Cướp giật đã thật sự trở thành vấn nạn ở TP Hồ Chí Minh từ rất lâu, trong rất nhiều trường hợp, nạn nhân không chỉ mất tài sản mà còn bị đe dọa đến tính mạng khi gặp phải kẻ cướp hung tợn.
Công an TP Hồ Chí Minh với vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng chống tội phạm đã áp dụng rất nhiều biện pháp để phòng chống cướp giật nhưng diễn biến về số vụ cướp giật vẫn phức tạp.
Một trong những nguyên nhân chính là có đến 70% đối tượng gây án là con nghiện nhưng do vướng luật không thể đưa hết số lượng con nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nên việc kéo giảm cướp giật đã vượt quá tầm tay...
Khoảng 10 năm trở về trước khu vực được xem là “mảnh đất màu mỡ” của bọn cướp giật tập trung ở các quận 5,6,11, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân và Tân Bình. Lý do là ở những địa bàn này tập trung đông đảo dân nhập cư (có phường số lượng dân nhập cư chiếm đến 2/3 số dân) với đủ mọi thành phần phức tạp như nghiện ma túy, sống lang thang, gái mại dâm…
Đặc biệt là hệ thống đường sá theo kiểu bàn cờ đan xen chằng chịt đã tạo điều kiện cho kẻ cướp dễ dàng tẩu thoát. Còn hiện nay, cướp giật có mặt ở nhiều nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, phương thức gây án chủ yếu của bọn cướp giật là dùng xe gắn máy làm phương tiện đi giật tài sản của người đi đường, hoặc những trường hợp đứng ở lề đường, trước nhà (chiếm trên 88%); thời gian gây án từ 8-22h (chiếm trên 80%), riêng quận 1 xảy ra rải rác trong các khung giờ.
Băng cướp Hùng “cầy” bị bắt giữ cùng tang vật. |
Đối tượng mà bọn cướp nhắm đến hầu hết là phụ nữ, tài sản bị cướp nhiều nhất là túi xách, kế đến là điện thoại, đồ trang sức. Không chỉ có chạy xe trên đường, cướp giật hiện nay nhắm nhiều đến người đi bộ có đeo dây chuyền mang túi xách.
Trong trường hợp này thì đàn ông hay phụ nữ cũng có thể là nạn nhân. Ông N.T.L. (ngụ quận Tân Bình) vừa bước xuống taxi trên đường Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình thì có 2 đối tượng đi xe tay ga áp sát, tên ngồi sau giật túi xách (bên trong có 4.000 USD, 2 điện thoại di động và nhiều giấy tờ quan trọng) mà ông L. đeo hờ trên vai rồi tăng ga tẩu thoát.
Sự việc diễn ra chỉ vài giây nên ông L. không kịp nhận dạng cũng như nhìn biển số xe của 2 tên cướp. Ngoài chạy xe cướp giật trên đường, có hơn 10% đối tượng cướp giật… đi bộ, tất nhiên có đồng bọn nổ máy xe đứng chờ sẵn.
Còn về thủ đoạn gây án, trước đây các tên cướp giật thường đi 2 tên trên một xe máy dạo quanh các tuyến đường để tìm con mồi, thấy thuận lợi thì ra tay cướp.
Còn nay, chúng hoạt động chuyên nghiệp và tinh vi hơn, có tổ chức, có theo dõi nạn nhân và sử dụng nhiều chiêu trò khiến cho nạn nhân hoàn toàn bất ngờ và bất lực. Khi phát hiện nạn nhân có đeo túi xách, tiền để trong người, chúng cho xe cản đầu xe nạn nhân để dàn cảnh một vụ đụng xe làm nạn nhân mất cảnh giác để đồng bọn từ phía sau móc túi, cướp giật túi xách của nạn nhân rồi tẩu thoát.
Ngoài ra, các đối tượng còn theo những người vừa rút tiền tại các ngân hàng, cây ATM rồi âm thầm bám theo đến địa điểm thuận lợi thì tăng tốc kè sát nạn nhân cướp tài sản. Nếu bị truy đuổi, đồng bọn phía sau với vai trò “cản địa”, gây khó khăn cho người truy bắt.
Có trường hợp đối tượng còn giả hỏi han nạn nhân nhằm kéo dài thời gian và làm mất tập trung của nạn nhân trong việc tri hô người đi đường hỗ trợ. Bên cạnh thủ đoạn trên, một thủ đoạn khác cũng phổ biến hiện nay là kẻ cướp giả hỏi đường hoặc làm quen để đồng bọn từ phía sau băng lên cướp giật tài sản.
Do phần lớn các đối tượng cướp giật là con nghiện nên chúng rất manh động, sẵn sàng chống cự đến cùng khi bị truy bắt. Khoảng 21h ngày 28-5-2018, anh Dương Minh Quang (ngụ Lâm Đồng), Bùi Văn Tiến (Bình Phước) và Nguyễn Sơn Tùng (quê Bình Định) đi trên đường Tô Ngọc Vân (Thủ Đức) thì bị Trần Ngọc Danh (22 tuổi), Lê Minh Vũ Nghĩa (20 tuổi; cùng ngụ An Giang) áp sát giật điện thoại iphone 8 của anh Tùng. Ba người này lập tức đuổi theo đến ngã ba Kha Vạn Cân - Hoàng Diệu 2 (phường Linh Chiểu, Thủ Đức) thì bắt kịp.
