Pháp luật

Khắc phục khó khăn trong quản lý can phạm nhân có biểu hiện tâm lý không ổn định

08:31, 30/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong số hàng nghìn đối tượng bị tạm giam, tạm giữ, hàng năm, Trại Tạm giam Công an Nghệ An còn tiếp nhận, giam giữ hàng trăm can phạm có những biểu hiện tâm lý, tư tưởng không ổn định. Những đối tượng này thường có các hành vi đập phá, chống đối, gây nhiều khó khăn cho cán bộ quản lý giam giữ.

Đối tượng Phan Công Trọng bị nhiễm HIV và có biểu hiện về tâm thần kinh gây không ít khó khăn cho cán bộ quản giáo
Đối tượng Phan Công Trọng bị nhiễm HIV và có biểu hiện về tâm thần kinh gây không ít khó khăn cho cán bộ quản giáo

Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An được đánh giá là một trong những đơn vị quản lý số lượng can phạm nhân bị tạm giam, tạm giữ vào diện lớn nhất so với cả nước. Bình quân mỗi năm, nơi đây tiếp nhận, bố trí giam giữ hàng nghìn lượt đối tượng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giam giữ 3.125 lượt đối tượng, trong số này có nhiều đối tượng bị kết án tử hình và hàng trăm đối tượng nằm trong các chuyên án, thuộc diện phải quản lý, giám sát nghiêm ngặt. Trong số này có một số lượng không nhỏ các đối tượng có biểu hiện tâm thần kinh, việc quản lý còn gặp khó khăn gấp nhiều lần. Không chỉ chống đối, các bị án này còn có những biểu hiện “bất thường” như tuyệt thực, la hét, cởi bỏ quần áo, đập phá buồng giam… khiến những người làm nhiệm vụ canh giữ luôn phải căng mình ra, vừa để quản lý, vừa chăm sóc, đóng vai trò là “bác sĩ riêng” để có các liệu pháp tinh thần kịp thời, hợp lý.

Thiếu tá Nguyễn Công Dung, Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh cho biết: Khó khăn trong công tác giam giữ là hầu hết các phạm nhân khi mới vào trại đều chưa ổn định về tư tưởng, thậm chí là có biểu hiện chống đối, vi phạm nội quy, kỷ luật của Trại. Tuy nhiên, với việc làm tốt công tác tư tưởng cho phạm nhân của quản giáo nên phần lớn các can phạm nhân đều nhanh chóng nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình, từ đó chấp hành tốt nội quy của Trại. Khó khăn lớn nhất đối với Trại là công tác quản lý những bệnh nhân có biểu hiện tư tưởng, tâm lý không ổn định, có dấu hiệu mắc các bệnh thần kinh. Từ đầu năm đến nay, thống kê tại đơn vị cho thấy, có 324 lượt đối tượng có tư tưởng không ổn định, cần giám sát đặc biệt.

Bên cạnh đó, đơn vị đã tiếp nhận, bố trí giam giữ cho 1.154 lượt đối tượng, với rất nhiều các loại tội phạm khác nhau, trong đó có 32 án tử hình. Trong số này có những đối tượng vừa mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, lại vừa có những biểu hiện tâm thần kinh khiến cho công tác giam giữ gặp không ít khó khăn. Đối với những đối tượng này, ngoài việc canh giữ, giám sát thường xuyên, khó khăn của lực lượng Cảnh sát bảo vệ trại giam là phải áp giải ra Viện Pháp y tâm thần Trung ương để giám định.

Các can phạm nhân khi được chuyển vào Trại, tùy theo từng đối tượng cụ thể, đơn vị sẽ giao trách nhiệm cho lực lượng Cảnh sát quản giáo phối hợp với đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh xá để có biện pháp, liệu pháp bảo vệ, điều trị thích hợp, vừa giúp bệnh nhân giảm được bệnh tật, vừa đảm bảo ANTT trong khu vực giam giữ, cách ly. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị bệnh nặng, dù được “chăm sóc” khá kỹ càng, song vẫn gây ra những tình huống khiến cho cán bộ trại giam vô cùng vất vả trong quá trình quản lý.

Lương Thị Hiền (SN 1976) trú tại bản Tóng, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu - đối tượng đã gây ra cái chết cho chính mẹ ruột của mình là bà Lương Thị Thương (82 tuổi) vào ngày 14/7/2016 là một ví dụ điển hình. Là người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, thường đi lang thang, vào thời điểm nói trên, khi đến nhà mẹ đẻ chơi, thấy bà Thương ở một mình, Hiền bỗng dưng lên cơn tâm thần, vác dao chém mẹ nhiều nhát khiến bà này chết ngay sau đó. Sau khi bị bắt tạm giam, Hiền không hợp tác, thường xuyên cởi quần áo, la hét và chửi bới làm náo loạn cả khu giam giữ. Đến nay, sau khi có kết quả giám định tâm thần, Hiền đã có quyết định đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

Một trường hợp khác là Nguyễn Quốc Khánh (SN 1960) trú tại phường Lê Mao, TP Vinh. Từng là cán bộ tín dụng của một ngân hàng, “bập” vào ma túy, Khánh bị sa thải và trở thành “ông trùm” mua bán “cái chết trắng”. Bị bắt cùng đồng bọn khi đang vận chuyển 20 bánh hêrôin từ Nghệ An ra Hà Nội tiêu thụ, Khánh đã nhiều lần giở trò, gây sự và quậy phá trong buồng giam. Thậm chí, lần thứ nhất TAND tỉnh Nghệ An mở phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo này kêu mệt mỏi, đau đầu, không nhớ gì để khai nên phiên tòa đã phải hoãn lại. Tiếp đó, lần thứ hai cũng tại tòa, Khánh lúc khóc, lúc cười và tỏ ra ngờ nghệch như người bị tâm thần. Trước tình trạng đó, phiên tòa đã phải hoãn để đưa Khánh đi trưng cầu giám định tâm thần.

Trong quá trình quản lý đối tượng có biểu hiện bị bệnh tâm thần, cán bộ cảnh sát Trại Tạm giam luôn chấp hành tốt các chủ trương, thực hiện nghiêm ngặt công tác tuần tra, canh gác bảo vệ Nhà tạm giam; duy trì chế độ điểm danh, kiểm diện, kiểm tra buồng giam, khu vực giam giữ, kiểm tra người, tài sản, đồ dùng tiếp tế của can phạm nhân để phát hiện, thu giữ vật cấm, phòng ngừa can phạm nhân sử dụng thực hiện các hành vi tiêu cực.

Ngoài ra, các cán bộ quản giáo còn phải đóng vai trò là bác sĩ, là người mẹ hiền để lắng nghe, quan sát, từ đó kịp thời nhận biết những biểu hiện tư tưởng bất thường ở can phạm nhân để kịp thời có các liệu pháp tinh thần giúp các can phạm này sớm có tư tưởng ổn định; đồng thời có các biện pháp quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, đề phòng những tình huống xấu.

Như Phương

Các tin khác