Pháp luật
Bi kịch từ 'giấc mơ' Hàn Quốc
(Congannghean.vn)-Những năm trước đây, thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc không tiếp nhận lại lao động mới của Việt Nam nên ở nhiều địa phương đã rộ lên “cơn sốt” đi Hàn Quốc theo đường du lịch, thậm chí là kết hôn với người Hàn Quốc… Dẫu biết rằng trong “canh bạc” đầy may rủi này, các đường dây đưa người đi lao động trái phép sẽ không chịu trách nhiệm khi lao động bị bắt và trục xuất về nước nhưng người lao động vẫn đặt cược tính mạng, dồn hết tài sản vào đó để rồi “tiếp tay” cho hành vi vi phạm của các đối tượng. Vậy nên bi kịch đã xảy ra.
Bị cáo Lê Thanh Toàn bị tuyên phạt 18 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo về tội “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài” |
Mặc dù có tới 5 bị hại vắng mặt nhưng phiên tòa xét xử Lê Thanh Toàn (SN 1992) trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” vẫn được diễn ra. Trong số 7 nạn nhân chỉ có 2 người đến dự phiên tòa là Trần Thị Thu Trang trú tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh và vợ của anh Phạm Văn Oanh trú tại huyện Tân Kỳ.
Căn cứ tình tiết của vụ án và tài liệu của cơ quan An ninh điều tra thì đây là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Sau khi bị trục xuất về nước khi vừa đặt chân đến sân bay Hàn Quốc, Trần Thị Thu Trang đã trình báo cơ quan CSĐT và ra Hà Nội tìm việc làm. Hiện nay, Trang đã xin được một công việc ở Hà Nội, dù thu nhập không cao nhưng đó là công việc ổn định. Nhận được giấy triệu tập của Tòa án, Trang xin nghỉ việc trở về quê tham gia phiên xét xử.
“Học xong, em cũng nộp đơn, chạy vạy xin việc nhiều nơi nhưng chỗ nào cũng lắc đầu. Chờ mãi sốt ruột quá nên em đã nói với bố mẹ đặt vấn đề với anh Toàn để đưa sang Hàn Quốc tìm việc làm dưới hình thức đi du lịch. Vì thiếu hiểu biết nên em đã không lường trước được hậu quả. Hiện nay, anh Toàn đã trả lại cho em gần hết số tiền đặt cọc, em cũng đã nhận ra được sai sót của mình nên về đây để xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”, Trang tâm sự trong giờ tòa nghị án.
Trong lúc chờ Hội đồng xét xử vào nghị án, Trang và vợ của anh Oanh đã chủ động đi ra phía bị cáo và người nhà đang ngồi. Tôi không nghe rõ cuộc trò chuyện của họ nhưng họ nói cười với nhau khá thoải mái. Dường như tất cả đều đã nhận ra trách nhiệm, lỗi lầm của mình trong vụ án này, một phần cũng vì Lê Thanh Toàn đã bồi thường gần hết số tiền mà 2 gia đình bị hại đã nộp cho bị cáo.
Phiên xét xử diễn ra khá muộn do bị cáo đến chậm. Sau khi bị các nạn nhân làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an, ngày 5/9/2016, Lê Thanh Toàn bị bắt giữ, sau đó được tại ngoại để phục vụ điều tra. Toàn xin lỗi vì để Hội đồng xét xử phải chờ do anh ta bị chậm chuyến xe buýt. 24 tuổi, Toàn thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Thanh Toàn tại quê nhà do Toàn làm Giám đốc. Mặc dù không được cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động nhưng khi có người đến đặt vấn đề đi nước ngoài tìm việc làm, Toàn đã nhận lời.
Khoảng tháng 7/2015, thông qua các mối quan hệ, một số người biết Toàn có thể đưa người đi lao động tại Hàn Quốc bằng hình thức đi du lịch, Nguyễn Văn Cường, Tạ Hữu Xuân, Tăng Văn Mạnh, Phạm Văn Oanh, Trần Thị Thu Trang, Hoàng Đình Ngọc và Trần Đình Hùng đã đến đặt vấn đề với Toàn làm thủ tục đi xuất khẩu tại Hàn Quốc. Sau khi bàn bạc, Toàn hứa sẽ làm thủ tục cho họ đi lao động ở Hàn Quốc bằng con đường du lịch.