Nghĩa rút dao trong người đâm loạn xạ làm anh Quang và anh Tùng bị thương, nhưng được sự hỗ trợ từ người đi đường, hai tên cướp đã bị bắt sau đó.
Một vụ khác, vào khoảng 4h ngày 11-3-2018, Nguyễn Thành Công (tự Tý, 32 tuổi) chở Phạm Công Bá Chủ (21 tuổi), cùng ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, bằng xe Honda Wave rảo qua nhiều tuyến đường để tìm con mồi.
Khi đến trước nhà số 54, Dương Đức Hiền, phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) chúng phát hiện chị Huỳnh Bảo Uyên (24 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) vừa chạy xe vừa nghe ĐTDĐ hiệu Samsung. Tên Công áp sát xe chị Uyên để Chủ giật ĐTDĐ rồi tẩu thoát.
Tiếp nhận vụ việc, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam tiến hành rà soát, khoanh vùng các đối tượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ phối hợp, chỉ 1 giờ sau kể từ thời điểm gây án, tổ công tác xác định được 2 đối tượng đang trên đường tiêu thụ tài sản vừa cướp giật được nên tổ chức vây bắt.
Khi phát hiện các trinh sát, 2 đối tượng tẩu thoát với tốc độ kinh hoàng, các trinh sát lập tức truy đuổi qua nhiều tuyến đường. Hai đối tượng này liên tục ép, đạp vào xe trinh sát; tên ngồi sau rút dao đe dọa sẵn sàng chống đối tới cùng.
Sau gần 10km truy đuổi, đến trước số 59B Kênh Tân Hoá, phường Tân Thới Hoà, quận Tân Phú tổ công tác khống chế được 2 đối tượng cùng tang vật. Khám xét người và phương tiện của đối tượng đã thu thêm 1 bịch ma tuý đá mà chúng vừa mua để sử dụng và bộ đồ nghề dùng để bẻ khóa xe gắn máy…
Về các băng cướp giật táo tợn bị bắt trong thời gian vừa qua nổi đình nổi đám hơn cả là băng cướp do Hùng “cầy” (tức Lương Minh Hùng, 26 tuổi; ngụ quận Bình Tân) cầm đầu hoạt động cướp giật tài sản liên tỉnh.
Hùng “cầy” là “đại ca” của nhóm cướp hơn chục tên, trong đó Nguyễn Võ Bảo Đạt (24 tuổi, ngụ quận 8) và Trương Quốc Bảo (18 tuổi, ngụ quận Tân Bình) là đàn em thân tín nhất. Bọn cướp chỉ hoạt động từ 22h trở đi, còn ban ngày chúng ăn chơi sa đọa, hút ma túy đá.
Chúng chuyên sử dụng xe phân khối lớn, chạy với tốc độ kinh hoàng mỗi khi thực hiện xong hành vi phạm tội. Dã man hơn, mỗi lần cướp xong là chúng đạp ngã nạn nhân xuống đường, nhiều người bị thương tích nặng.
Cách đây không lâu, khi nhóm cướp kể trên đang chơi ma túy trong một điểm karaoke trên đường Tên Lửa, quận Bình Tân thì bị các trinh sát bắt giữ. Các đối tượng lần lượt khai gây ra gần 50 vụ cướp giật trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Một số kỹ năng đối phó cướp giật
Cơ quan Công an các cấp khuyến cáo người dân khi lưu thông trên đường không nên đeo trang sức. Nếu có đeo dây chuyền thì cần mặc áo kín cổ, đeo lắc vàng thì áo kín tay.
Còn nghe điện thoại di động nhất thiết phải dừng xe tấp vào lề và cảnh giác xung quanh. Đối với túi xách, tuyệt đối không móc ở hai bên xe hoặc đeo trên vai vì như vậy khi bị giật có thể gây tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng.
Còn đối với người đi bộ có đeo túi xách trên vai khi bị giật nạn nhân thường lao theo cướp để giành lại túi. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của võ sư Lê Hoàng Mai, trưởng bộ môn Akido- Cung văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh, cách phản xạ ấy sẽ làm nạn nhân bị té ngã và không giữ được túi xách. Nạn nhân chỉ cần ngồi xuống, khi đó sẽ làm thay đổi trọng tâm khiến tên cướp mất thăng bằng, té ngã.
Còn nghe điện thoại khi dừng xe ở lề đường, đang đi bộ, ngồi quán cóc vỉa hè… nên cầm điện thoại chặt, ngón trỏ gá vào phía trên cùng của điện thoại. Khi bị giật nạn nhận chỉ cần thả lỏng tay xuống là có thể bảo vệ được tài sản.
.