Pháp luật
Cần thiết ban hành Luật An ninh mạng
15:30, 29/05/2018 (GMT+7)
Thảo luận tại hội trường sáng 29/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An ninh mạng, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến, khẳng định sự cần thiết ban hành Luật, cũng như nêu ra nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo, nhằm giúp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng.
Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng, bởi nhiều sự kiện trong thời gian gần đây liên quan đến an ninh mạng không chỉ gây ảnh hưởng đến một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của đất nước; nhiều vụ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, lợi ích quốc gia…
Thảo luận về các nội dung cụ thể, các quy định bảo vệ trẻ em trên mạng được khá nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) cho rằng, dự án Luật nên bỏ quy định tại Điều 30 về nội dung này, bởi về cơ bản các nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Trẻ em năm 2016. Nội dung này cũng không thực sự liên quan nhiều đến chủ đề an ninh mạng mà dự án Luật điều chỉnh.
“Việc giữ quy định tại Điều 30 của dự án Luật sẽ tạo ra sự chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, gây chồng lấn về thẩm quyền quản lý Nhà nước giữa các bộ, ngành có liên quan đối với việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, đại biểu nói.
Trong khi đó, các đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lại cho rằng cần có quy định cụ thể về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong dự án Luật. Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng dự án Luật cần quy định về quyền bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của gia đình, người chăm sóc tham gia bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của nhà trường, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ về an ninh mạng trên mạng; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên mạng, cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan bảo vệ an ninh mạng; đồng thời cần có quy định về bổn phận của trẻ em khi tham gia trên không gian mạng.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhận định, hiện tại, hầu hết việc truy cập internet trong gia đình, tại các cơ sở kinh doanh internet không có sự phân biệt là người lớn hay trẻ em. Việc để trẻ em tự do tham gia môi trường mạng, trao đổi thông tin với các đối tượng mà các em không biết, vào các trang web đen, game online với nội dung không phù hợp lứa tuổi, không có sự giám sát của gia đình, thầy cô, sẽ ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, hành động của các em.
“Người lớn có khả năng sử dụng nội dung phù hợp và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, còn trẻ em dù có ở ngoài đời thực hay trong môi trường mạng cũng cần có sự hướng dẫn, bảo vệ của Nhà nước, nhà trường, gia đình. Vì vậy, dự án Luật cần có một nội dung cụ thể về bảo vệ trẻ em trong không gian mạng, để các em có môi trường an toàn, vui chơi phù hợp với lứa tuổi”, đại biểu nói.
Liên quan đến quy định về giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng không nên quy định "cứng" giáo dục an ninh mạng trong môn học chính khóa của nhà trường, vì có thể gây khó khăn cho chủ trương giảm tải chương trình trong trường học phổ thông hiện nay. Việc bổ sung này nếu có cũng sẽ tác động trực tiếp tới việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên, khó có thể bảo đảm được công tác giảng dạy nội dung này, tạo sức ép về nguồn nhân lực, về tài chính cho các nhà trường.
Không đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) khẳng định: Việc giáo dục an ninh mạng là hết sức cần thiết bởi xu hướng phát triển của xã hội ngày càng mạnh, công nghệ thông tin ngày càng ưu việt, nhiều trẻ em sử dụng thiết bị thông minh, smartphone... Vì vậy giáo dục kiến thức an ninh mạng để cảnh giác là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần có quy định rõ về liều lượng, phương pháp phù hợp với từng đối tượng. Ngoài ra, cần có chương trình cập nhật kiến thức cho các đối tượng là cán bộ, công chức để nâng cao cảnh giác về sử dụng an ninh mạng.
Trong phiên thảo luận sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian trao đổi về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; về xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam.
Nguồn: Xuân Tuyến/Chinhphu.vn