Pháp luật
Cần hạn chế định lượng khi sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015
10:31, 15/05/2017 (GMT+7)
Không nên định lượng tuyệt đối mọi nội dung, đặc biệt là các quy định về hậu quả của tội phạm trong Bộ luật Hình sự 2015, bởi thực tế có những hậu quả phi vật chất không cân, đo, đong, đếm được.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015. Tuy nhiên, vì còn nhiều nội dung chưa thỏa đáng nên ngày 29/6/2016, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 144/2016/QH13 lùi hiệu lực thi hành BLHS để lấy ý kiến đóng góp của công chúng, giới khoa học và các cơ quan chức năng áp dụng pháp luật.
Chính vì vậy, cuộc hội thảo tổ chức ngày 9/5 tại ĐH Luật TPHCM đã thu hút được nhiều kiến nghị đáng chú ý.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng những quy định mang tính định lượng quá cụ thể và chi tiết về hậu quả tội phạm của nhiều điều khoản tại BLHS 2015 chỉ thỏa mãn được ý chí của người xây dựng luật.
PGS. TS. Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cho rằng việc này không đánh giá đến tính xã hội của vấn đề bởi tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm được thể hiện ở nhiều yếu tố khác nhau.
Theo ông Trần Văn Độ, đành rằng hậu quả tội phạm có ý nghĩa quan trọng nhưng không thể là yếu tố quyết định duy nhất. Vì hậu quả của tội phạm có thể vừa là hậu quả vật chất vừa là hậu quả phi vật chất. Hậu quả của các hành vi trong bối cảnh khác nhau cần được đánh giá khác nhau. Ví dụ hành vi xả thải ra môi trường với cùng một khối lượng chất độc hại như nhau, nhưng diễn ra ở các không gian khác nhau (vùng thưa thớt dân cư, vùng hoang vắng, khu dân cư tập trung, khu đô thị …) thì tính chất, mức độ nguy hiểm phải được đánh giá khác nhau.
Cũng theo PGS. TS. Trần Văn Độ, hầu hết tội phạm được định lượng theo các hậu quả về tính mạng, sức khỏe, tài sản mà không xuất phát từ tính chất khách thể của tội phạm là bất hợp lý. BLHS 2015 và Dự thảo sửa đổi BLHS 2015 cho người ta cảm giác đây là các tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, sở hữu. Trong đó, nhiều điều khoản chỉ quy định tách biệt hậu quả về tính mạng, sức khỏe, tài sản mà chưa có quy định nào khi hậu quả hỗn hợp xảy ra (ví dụ như vừa gây chết người, vừa gây thương tích, vừa thiệt hại tài sản…).
Thực tế cũng đã chứng minh định lượng trong xử lý tội phạm có thể mang lại hệ quả tiêu cực cho xã hội. Tội trộm chó và những chế tài xử lý căn cứ vào tài sản thiệt hại – thường chỉ mấy trăm nghìn đồng như hiện nay là một ví dụ điển hình. Vì con chó là vật nuôi trung thành, có gắn bó tình cảm với con người nên cách xử lý tội phạm này theo kiểu định lượng khiến tội phạm hầu hết chỉ nộp phạt hành chính. Điều này khiến người dân không thỏa mãn. Đó chính là lý do vì sao nhiều thôn, ấp tự lập đội bắt đối tượng trộm chó rồi tự “xử lý” tội phạm trước khi cơ quan chức năng kịp có mặt. Không ít sự việc đã mang đến hậu quả rất đáng tiếc cho cả tội phạm lẫn những người đã tham gia vụ việc loại này.
Đồng tình với đề nghị không nên định lượng quá cụ thể trong BLHS 2015 và Dự thảo sửa đổi, GS. TS. Trịnh Văn Thanh, Hiệu trưởng ĐH Cảnh sát nhân dân cho rằng không phải ngẫu nhiên mà pháp luật hình sự nhiều quốc gia sử dụng các thuật ngữ về hậu quả như “ít nghiêm trọng”, "nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” để xét đến yếu tố xã hội và định tính của hành vi phạm tội.
Vì vậy, ông Trịnh Văn Thanh kiến nghị nên theo quan điểm chỉ đạo của Quốc hội khóa XIV, tức là “đối với một số điều luật của BLHS 2015 đã được định lượng hóa chi tiết nhưng việc định lượng dẫn đến bỏ sót, chồng chéo hoặc không phù hợp thì đề nghị giữ lại như quy định của BLHS 1999, quy định có tính định tính. Việc hướng dẫn cụ thể sẽ do cơ quan có thẩm quyền thực hiện”.
Nguồn: Chinhphu.vn