Pháp luật
Tòa án chưa phân chia tài sản, huyện đã vội làm thủ tục cấp đất?
(Congannghean.vn)-Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được cấp từ năm 1995. Sau phiên sơ thẩm, tòa án tuyên hủy để cấp lại vì chưa đúng trình tự, thủ tục. Trong khi người có quyền lợi liên quan đang nộp đơn đề nghị tòa án phân chia tài sản liên quan thì bất ngờ UBND huyện Thanh Chương đã ra quyết định thu hồi để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ mới toàn bộ lô đất này cho một người khác, gây bất bình và bức xúc trong dư luận.
Bà Lê Thị Bảy tại vị trí mảnh đất đang xảy ra tranh chấp |
Tòa chưa tuyên án, huyện đã thu hồi
Đơn kêu cứu của 3 chị em ruột gồm các bà: Lê Thị Ba (SN 1948) trú tại xã Thanh Tiên, Lê Thị Thìn (SN 1954) trú tại xã Hạnh Lâm và Lê Thị Bảy (SN 1959) trú tại xã Thanh Hưng, cùng huyện Thanh Chương gửi cơ quan chức năng với nội dung: Ông nội là cụ Lê Văn Trí, mất năm 1919, để lại tài sản là thửa đất số 197, tờ bản đồ số 2, diện tích 1.050 m2, thuộc địa bàn xóm 3, xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương. Tài sản trên đất là ngôi nhà 3 gian, lợp tranh, cũng là nơi làm nhà thờ của chi họ. Sau khi cụ Trí mất, lần lượt 3 người con trai của cụ và cháu nội là ông Lê Văn Kính trông coi phần đất này.
Năm 1990, do điều kiện gia đình, ông Kính đưa vợ con ra Hà Nội sinh sống, giao lại mảnh đất nói trên cho ông Lê Văn Niệm (con trai thứ 3 của cụ Trí, cũng là cha ruột của 3 bà) trông coi. Đến năm 1995, UBND huyện Thanh Chương đã cấp GCNQSDĐ mang tên ông Lê Văn Niệm cho thửa đất này, cùng với 5 thửa đất khác, có tổng diện tích 2.208 m2. Tại đây, ngôi nhà tranh đã được thay thế bằng ngôi nhà xây, lợp ngói khang trang.
Sau khi ông Niệm và vợ qua đời, do 2 ông bà có con trai là liệt sĩ, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên thể theo nguyện vọng, mấy chị em đã chọn mảnh đất và ngôi nhà của tổ tiên này làm nơi hương hỏa, thờ cúng liệt sĩ; đồng thời, thường xuyên thay nhau chăm lo, tôn tạo công trình nhà thờ của chi họ.
Theo trình bày của bà Bảy, năm 2012, trước lúc qua đời, mẹ của bà là Võ Thị Lực (vợ ông Niệm), có gọi ông Lê Văn Minh, là con trai cả của ông Lê Văn Kính, đồng thời là tộc trưởng chi họ, thông báo sẽ giao lại việc chăm sóc, quản lý nhà thờ và sẽ tách bìa đỏ phần đất thuộc nhà thờ để đứng tên cháu ông Niệm, với diện tích 300 m2, phần đất còn lại sẽ giao cho ông Minh quản lý.
Tuy nhiên, được sự ủy quyền của ông Minh, người em trai ruột là Lê Văn Quang đã đâm đơn ra TAND huyện Thanh Chương, kiện đòi toàn bộ mảnh đất này, yêu cầu huyện Thanh Chương phải hủy bỏ bìa đất đã cấp cho ông Niệm để cấp lại bìa đất mới mang tên ông Lê Văn Minh.
Ngày 28/9/2016, TAND huyện Thanh Chương đã mở phiên tòa sơ thẩm, cho rằng GCNQSDĐ mang tên ông Lê Văn Niệm cấp chưa đúng quy trình nên tuyên hủy để cấp lại cho ông Minh. Không đồng tình với kết quả này, phía bà Bảy kháng án và ngày 5/12/2016, TAND tỉnh đã có Quyết định số 13 đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Tuy nhiên, sau này bà Bảy đã rút đơn kháng án, chấp nhận bản án sơ thẩm là hủy bỏ bìa đất đã cấp cho ông Niệm, đồng thời nộp đơn đến TAND huyện Thanh Chương đề nghị được phân chia tài sản, cấp lại bìa đất tại mảnh đất tranh chấp nói trên. Do đó, ngày 16/3/2017, TAND tỉnh đã có Công văn số 02, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính liên quan.
Sau khi có Công văn này, trước đề nghị của ông Trình Văn Bằng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Thanh Chương, ngày 25/4/2017, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Đình Thanh đã ký Quyết định 1381, thu hồi GCNQSDĐ số H440059 đã được huyện Thanh Chương cấp ngày 16/12/1995 cho ông Lê Văn Niệm. Lý do thu hồi là theo quyết định của TAND đã được thi hành.
