Pháp luật
Tiếp tục khởi tố, điều tra xử lý nhiều đối tượng kích động gây rối, phá hoại tài sản
Các đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Văn Khánh (31 tuổi), Nguyễn Sinh (31 tuổi), Chung Kim Thành (45 tuổi), Trần Văn Công (27 tuổi), Nguyễn Tấn Thông (38 tuổi), Trần Thế Nghĩa (34 tuổi) và Nguyễn Quốc Huệ (25 tuổi) cùng ở Bình Thuận.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được và qua lời khai nhận tội của các đối tượng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận xác định, Nguyễn Văn Khánh là đối tượng hô hào, la hét nhằm kích động người khác gây rối và cùng một số người xô đẩy, giật ngã cổng ra vào của trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, ném đá, ném “bom xăng” vào cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại đây.
Đối tượng Trần Thế Nghĩa khai nhận: sau khi xem trên facebook có tụ tập đông người tại UBND tỉnh đã đến xem và do quá khích nên cũng tham gia lấy mảnh vỡ của chậu kiểng ném vào bên trong trụ sở UBND tỉnh và CBCS Công an. Còn đối tượng Trần Văn Công tham gia gây rối từ buổi chiều và tập trung tại khu vực trụ UBND tỉnh, đã thực hiện các hành vi xô, đẩy, giật ngã cổng ra vào của trụ sở UBND tỉnh và dùng đá ném vào bên trong trụ sở. Đối tượng Chung Kim Thành cũng thừa nhận do quá khích nên đã cùng một số đối tượng hô hào, xô đẩy và giật ngã cổng trụ sở UBND tỉnh.
Các đối tượng Nguyễn Sinh, Nguyễn Tấn Thông khai do bị đối tượng khác kích động nên đã thực hiện hành vi ném gạch đá vào CBCS Công an đang làm nhiệm vụ. Riêng trường hợp đối tượng Nguyễn Quốc Huệ đã cầm biểu ngữ hô hào, kích động gây rối và dẫn đoàn người đi từ khu vực ngã 7 đến phía trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận và cùng các đối tượng khác hô hào, kích động gây rối…
Hiện trường vụ gây rối tại khu vực trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. |
Như vậy, trong vụ các đối tượng kích động gây rối gây hậu quả nghiêm trọng tại khu vực trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận vào ngày 10 và 11-6 vừa qua, đến nay, đã có 22 đối tượng bị khởi tố để điều tra làm rõ và xử lý trước pháp luật. Trong đó Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết khởi tố 7 đối tượng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố 15 đối tượng.
Sau khi khởi tố bị can, cơ quan CSĐT đã thực hiện lệnh tạm giam các đối tượng nói trên để điều tra làm rõ tính chất của từng đối tượng và mở rộng điều tra. Được biết, tại cơ quan Công an, nhiều đối tượng đã thừa nhận thực hiện các hành vi vi phạm và tỏ ra ăn năn hối hận vì đã gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Ngày 22-6, Công an huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã bước đầu điều tra làm rõ vụ ngừng việc tập thể tại hai công ty có vốn đầu tư nước ngoài, do một số đối tượng lợi dụng lòng yêu nước kích động, kêu gọi gây rối ANTT.
Cụ thể, vào khoảng 8h ngày 12-6, tại Công ty TNHH Pou Hung, 100% vốn đầu tư nước ngoài, Khu công nghiệp Chà Là, xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu) và Công ty TNHH Cansports, 100% vốn đầu tư nước ngoài tại ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu) xảy ra ngừng việc tập thể với số lượng khoảng hơn 21.000 công nhân lấy lý do ngừng việc là do phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và phản ứng cách tính lương của công ty.
Công an huyện Dương Minh Châu đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể tích cực vận động tuyên truyền công nhân chấp hành đúng quy định của pháp luật bằng hình thức tổ chức phát thanh bài viết tuyên truyền qua loa di động, loa tay và loa phát thanh nội bộ tại hai công ty trên. Đồng thời, Công an huyện Dương Minh Châu phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Tây Ninh và chính quyền địa phương triển khai lực lượng đảm bảo ANTT.
