Pháp luật

Đưa pháp luật đến với người lao động

09:16, 27/05/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong khi tình trạng vi phạm pháp luật lao động và các chế độ, chính sách của người lao động (NLĐ) vẫn diễn ra phổ biến, việc bảo vệ quyền lợi NLĐ thông qua tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho NLĐ luôn là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. 
 
Hiểu luật để tránh thiệt thòi
 
Chị Nguyễn Thị Lan trú tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu có thâm niên công tác hơn 5 năm tại 1 doanh nghiệp kinh doanh bao bì trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngày 30/4/2017, chị Lan bị gãy tay do tai nạn giao thông phải nghỉ điều trị bệnh 2 tháng tại bệnh viện. Hết hạn nghỉ theo chỉ định của bác sĩ, chị Lan xin nghỉ thêm 1 tháng để dưỡng sức và được công ty đồng ý. Đến khi chị đảm bảo sức khoẻ và đi làm lại thì công ty lấy lý do vì nhiều hàng không thể chờ đợi được nên thông báo chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với chị. Chị Lan không được thanh toán bất cứ một khoản gì ngoài tiền viện phí và bồi thường thương tật theo thỏa thuận với bên gây ra tai nạn. 
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tư vấn về chính sách pháp luật  cho người lao động ở Nông trường Cờ Đỏ (Nghĩa Đàn)
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tư vấn về chính sách pháp luật cho người lao động ở Nông trường Cờ Đỏ (Nghĩa Đàn)
Do không hiểu rõ quyền lợi mình được hưởng nên chị Lan không thắc mắc gì. Chỉ đến khi liên hệ với Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh, mới “vỡ lẽ” rằng, khi NLĐ đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên và chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng phụ cấp lương (nếu có). Ngoài ra, NLĐ còn được nhận các khoản tiền khác như: Tiền những ngày nghỉ phép hàng năm (nếu còn) mà trong thời gian làm việc chưa nghỉ; các khoản trợ cấp hoặc các quyền lợi vật chất khác quy định tại Thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp (nếu có); được nhận sổ lao động, sổ BHXH và hưởng quyền lợi về BHXH theo quy định của Nhà nước. 
 
Sau khi nắm được quy định này, chị Lan đã trở lại yêu cầu doanh nghiệp cũ thanh toán các khoản trên và được doanh nghiệp thanh toán đầy đủ. 
 
Dẫu sao, chị Lan vẫn may mắn khi đã đòi lại được quyền lợi của mình. Trong nhiều trường hợp khác, vì không nắm rõ quy định của pháp luật, NLĐ có thể mất trắng quyền lợi. Như trường hợp của 4 lao động làm việc tại Đài TT-TH huyện Quỳ Hợp gồm: Nguyễn Thị Hợp (SN 1984), Phan Thị Giang (SN 1986), Hồ Thị Nguyệt (SN 1986) và Cao Thị Trâm Anh (SN 1986), được Đài PT-TH tỉnh Nghệ An ký hợp HĐLĐ không xác định thời hạn, với chức danh phóng viên, làm việc tại Đài TT-TH huyện Quỳ Hợp. Đến tháng 11/2011, các đài TT-TH huyện, thành, thị được tách khỏi Đài PT-TH tỉnh, chuyển giao cho UBND các huyện, thành, thị quản lý theo Quyết định số 2456/QĐ-UBND-VX của UBND tỉnh.
 
4 phóng viên nói trên được Đài này phân công công việc đúng chuyên môn, bởi việc thực hiện chuyển giao đã được nêu rõ: “Tỉnh bàn giao nguyên trạng, huyện tiếp nhận nguyên trạng từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc cũng như nhân sự”. Tuy nhiên, 7 năm qua, cả 4 phóng viên này chỉ được hưởng một mức lương cố định theo hệ số thấp nhất là 2,06 và cao nhất là 2,34 (từ 2,5 - 2,8 triệu đồng người/tháng). Ngày 1/1/2018, cả 4 phóng viên bất ngờ nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng đơn phương từ Đài TT-TH Quỳ Hợp. Hiện, 4 phóng viên đã có đơn đề nghị LĐLĐ tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ sau khi bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ. 
 
Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền
 
Cùng với tư vấn pháp luật, những năm qua, các cấp Công đoàn đặc biệt quan tâm tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho NLĐ, nhất là công nhân trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước nhằm hạn chế tình trạng vi phạm chế độ chính sách đối với NLĐ. Trung tâm đã phối hợp với LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố chủ động thâm nhập vào các khu nhà trọ công nhân để tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật lao động. 
 