Tài sản chưa phân chia, đã làm thủ tục cấp bìa mới?
Một ngày sau khi có quyết định nói trên, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) huyện Thanh Chương có Công văn số 07, gửi bà Bảy và những người liên quan, đề nghị mang bản gốc GCNQSDĐ số H440059 đến nộp cho Văn phòng ĐKQSDĐ. “Trường hợp người sử dụng đất trên không chịu nộp GCNQSDĐ nói trên thì Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Thanh Chương báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy bỏ GCNQSDĐ, lập danh sách hủy bỏ gửi Sở TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai để thông báo công khai trên trang thông tin điện tử”, thông báo nêu rõ.
Trong khi vụ việc chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm thì ông Quang đã tiến hành xây dựng nhà thờ, đồng thời có ý định đập phá tài sản trên đất là ngôi nhà của ông Lê Văn Niệm để lại để chiếm toàn bộ mảnh đất này, buộc bà Bảy phải tiếp tục kêu cứu. Khi gõ cửa các cơ quan công quyền, bà này mới tá hỏa khi biết rằng, hồ sơ cấp đất cho ông Minh đã hoàn thiện và đã được Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Thanh Chương tiếp nhận.
Sau khi có ý kiến của bà Bảy và những người có quyền lợi liên quan, ngày 11/5/2017, UBND xã Thanh Hưng mới có Thông báo số 171 về việc tiếp nhận hồ sơ. Theo đó, sau khi nhận được đơn của bà Lê Thị Bảy kiến nghị về việc đề nghị chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sử dụng đất đối với thửa đất đã cấp cho gia đình, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết tranh chấp liên quan, UBND xã Thanh Hưng đã ra “tối hậu thư” với nội dung: “Do bà Bảy không gửi kèm hồ sơ, giấy tờ xác định mối quan hệ huyết thống giữa bố bà và ông nội bà; các loại giấy tờ chứng minh thửa đất nêu trên là của ông nội bà. Do đó, trong thời hạn 15 ngày, bà Bảy phải có trách nhiệm gửi các loại hồ sơ nói trên để có cơ sở giải quyết”.
Ông Lê Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết, việc tranh chấp đất đai liên quan đến thửa đất 197 tại xóm 3, xã đã nhiều lần đứng ra tổ chức hòa giải nhưng bất thành vì phía ông Lê Văn Quang không tham gia, không hợp tác. Lần hòa giải mới đây nhất là vào ngày 2/6/2017 nhưng vẫn không thành. Liên quan đến việc tiếp nhận hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Quang, lãnh đạo xã Thanh Hưng cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của UBND huyện Thanh Chương chứ bản chất vụ việc, những người đứng đầu chính quyền xã này “cũng không nắm được”.
Liên quan đến việc này, ngày 2/6/2017, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn 468 giao Sở TN&MT Nghệ An kiểm tra, hướng dẫn UBND huyện Thanh Chương giải quyết sự việc liên quan. Ngày 12/6/2017, Sở TN&MT Nghệ An có Công văn 3086 gửi Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, nội dung cho biết: Việc bà Bảy, bà Thìn và bà Ba tranh chấp quyền sử dụng đất do ông nội Lê Văn Trí để lại với ông Lê Văn Minh (cháu gọi ông Trí bằng cố) mà trên đất có tài sản để lại là tranh chấp về thừa kế tài sản (quyền sử dụng thửa đất 197, diện tích 1.050 m2 và tài sản trên đất). Căn cứ Khoản 5, Điều 126, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì quyền giải quyết thuộc về tòa án. Đối với việc ông Lê Văn Minh đã nộp hồ sơ xin cấp GCNQSĐ đối với thửa đất 197, tờ bản đồ số 2, diện tích 1.050 m2 tại Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Thanh Chương, Sở TN&MT đề nghị chưa xem xét để cấp GCNQSDĐ vì đang xảy ra tranh chấp; đồng thời, UBND xã Thanh Hưng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng, tác động làm thay đổi ranh giới, hiện trạng thửa đất như hiện tại.
Việc chỉ căn cứ vào bản án sơ thẩm của tòa án cấp huyện, ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã cấp hợp pháp trong hơn 20 năm để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ mới cho người khác, trong khi trên đất đang còn tài sản là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Mặc dù bản án đã có hiệu lực, song tài sản tranh chấp chưa được tòa án phân định trong một vụ án khác, do đó việc nhanh chóng làm thủ tục để cấp toàn bộ tài sản này mang tên người khác là việc làm vội vã, có dấu hiệu không minh bạch. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả những tình tiết mới nhất liên quan đến vụ việc này.
Thiên Thảo