Theo đó, sau khi các công dân này nhập cảnh vào Hàn Quốc, Toàn sẽ tổ chức cho họ trốn ở lại lao động. Chi phí cho một người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc giao động từ 170 - 200 triệu đồng. Mỗi người đặt cọc trước 120 triệu để Toàn lo thủ tục, số còn lại sau khi nhập cảnh xong thì nộp đủ. Ngoài ra, Lê Thanh Toàn còn thỏa thuận với những người trên khi nhập cảnh vào Hàn Quốc mà không tìm được việc làm, nếu nhờ Toàn bố trí việc làm thì nộp thêm mỗi người 25 triệu đồng, còn ai tự tìm được việc làm thì không phải nộp.
Để xuất cảnh sang Hàn Quốc, người đi du lịch phải chứng minh năng lực tài chính nên trước khi đi, Lê Thanh Toàn đã tổ chức cho Nguyễn Văn Cường, Tạ Hữu Xuân, Tăng Văn Mạnh và Phạm Văn Oanh đi du lịch Singapo 3 ngày (từ 12 - 15/7/2015) với mục đích chứng minh điều kiện tài chính để sau này làm thủ tục nhập cảnh vào Hàn Quốc được thuận lợi.
Còn Trần Thị Thu Trang, Hoàng Đình Ngọc và Trần Đình Hùng khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, Toàn nhờ một người đàn ông tên Chang (quốc tịch Hàn Quốc, không rõ địa chỉ cụ thể) bảo lãnh khi họ làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Hàn Quốc với chi phí 300 USD/người. Theo kế hoạch, Toàn đặt vé du lịch sang Hàn Quốc cho 7 người trên với chi phí 12 triệu đồng/người. Khi 7 người này sang Hàn Quốc, người đàn ông tên Chang sẽ đón về khách sạn ở đảo Jeju. Để đưa họ từ khách sạn trốn vào nội địa, Toàn tiếp tục giao dịch với một người phụ nữ khác tên Quỳnh với chi phí 3.500 USD.
Ngày 5/9/2015, Toàn đưa 7 người trên ra sân bay Tân Sơn Nhất, giao toàn bộ giấy tờ thủ tục để xuất cảnh sang Hàn Quốc. Khi 7 người đến sân bay đảo Jeju thì bị cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện không đủ điều kiện nhập cảnh vào nước này nên ngày 7/9/2015, tất cả bị trục xuất về Việt Nam. Sau khi về nước, những người này làm đơn trình báo đến cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An. Ngày 5/9/2016, Lê Thanh Toàn bị bắt.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Toàn đã nhận của 7 người này số tiền 855 triệu đồng. Sau khi mọi người bị trục xuất về nước, Toàn đã hoàn trả mỗi nạn nhân một phần tiền, hiện nay bị cáo còn nợ các bị hại gần 300 triệu đồng.
Hội đồng xét xử kết luận, mặc dù công ty của Lê Thanh Toàn không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhưng Toàn vẫn tổ chức cho người đi lao động tại nước ngoài là vi phạm pháp luật. Bản thân bị cáo trong quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo. Ngoài ra, do phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, những người có nghĩa vụ trách nhiệm liên quan đến vụ án làm đơn giảm nhẹ hình phạt nên Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lê Thanh Toàn 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và phải hoàn trả lại đủ tiền cho các lao động.
Tại phiên toàn này, chủ tọa cũng nhận định rằng, lỗi một phần thuộc về 7 lao động, dù biết rõ Toàn đưa sang Hàn Quốc lao động thông qua con đường du lịch là bất hợp pháp nhưng vẫn đồng ý và có sự bàn bạc, thống nhất giữa các bên. Mặc dù vậy, mục đích của những người này cũng là mong muốn tìm việc làm, sau khi phát hiện đã cộng tác giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ án nên Hội đồng xét xử đã giao cho chính quyền địa phương kiểm điểm.
Những năm gần đây, tình trạng người Việt Nam xuất khẩu lao động chui dưới hình thức du lịch rồi bỏ trốn diễn ra khá phổ biến. Nghệ An là một trong các tỉnh có số lao động hết thời hạn nhưng vẫn trốn ở lại để làm việc, nhiều nhất là thị trường lao động ở Hàn Quốc. Tình trạng này kéo theo hệ lụy là Hàn Quốc chấm dứt tuyển dụng lao động ở 11 huyện trong tỉnh.
Vì “giấc mơ” Hàn Quốc, nhiều người đã sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để được đi theo con đường bất hợp pháp để rồi tiền mất, tật mang. Những đối tượng này khi bị bắt sẽ bị trục xuất ngay và không có cơ hội quay lại Hàn Quốc trong thời hạn 5 năm. Ngoài ra, họ còn có thể bị phạt tiền, phạt tù... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không rút ra được bài học để rồi phải nhận lấy cái kết đắng.
Anh Quân