Pháp luật
Cần giải pháp hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo sai
09:58, 11/07/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) của công dân đã được các cấp, ngành chức năng quan tâm thực hiện và đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, tỉ lệ KN,TC sai vẫn còn nhiều, gây ảnh hưởng xấu đến mọi mặt đời sống xã hội.
6 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết được 70/74 vụ việc tố cáo phát sinh thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 94,6%. Đáng lưu tâm, số vụ việc tố cáo sai là 43/70 vụ việc, chiếm tới 61,4%; số vụ việc tố cáo có đúng, có sai là 20/70 vụ việc, chiếm 28,6%. Trong khi đó, số vụ việc tố cáo đúng là 7/70 vụ việc, chỉ chiếm 10%. Đối với các vụ việc khiếu nại, toàn tỉnh giải quyết được 121/137 vụ việc phát sinh thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 88,3%. Song, cũng như các vụ việc tố cáo, số vụ việc khiếu nại sai là 74/121 vụ việc, chiếm tới 61,2%, số vụ việc khiếu nại có đúng, có sai là 35/121 vụ việc, chiếm 28,9% và số vụ việc khiếu nại đúng là 12/121 vụ việc, chỉ chiếm 9,9%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cố hữu” trên, theo Thanh tra tỉnh là do chính sách pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo sai; dẫn tới cơ quan chức năng không có căn cứ chế tài xử lý. Những con số trên phản ánh thực tế, nhận thức, hiểu biết pháp luật của nhiều người dân về quyền và nghĩa vụ của người KN,TC còn hạn chế. Nhiều đơn thư có nội dung không rõ ràng hoặc trình bày không đúng nội dung yêu cầu giải quyết; đặc biệt có một số trường hợp nội dung đơn thư đã được các cấp, ngành giải quyết, trả lời đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình tiếp tục khiếu nại để làm phức tạp tình hình. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường hợp cố tình KN,TC sai xuất phát từ mục đích, ý đồ cá nhân…
Đối thoại giữa Chủ tịch HĐND, UBND xã với người dân xã Hưng Lộc, TP Vinh |
Trên thực tế, việc người dân KN,TC sai không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền của, công sức của các cấp, ngành liên quan mà còn tác động không nhỏ đến uy tín, danh dự của một số tổ chức, cá nhân là nạn nhân và cả của chính người KN,TC. Xuất phát từ thực trạng trên, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến KN,TC. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở cần chú trọng tới việc củng cố đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên nhằm góp phần xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm tình trạng KN,TC sai xuất phát từ ý đồ, động cơ xấu… Một giải pháp mấu chốt khác là phải kiên trì đối thoại từ cơ sở đến huyện, tỉnh. Bên cạnh việc công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết vụ việc, cần phải nắm rõ bản chất vụ việc để đối thoại với người KN,TC.
Bên cạnh tình trạng số vụ KN,TC sai còn chiếm tỉ lệ cao, 6 tháng đầu năm ghi nhận một tín hiệu tích cực trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư trên địa bàn tỉnh là số lượt công dân và số lượng đơn thư giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 6 tháng, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp 3.423 lượt công dân đến KN,TC và kiến nghị, phản ánh, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số đơn thư KN,TC, kiến nghị phản ánh, tranh chấp đất đai phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm là 3.937 đơn, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, gồm khiếu nại 425 đơn, giảm 3,2%; tố cáo 315 đơn, giảm 6,5%; kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai 3.197 đơn, giảm 6,1%. Qua công tác giải quyết KN,TC, các cơ quan chức năng đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi vào ngân sách Nhà nước 4.305,49 triệu đồng, trả lại cho công dân 3,38 triệu đồng; đồng thời, đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính đối với 14 cá nhân có sai phạm, đã xử lý 8 cá nhân, bảo vệ quyền lợi cho 58 người.
Quyền KN,TC của công dân đã được pháp luật quy định rõ ràng; việc công dân tham gia KN,TC với nội dung đúng sẽ góp phần phòng, chống các hiện tượng tiêu cực, qua đó thúc đẩy xã hội phát triển. Trước tình trạng số vụ việc KN,TC chiếm tỉ lệ cao, tại Hội nghị về giải quyết KN,TC diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh chỉ đạo, mọi KN,TC phải được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo hợp lý, hợp tình trên cơ sở đối thoại, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân để tránh làm phát sinh “điểm nóng”.
Để nâng cao hiệu quả giải quyết KN,TC, Thủ tướng cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương không khoán trắng việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại cho lực lượng thanh tra, phòng tiếp dân. Yêu cầu đó xuất phát từ thực tế tính chất các vụ việc KN,TC có xu hướng ngày càng phức tạp do tác động của quá trình phát triển KT-XH. Bởi vậy, công tác giải quyết KN,TC rất cần sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân nhằm góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn; đồng thời, nâng cao mức độ tín nhiệm của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền, tiến tới xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thùy Dương