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp tổ chức tuyên truyền thành công tại 7 địa điểm ở Nam Đàn, Thái Hoà, Nghi Lộc… Tại đây, những vướng mắc về chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, hợp đồng lao động; những câu hỏi liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của đoàn viên với Công đoàn cơ sở, về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chế độ làm thêm giờ… của NLĐ đều được cán bộ Công đoàn trả lời cặn kẽ. Cũng thông qua đó, cán bộ Công đoàn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu việc thực hiện chế độ, chính sách với NLĐ tại các doanh nghiệp. Những thông tin phản hồi từ phía công nhân là cơ sở rất tốt để LĐLĐ thực hiện điều hành, hướng nghiệp. Hầu hết các công nhân được hỏi đều thích hình thức tư vấn pháp luật lưu động, vì NLĐ có thể mạnh dạn đặt ra những câu hỏi trực tiếp liên quan đến quyền lợi của mình.
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức truyền thông  chính sách pháp luật và phòng, chống tệ nạn xã hội
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức truyền thông chính sách pháp luật và phòng, chống tệ nạn xã hội
Tổ chức các buổi nói chuyện, truyền đạt kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức địa phương, qua đó họ trở thành những tuyên truyền viên phổ biến pháp luật sâu rộng trong cộng đồng dân cư, NLĐ nhập cư và người dân sở tại. Tư vấn pháp luật tại chỗ, qua điện thoại là hình thức tư vấn phổ biến nhất. Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh đã cùng với Uỷ ban kiểm tra, Ban chính sách pháp luật, các cấp Công đoàn tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng các biện pháp tư vấn hoà giải. Đồng thời, hướng dẫn NLĐ, đoàn viên Công đoàn, tổ chức Công đoàn nắm rõ trình tự khởi kiện trong các vụ tranh chấp lao động cá nhân phù hợp với tình hình và đúng với luật định. Trong các vụ khiếu kiện, cán bộ của Trung tâm có thể đứng ở vị trí người đại diện theo uỷ quyền để bảo vệ NLĐ trước toà, hoặc NLĐ có thể gửi đơn lên LĐLĐ tỉnh đề nghị cử cán bộ đại diện bảo vệ quyền lợi cho họ trước toà.
 
Bà Hoàng Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh cho biết: Với quan điểm trước khi tư vấn phải làm hoà giải, quyền lợi của người lao động được đặt lên trên hết, thời gian qua, Trung tâm đã tư vấn, hoà giải thành công một số vụ việc và bảo vệ được quyền lợi cho công nhân. Điển hình: Hỗ trợ bà Đặng Thị Thu khởi kiện Công ty TNHH Strongplus Elevator ra TAND TP Vinh vì lý do bà bị sa thải trái pháp luật; bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Thị Tám, công nhân Doanh nghiệp Tư nhân Phúc Hải vì lý do bà bị sa thải trái pháp luật tại toà án… Để làm được việc đó, cán bộ tư vấn phải có trình độ, kinh nghiệm, phải hiểu được mối quan hệ của NLĐ và chủ sử dụng lao động để tư vấn, hoà giải mà vẫn bảo vệ được quyền lợi NLĐ, giữ được sự ổn định trong doanh nghiệp. Hiện, đơn thư nhờ tư vấn, hoà giải về Trung tâm ngày càng nhiều, chứng tỏ NLĐ thực sự tin tưởng ở tổ chức Công đoàn, tin cách giải quết, tham vấn của các cán bộ nơi đây.
 
Bà Hương cho biết thêm, cái khó hiện nay trong tuyên truyền, phổ biến và tư vấn là số lượng tổ chức Công đoàn cơ sở doanh nghiệp tư nhân rất thấp, nên tuyên truyền chưa thể đến hết với các đối tượng công nhân; lực lượng thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật mỏng, nên không thể kiểm tra hết các đơn vị, doanh nghiệp để phát hiện sai phạm và kịp thời bảo vệ quyền lợi NLĐ. Vì vậy, việc tuyên truyền, tư vấn cho công nhân hiểu biết kiến thức pháp luật, tự bảo vệ mình và chấp hành tốt quy định lao động là hết sức cần thiết. Việc vận động các chủ sử dụng lao động hiểu, phối hợp với các cấp uỷ địa phương, với tổ chức công đoàn tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho NLĐ là rất quan trọng. Thời gian tới, Trung tâm sẽ đa dạng hoá hơn các biện pháp, hình thức tuyên truyền để kiến thức pháp luật có thể đến được tất cả công nhân trên địa bàn tỉnh.

Cao Loan

Các tin khác