hoạt động, thiếu thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế xuống cấp; đội ngũ lãnh đạo quản lý yếu kém…là những thực trạng đang xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thành An - Sài Gòn, đơn vị thuộc Công ty TNHH Minh Khang.
Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn |
Nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài
Ông Lê Văn Lậm (SN 1952) trú tại phường Lê Lợi (TP Vinh) phản ánh: Sau nhiều năm công tác tại 1 cơ quan Nhà nước, ông nghỉ hưu theo chế độ và được chuyển chế độ khám, chữa bệnh (KCB) hằng năm theo định kỳ về BVĐK Thành An - Sài Gòn từ 4 năm nay. Ngoài việc đây là BV hạng 3, vừa được đầu tư xây dựng với trang thiết bị được quảng bá là hiện đại, tiên tiến, BV còn nằm ở trung tâm thành phố, gần nhà, tiện cho việc thăm khám nên ông Lậm đã chọn nơi đây để chăm sóc sức khỏe cho mình. Tuy nhiên, sau thời gian đầu mọi chuyện tiến triển tốt đẹp, vài năm gần đây, việc thăm khám gặp rất nhiều khó khăn khi BV hoạt động cầm chừng, thiếu bác sĩ, thiếu thuốc diễn ra thường xuyên. Khi ông Lậm đề nghị được chuyển tuyến để điều trị căn bệnh tuổi già mới phát hiện, phía BV đã gây rất nhiều khó dễ.
Khi chúng tôi trao đổi vấn đề này với 1 bác sĩ, hiện đang là Trưởng khoa tại BVĐK Thành An - Sài Gòn thì được biết, sự việc bệnh nhân phản ánh là có cơ sở. Cũng không riêng gì bệnh nhân khốn đốn, mà hơn 100 cán bộ, nhân viên đang công tác tại đây, từ nhiều năm nay đang rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở chẳng xong”, khi đi làm nhưng không có lương, không được hưởng các chế độ, quyền lợi liên quan. Trong đó, gay go nhất là việc nợ lương kéo dài khiến cuộc sống của cán bộ, nhân viên gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã nhiều lần có ý kiến lên Ban giám đốc và Công ty TNHH Minh Khang, nhưng sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Mới đây nhất, ngày 31/7/2018, tập thể cán bộ, nhân viên BVĐK Thành An - Sài Gòn gồm 44 người, đã ký đơn kiến nghị gửi Ban giám đốc BV, nội dung yêu cầu giải quyết lương và các chế độ kèm theo như BHXH, đau ốm, thai sản… “Từ khi chúng tôi vào làm việc tại BV luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành đúng quy chế nhưng phía BV đã không thực hiện đúng theo Luật Lao động, liên tục chậm và nợ lương kéo dài, bắt đầu từ năm 2013 đến nay. Nếu BV không trả lương và các chế độ, quyền lợi liên quan như cam kết, chúng tôi sẽ đồng loạt nghỉ việc để tìm công việc khác”, trích đơn.
Theo danh sách nợ lương từ BV mà chúng tôi có được, bác sĩ Nguyễn Thanh Mai, Phó Giám đốc chuyên môn bị nợ 2 tháng của năm 2015 và từ tháng 1 - 6/2018 ông này chưa được nhận một đồng lương nào. Tương tự, bác sĩ Nguyễn Văn Huân, Trưởng khoa Ngoại cũng bị nợ 3 tháng lương năm 2015 và 6 tháng đầu năm nay, chưa được nhận thêm tháng lương nào từ bệnh viện. Chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên của BV, bị nợ lương tháng 11 và 12/2015; 1/4 lương từ tháng 3 - 6/2018 và nợ BHXH từ năm 2016 đến nay. 1 trường hợp khác là Điều dưỡng, Trưởng khoa Bùi Thị Mai, ngoài việc bị BV nợ lương và chế độ BHXH như của chị Liên, còn bị nợ chế độ thai sản năm 2016. Thực trạng trên cũng là tình cảnh chung của 82 cán bộ, nhân viên đang công tác tại BVĐK Thành An - Sài Gòn. Đến nay, do không chịu được cảnh đi làm nhưng không có thu nhập, 5 trường hợp đã chấp nhận nghỉ việc, trong đó có 1 trưởng khoa, 1 phó phòng, 1 bác sĩ và 2 nhân viên.
Ngày 22/3, Ban giám đốc BV đã cam kết cùng với đại diện người lao động, sẽ trả lương của tháng 12/2017 vào ngày 30/3/2018 và trả lương các tháng 1, 2, 3 năm 2018 vào cuối tháng 4/2018. Không thực hiện đúng như cam kết, ngày 3/5/2018, BVĐK Thành An - Sài Gòn có thông báo nội bộ, về việc cam kết lộ trình thanh toán lương trong tháng 5. Theo đó, bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Minh Khang cam kết từ ngày 8 - 10/5 sẽ thanh toán số tiền lương còn lại của tháng 2 cho nhân viên điều dưỡng và một nửa phần lương còn lại của tháng 12/2017 cho bác sĩ; từ ngày 25/5, sẽ thanh toán 1 tháng lương cho toàn thể cán bộ, nhân viên BV.
Tuy nhiên, đến ngày 24/5, Công ty TNHH Minh Khang lại có thông báo gia hạn ngày thanh toán lương, cho rằng ngày 9/5 đã thanh toán phần lương cam kết của tháng 2/2018 cho điều lưỡng và các bộ phận; phần lương tháng 12/2017 cho bác sĩ (mặc dù vẫn còn một số bác sĩ và nhân viên chưa được thanh toán theo đúng cam kết). Do khó khăn về tài chính nên Ban giám đốc công ty xin gia hạn thanh toán lương (như đã cam kết) đến ngày 31/5/2018.
Khủng hoảng toàn diện
Ngoài việc nợ lương, theo phản ánh của cán bộ, nhân viên thì tại BVĐK Thành An - Sài Gòn, tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh xảy ra thường xuyên, trang thiết bị y tế hư hỏng, không được sửa chữa nên việc KCB cho bệnh nhân không đạt hiệu quả cao.
Ngày 25/6/2018, bác sĩ Nguyễn Thanh Mai, Chủ tịch Công đoàn cơ sở đã có đơn đề nghị gửi Công ty TNHH Minh Khang, Công đoàn ngành Y tế và BHXH Nghệ An, nêu rõ: Từ năm 2013 đến nay, BV luôn trong tình trạng thiếu hụt, không có kinh phí để hoạt động, luôn thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu lương và chế độ BHXH. Một số cán bộ nhân viên có tay nghề cao đã lần lượt ra đi, giám đốc điều hành thay người liên tục, quản lý nhân sự không đủ điều kiện để tiếp nhận cán bộ mới. Từ 40 bác sĩ vào năm 2013, đến nay chỉ còn 11 bác sĩ, một số khoa từ 4 bác sĩ nay chỉ còn 1 người, cá biệt một số lĩnh vực chuyên môn chủ chốt không có bác sĩ như Gây mê phẫu thuật, Hồi sức cấp cứu và Nội soi.
Cách tổ chức quản lý BV lỏng lẻo vì cán bộ không có kinh nghiệm, tình trạng nợ lương cán bộ, công nhân viên kéo dài. Năm 2015 còn nợ 2 tháng, năm 2018 nợ lương bác sĩ từ tháng 1 đến tháng 6 và nợ nhân viên từ tháng 3 đến tháng 6. BHXH mới đóng cho nhân viên đến tháng 1/2016 và bảo hiểm tự nguyện mới đóng đến tháng 3/2018. Tình trạng nợ lương kéo dài khiến cho cán bộ, nhân viên tinh thần chán nản; bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục nghỉ làm và chuyển công tác; nguồn bệnh nhân đến khám giảm nhiều do không có thuốc và bác sĩ điều trị; tình trạng cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị xuống cấp.
Trước đó, trong cuộc họp bất thường của BCH Công đoàn BV diễn ra vào ngày 22/3/2018, tổ chức này đã thống nhất đề đạt ý kiến: “Nếu để tình trạng mất ổn định trong BV thì thà đóng cửa còn hơn để tiếp tục làm việc, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động cũng như chất lượng điều trị, chăm sóc cho người bệnh”.
Ngày 10/7/2018, BVĐK Thành An - Sài Gòn có thông báo nội bộ, về việc tạm dừng trực tại khoa gây mê hồi sức. Theo đó, do chưa sắp xếp được bác sĩ gây mê làm việc tại khoa này nên Ban giám đốc đã đề nghị tạm dừng trực ngoài giờ tại khoa này. Đến ngày 31/7/2018, BV tiếp tục có thông báo: Kể từ ngày 1/8, các khoa: Hành chính nhân sự, Kế hoạch - Tổng hợp, Đông y, Chẩn đoán hình ảnh, Dược, Chăm sóc khách hàng, Khám bệnh, Kế toán và Hộ lý chỉ đi làm một nửa nhân viên hiện có. Riêng các Khoa Cấp cứu, Chống nhiễm khuẩn và xét nghiệm, mỗi đơn vị đi làm 2 người; còn lại Khoa nội, Khoa sản, Liên chuyên khoa và phòng mổ chỉ 1 người đến trực.
Trước thông báo này, nhiều cán bộ, nhân viên vẫn đến BV làm việc ngày 3/8, Ban giám đốc lại tiếp tục ban hành Thông báo số 58 với nội dung: Một số cá nhân, khoa, phòng đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Ban giám đốc tại thông báo ngày 31/7, vẫn đi làm đầy đủ dù lượng bệnh nhân đến rất ít. “BV sẽ không thanh toán lương cho những nhân viên đi làm quá thời gian quy định”, thông báo nêu rõ. Trước đó, ngày 3/5/2018, Ban giám đốc cũng đã có thông báo tạm dừng trực ngoài giờ đối với Khoa Chống nhiễm khuẩn; trực bán trú (đến làm việc khi có bệnh nhân) đối với Phòng mổ, bác sĩ Sản khoa và lái xe cấp cứu. Khoa Liên chuyên khoa và Khoa Đông y không thực hiện trực đêm, nếu có bệnh nhân đến thì chuyển sang Khoa Nội.
Thiên Thảo - Việt Anh