Qua tiến hành các biện pháp điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh và Công an huyện Dương Minh Châu đã phát hiện 10 đối tượng kích động công nhân nghỉ việc. Trong đó, cơ quan Công an xác định được 7 đối tượng chính.
Cụ thể, Nguyễn Thị Loan (43 tuổi, ngụ huyện Tân Châu, Tây Ninh), công nhân Công ty Pou Hung kích động công nhân ngừng việc và cầm cờ Tổ quốc tuần hành vào ngày 11-6; Huỳnh Thị Bảy (35 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu), công nhân Công ty Pou Hung đi theo đoàn gây rối và có lời nói, hành động kích động các công nhân khác; Nguyễn Văn Hùng (25 tuổi, công nhân điện lạnh công ty) kích động công nhân gây rối và Trần Thị Kim Bạch (24 tuổi, công nhân Công ty Pou Hung) cầm đầu đoàn người gây rối ngày 11-6…
Khoảng 14h ngày 11-6, có khoảng 1.300 công nhân đến Công ty Pou Hung làm việc ca 2 (14h đến 22h) nhưng số công nhân này chỉ vào công ty quẹt thẻ chấm công rồi bỏ về, còn khoảng 200 công nhân ở lại làm việc. Do không đủ công nhân ở chuyền sản xuất nên công ty cũng cho số công nhân này ra về.
Riêng đối với Công ty TNHH Cansports Việt Nam vào khoảng 14h30 cùng ngày, có khoảng 350 công nhân vào quẹt thẻ chấm công rồi cũng tự ý bỏ về giống Công ty Pou Hung nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Công an huyện Dương Minh Châu đang làm rõ hành vi của một số đối tượng lợi dụng đoàn người để tấn công một công nhân khác gây thương tích vì mâu thuẫn cá nhân.
Công an huyện Dương Minh Châu đã giáo dục, tuyên truyền và yêu cầu các đối tượng không tái phạm. Cơ quan Công an cũng đã làm việc với nhiều đối tượng khác được xác định có hành vi kích động, lôi kéo công nhân nghỉ việc tập thể; mua cờ phân phát cho công nhân ra đường tuần hành. Họ đều thừa nhận lỗi về những hành vi sai trái của mình. Do không am hiểu pháp luật, các đối tượng đã truy cập vào một số trang mạng phản động và bị kích động, lôi kéo kêu gọi công nhân nghỉ việc, tuần hành. Các đối tượng cảm thấy hối hận và có lỗi với công ty, các công nhân khác, vì gây cho mọi người phải ngưng làm việc.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ra thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh: Quốc hội và Chính phủ đã có thông báo tạm dừng việc thông qua Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, mọi người đừng để kẻ xấu lợi dụng kích động, phá rối an ninh trật tự, vi phạm pháp luật. Nhưng các phần tử phản động, quá khích vẫn cố tình muốn hướng dư luận theo mục đích xấu, cản trở sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, Công an Tây Ninh và chính quyền các cấp đã chủ động, kịp thời ngăn chặn các hành vi quá khích, sớm ổn định tình hình.
Luật An ninh mạng góp phần bảo đảm an toàn an ninh mạng để phát triển kinh tế-xã hội Ông Phạm Thái Bình, Công ty Savills Việt Nam cho biết: Năm ngoái, tăng trưởng trong giao dịch thương mại điện tử trong nước đã đạt con số 25% và trong 4 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán có thể đạt mức 10 tỷ USD. Ngoài Amazon, một thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến toàn cầu mới gia nhập thị trường vào đầu năm nay, thị trường thương mại điện tử trong nước đang có những trang mua sắm chuyên nghiệp như Lazada, Thegioididong, Sendo, Shopee, Tiki… đồng thời, lĩnh vực mua bán trực tuyến còn có sự tham gia của đông đảo người bán hàng online qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… Do đó, càng cần thiết phải có chế tài chặt chẽ để bảo đảm an toàn, hiệu quả cho các hoạt động giao dịch kinh tế trên mạng của tổ chức, cá nhân. Để tạo khung pháp lý đối với lĩnh vực này, ngoài Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua đã có chế tài về sử dụng không gian mạng, nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử, thúc đẩy hoạt động mua, bán trực tuyến phát triển nhanh hơn trong thời đại 4.0 hiện nay. |
Nguồn: Báo CAND