Pháp luật

Sản xuất, buôn bán hàng cấm bị phạt tới 100 triệu đồng

08:01, 17/04/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.
 
Cụ thể, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 30 kilôgam đến dưới 40 kilôgam hoặc từ 30 lít đến dưới 40 lít; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.000 bao đến dưới 1.200 bao; buôn bán pháo nổ từ 4 kilôgam đến dưới 5 kilôgam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 40 kilôgam đến dưới 50 kilôgam hoặc từ 40 lít đến dưới 50 lít; Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.200 bao đến dưới 1.500 bao; buôn bán pháo nổ từ 5 kilôgam đến dưới 6 kilôgam; buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 35.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
 
Phạt tiền 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 50 kilôgam trở lên hoặc từ 50 lít trở lên; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên; buôn bán pháo nổ từ 6 kilôgam trở lên..
 
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi sản xuất hàng cấm.
 
Các mức tiền phạt quy định này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với: Người có hành vi vận chuyển hàng cấm; chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm; người có hành vi giao nhận hàng cấm.
 
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng cấm; tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm.
 
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định...

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác