Sáng nay, 19-6, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật An ninh mạng.
Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban soạn thảo; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập đã trình bày báo cáo tiến độ xây dựng Luật An ninh mạng và kết quả làm việc với thành viên Tổ biên tập; nội dung tiếp thu ý kiến góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập; một số vấn đề cần giải trình và xin ý kiến Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Theo đó, sau phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật An ninh mạng vào ngày 17-4, Thường trực Ban soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng có liên quan và thành viên Tổ biên tập thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ sau ngày 17-4 đến ngày 30-5, Thường trực Ban soạn thảo đã tổ chức 16 buổi làm việc với thành viên Tổ biên tập để thống nhất nội dung dự thảo Luật.
Toàn cảnh cuộc họp |
Ngày 4-5, Thường trực Ban soạn thảo đã báo cáo tiến độ xây dựng, những nội dung chính của dự thảo Luật An ninh mạng và sự khác biệt cơ bản giữa Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng trước Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Ngày 8-6, trên cơ sở nội dung đã thống nhất, để đảm bảo tiến độ xây dựng dự án Luật An ninh mạng, đồng chí Trưởng Ban soạn thảo đã ký công văn đề nghị Cổng thông tin điện tử Chính phủ và chỉ đạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đăng tải toàn văn dự thảo Luật An ninh mạng, dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án Luật An ninh mạng để lấy ý kiến nhân dân, thời gian lấy ý kiến đến ngày 8-8-2017.
Cũng trong ngày 8-6, Quốc hội đã họp thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018, theo đó, dự án Luật An ninh mạng sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (dự kiến tháng 10-2017), trình thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (dự kiến tháng 5-2018).
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập trình bày báo cáo tại cuộc họp |
Về xây dựng hồ sơ dự án luật, đến nay Thường trực Ban soạn thảo đã xây dựng được 7 văn bản, gồm: Dự thảo Luật An ninh mạng; dự thảo Tờ trình Chính phủ; dự thảo Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ; dự thảo Báo cáo tổng kết tình hình công tác an ninh mạng; dự thảo Báo cáo tham khảo kinh nghiệm nước ngoài; dự thảo Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính; dự thảo Báo cáo đánh giá tác động xã hội của chính sách an ninh mạng. Như vậy, về cơ bản hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Theo dự thảo Tờ trình Chính phủ, Luật An ninh mạng cần được ban hành để đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác an ninh mạng; thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng. Đồng thời bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự thảo Luật gồm 6 chương, 64 điều.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, cơ bản đồng tình với quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và cấu trúc của dự thảo Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến tham gia liên quan đến chức trách của bộ ngành mình, cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để góp phần giúp cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Luật An ninh mạng.
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn các bộ ngành, thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến hữu ích vào dự thảo luật; đồng thời mong muốn các đồng chí tiếp tục phối hợp đánh giá, góp ý, giúp Ban soạn thảo hoàn thành dự án Luật, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội thông qua.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Thường trực Ban soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, có văn bản giải trình, cũng như tiếp tục biên tập, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật An ninh mạng theo chương trình, kế hoạch đề ra.
.