Pháp luật
Cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga khai gì trước tòa?!
Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh . Nguồn: Quốc hội TV
Chiều 10/4, phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga (cựu Chủ tịch HĐQT Housing Group) và 8 bị cáo đồng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phần xét hỏi.
Bán nhà ở khi dự án chưa được phê duyệt
Khi HĐXX xét hỏi, bị cáo Châu Thị Thu Nga khai đã quảng cáo một số dự án nhà ở B5 Cầu Diễn trên trang web của Công ty Housing Group. Việc quảng cáo nhằm tạo cho khách hàng tin tưởng, qua đó đầu tư vào dự án.
Từ lý do trên, tòa cấp sơ thẩm đã quy kết bản thân bà ta chỉ đạo hành vi quảng cáo trên mạng về dự án để lừa đảo là sai bởi đây là dự án hoàn toàn có thật. Ngoài ra, trên trang web của công ty còn có nhiều dự án khác.
Nói về việc dựng mô hình và khoan cọc nhồi lên khu đất dự án B5, cựu Chủ tịch HĐQT Housing Group lý giải luật tư vấn kiến trúc không cấm việc thiết kế mô hình thực tế của các dự án. Do đó, bản án sơ thẩm đã kết luận hành vi dựng mô hình dự án của bị cáo Nga nhằm lừa khách hàng, tạo lòng tin để họ đầu tư.
Giải thích với tòa phúc thẩm, bị cáo Nga trình bày, Công ty Housing Group đã nhiều lần xin các cơ quan chức năng ở Hà Nội phê duyệt thiết kế dự án B5 Cầu Diễn, tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.
Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn truy vấn, dự án chưa được phê duyệt thiết kế nhưng Housing Group đã để khách hàng làm hợp đồng góp vốn, bị cáo có thấy sai không? Đáp lời, bà Nga nói, trong quá trình huy động vốn, Housing Group đã đồng thời hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho dự án.
|
Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên tòa ngày 10/4. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo bản án sơ thẩm, quá trình huy động vốn của khách hàng, bị cáo Nga đã chỉ đạo công ty khoan cọc nhồi tại một số công trình trong dự án nhằm tạo lòng tin với khách hàng, rằng dự án bắt đầu được triển khai. Tại tòa phúc thẩm, cựu Chủ tịch Housing Group khai công ty thực hiện việc đó dựa trên quy định của TP Hà Nội, cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh quy hoạch một phần dự án.
Tiếp đó, nữ bị cáo khai quá trình huy động vốn, nếu khách hàng có nhu cầu xem dự án, họ có thể tham khảo qua hệ thống mô hình ở các sàn giao dịch của Housing Group.
Theo lời bị cáo Nga, tổng vốn đầu tư Housing Group đề xuất cho dự án B5 là hơn 2.300 tỷ đồng. Lúc đó, vốn điều lệ của công ty này chỉ có khoảng 200 tỷ. “Vậy công ty lấy tiền đâu để đầu tư dự án”, chủ tọa thắc mắc.
Trả lời chủ tọa, nữ bị cáo trình bày Housing Group là công ty cổ phần nên việc huy động vốn góp là đúng quy định.
Trước thắc mắc của chủ tọa về việc, khách hàng phản ứng ra sao khi biết dự án chưa được phê duyệt nhưng họ vẫn đồng ý góp cổ phần? Nữ bị cáo khẳng định các khách hàng của bà ta vẫn ký hợp đồng dù biết rõ tình trạng của dự án.
200 bị hại đồng loạt kháng cáo bản án sơ thẩm
Theo bản án sơ thẩm, khu đất B5 Cầu Diễn (Hà Nội) được đề xuất để xây dự án nhà ở tái định cư. Từ 2009 - 2013, dù mảnh đất chưa được cấp phép xây dựng và phê duyệt quy hoạch nhưng bị cáo Nga và đồng phạm vẫn rao bán nhà dựa vào mô hình họ tự lập ra.
Trong 5 năm, các bị cáo đã ký 752 hợp đồng góp vốn trái quy định, thu hơn 377 tỷ đồng của khách hàng với cam kết sẽ bàn giao 752 căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn. Tuy nhiên, đến nay, dự án B5 Cầu Diễn vẫn chưa được cơ quan chức năng thông qua.
Tòa sơ thẩm kết luận bị cáo Nga giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo thuộc cấp ký hợp đồng góp vốn sai quy định. Các bị cáo còn lại dù biết tình trạng pháp lý của dự án nhưng vẫn đồng ý thực hiện theo chỉ đạo.
HĐXX cấp sơ thẩm kết luận cựu đại biểu Quốc hội 53 tuổi đã lừa đảo khách mua nhà, chiếm đoạt gần 350 tỷ đồng. Bà Nga phải bồi thường cho khoảng 500 bị hại số tiền trên 54 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, có 200 bị hại đã đồng loạt kháng cáo bản án sơ thẩm. Họ mong muốn bồi thẩm đoàn TAND Cấp cao xem xét lại mức bồi thường dân sự.
TH