(Conganghean.vn)-Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hàng trăm cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động không phép. Chế tài xử phạt thấp, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng các cơ sở y, dược tư nhân hoạt động không phép như hiện nay.
Nhiều sai phạm
Theo số liệu quản lý của Sở Y tế Nghệ An, tính đến tháng 7/2018, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 2.500 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đang hoạt động. Trong đó, gồm 12 bệnh viện, hơn 400 cơ sở khám, chữa bệnh và trên 2.000 nhà thuốc. Hoạt động hành nghề y, dược tư nhân tại Nghệ An đang phát triển nhanh, chỉ đứng sau 2 thành phố lớn trong cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh những mặt ưu việt, sự tăng trưởng nhanh về số lượng đã gây ra không ít khó khăn nhất định cho cơ quan chức năng về mặt quản lý Nhà nước. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hoạt động của y, dược tư nhân trên địa bàn Nghệ An đã bộc lộ những sai phạm. Ngoài một số tình trạng chung như hành nghề vượt quá phạm vi cho phép; quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn; người hành nghề ghi chưa đúng chức danh; niêm yết giá thuốc không đúng… Còn có những sai phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ việc bà Đinh Thị Thanh (SN 1966) trú tại bản Ban 2, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu phá thai cho chị Vi Thị Khuyên (SN 1988) trú tại bản Đôm 2, xã Châu Phong vào ngày 12/3/2018 bằng cách đặt vào tử cung 2/3 chiều dài của 1 dụng cụ thông tiểu, không bơm nước, không bơm hơi kết hợp uống nước lá rau ngót. Sau khi được phá thai, chị Khuyên xuất hiện nhiều trạng thái sức khỏe xấu, nguy kịch, mặc dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng thai phụ này đã qua đời sau đó 3 ngày. Sau khi chị Khuyên tử vong, UBND huyện Quỳ Châu và Sở Y tế Nghệ An lần lượt thành lập 2 đoàn công tác điều tra, xác minh và làm rõ sự việc. Kết luận cho thấy, bà Đinh Thị Thanh chỉ học hết lớp 7/10, không có bất kỳ một bằng cấp hoặc chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh nào. Trước đây, bà Thanh đã từng phá thai cho bản thân và vài người khác bằng cách tương tự. Với những sai phạm này, UBND huyện Quỳ Châu đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Thanh số tiền 50 triệu đồng về hành vi “Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động” được quy định tại điểm a, mục 6, điều 29, Nghị định 176/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Ông Dương Đình Chỉnh, quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An kiểm tra cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn - Ảnh: Từ Thành |
Chế tài chưa đủ sức răn đe
Thực hiện Chỉ thị số 03 ngày 29/1/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ ngày 6/4 - 5/6/2018, Đoàn thanh tra của Sở Y tế đã thanh, kiểm tra tại 31 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn toàn tỉnh và đã tiến hành xử phạt 16 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 376 triệu đồng. Trong đó, có 4 cơ sở hành nghề không phép, bao gồm: Phòng khám nội khoa Trung Hoa, xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu); Phòng khám nha khoa Trung Kiên và Phòng khám nha khoa Phú Xuân Lộc, cùng địa chỉ tại thị trấn Đô Lương (Đô Lương) và Phòng khám nha khoa Việt Mỹ tại TX Hoàng Mai. Đoàn kiểm tra cũng đã trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt mỗi cơ sở 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của các cơ sở nói trên. Cũng trong thời gian này, đoàn thanh, kiểm tra của các huyện, thành, thị trong tỉnh cũng đã tiến hành xử phạt 102 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 470 triệu đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 4/2018, thông qua kiểm tra hoạt động của y, dược tư nhân trên địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và TX Hoàng Mai, đã phát hiện và đình chỉ 101 cơ sở không phép. Trong đó, huyện Nghi Lộc có 83 cơ sở, TX Hoàng Mai có 7 cơ sở, huyện Diễn Châu có 5 cơ sở và TP Vinh có 6 cơ sở. DSCK1 Lê Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Nghệ An cho biết thêm: Trước thời điểm Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 29/1/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập ra đời, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tới 685 cơ sở hành nghề không phép. Sau một thời gian quyết liệt vào cuộc, tính đến ngày 15/6/2018, tổng số cơ sở không phép trên địa bàn toàn tỉnh còn lại là 156 cơ sở.
Nhà thuốc Đức Phúc tại đường Đào Tấn (TP Vinh) bị đình chỉ hoạt động |
Cùng với việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, với mục tiêu không để tình trạng hành nghề y, dược không phép xảy ra trên địa bàn, Sở Y tế Nghệ An đã tăng cường xét cấp chứng chỉ hành nghề, từ tần suất 1 lần/tháng trước đây lên 2 lần/tháng, cập nhật lên cổng thông tin Sở Y tế và sắp tới, có thể nâng lên 3 lần/tháng để cấp phép cho các cơ sở hành nghề y dược tư nhân.
Theo nhiều chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến các cơ sở hành nghề y dược tư nhân xảy ra nhiều sai phạm là do các chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe nên nhiều phòng khám sẵn sàng nộp phạt, sau đó tiếp tục lén lút hoạt động trở lại. Ngoài ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ đã tạo kẽ hở cho các cơ sở tư nhân hoạt động không phép. Tại Kỳ họp thứ 6 đại biểu HĐND tỉnh vừa qua, vấn đề quản lý hành nghề y, dược tư nhân cũng là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của đại biểu và dư luận. Ông Dương Đình Chỉnh, quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng thừa nhận, hoạt động hành nghề y, dược tư nhân vẫn tiềm ẩn nhiều cái “lo”, đồng thời chỉ ra những bất cập trong hoạt động hành nghề y, dược tư nhân hiện nay và cho rằng, đây là những bức xúc chung của cả nước, chứ không riêng gì Nghệ An. Những bất cập này dẫn đến chất lượng y tế không đảm bảo, tạo dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Mặc dù thời gian qua, Nghệ An là một trong những tỉnh làm quyết liệt nhất cả nước về công tác siết chặt quản lý hành nghề y, dược tư nhân, tuy vậy, theo người đứng đầu ngành Y tế Nghệ An thì: “Hoạt động hành nghề y, dược tư nhân thời gian tới dự kiến còn tiếp tục mở rộng, phát sinh nhiều bất cập hơn, nên đặt ra yêu cầu cần tiến hành thường xuyên và đồng bộ hơn công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực này”.
.