Pháp luật
Nhìn lại tháng cao điểm đấu tranh với thực phẩm bẩn
(Congannghean.vn)-Chân gà, sứa biển, măng, thịt lợn, giò chả… đã trở thành món ăn quen thuộc từ nhà hàng, quán ăn đến mâm cơm của mỗi gia đình, tuy nhiên, không ai dám chắc chắn đó là thực phẩm sạch. Chỉ tính riêng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15/4 -15/5/2018), Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện hơn 200 vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn. Điều đó cho thấy, cuộc đấu tranh với thực phẩm bẩn luôn nóng bỏng, phức tạp.
Lực lượng chức năng kiểm tra số thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ |
Để thực hiện tốt công tác đấu tranh với thực phẩm bẩn, Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn thanh tra theo Quyết định số 1352/QĐ-UBND ngày 11/4/2018, về thanh tra chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2018. Đoàn thanh tra gồm CSMT, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản, Chi cục Quản lý thị trường… đã kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 212 vụ việc, 212 đối tượng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tổng mức tiền phạt là 570.350.000 đồng. Trong số hàng trăm vụ việc trên, nhiều vụ liên quan đến thực phẩm ngâm tẩm hóa chất như măng, sứa, thịt lợn, cafê…
Điển hình, lực lượng CSMT Công an tỉnh phát hiện, thu giữ 18 tấn măng ngâm hóa chất tại cơ sở chế biến của anh Hồ Khắc Ngọc Tân ở khối Tân Hòa, phường Vinh Tân, TP Vinh. Kết quả giám định cho thấy, hóa chất mà chủ cơ sở sử dụng là Sodium Hydrosulfite - hóa chất công nghiệp được sử dụng để dệt nhuộm, tẩy trắng bột giấy, đất sét cao lanh, chất khử trong tổng hợp hữu cơ. Sau khi sử dụng hóa chất này sẽ giúp măng ố vàng thành măng trắng. Phát hiện 3,6 tấn sứa biển được chủ cơ sở Nguyễn Thị Nga (SN 1965) trú tại xóm 4, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu dùng phèn chua để ngâm tẩm, giúp sứa cứng và bảo quản lâu hơn. Theo chủ cơ sở, toàn bộ hóa chất được thương lái Trung Quốc cung cấp và hướng dẫn cách sử dụng.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện hàng chục vụ vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn TP Vinh và một số huyện. Điển hình, ngày 20/4/2018, tại xóm 3, xã Nghi Phú, TP Vinh, Đội CSMT Công an TP Vinh phá thành công Chuyên án 418M về hành vi kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ hàng là bà Võ Thị Tú (SN 1983) trú tại xóm 7, xã Nghi Phú. Tang vật thu giữ gồm 5.000 kg da, mỡ lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sau đó 1 tuần, trên tuyến đường tránh TP Vinh đoạn thuộc xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, Phòng CSMT Công an tỉnh phối hợp với Đội CSGT Công an huyện Hưng Nguyên tiến hành kiểm tra xe ôtô BKS UJ-3556, do Lê Hồng Toản (SN 1982) trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, làm chủ, trên xe vận chuyển 114 kg chân gà, 291 kg sụn gà từ Lào về Nghệ An tiêu thụ không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Theo ông Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế Nghệ An cho biết, một số hóa chất công nghiệp, y tế được sử dụng để chế biến, bảo quản thực phẩm như vàng ô, hàn the… khi người tiêu dùng hít thở, tiếp xúc sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp, khi ăn sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, về lâu dài dễ gây ung thư đối với người tiêu dùng.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các chủ cơ sở kinh doanh, chế biển thực phẩm, nhưng tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp. Để cuộc đấu tranh với thực phẩm bẩn đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, mỗi người tiêu dùng cần tự nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Đức Vũ