Pháp luật

Đường xâm nhập của 'cái chết trắng'

15:04, 28/03/2017 (GMT+7)
Có thể, trong khi chúng ta đang nhận diện ma túy, thì bọn tội phạm đã "trình làng" thêm được một loại ma túy mới và đang tìm cách xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường. Vì vậy, để tránh bị động trước các loại ma túy mới, việc phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và triệt phá các đường dây ma túy ngay từ vòng ngoài vẫn là cuộc chiến không khoan nhượng của các lực lượng phòng, chống ma túy.
 
Hiện nay, mặc dù các quốc gia trong khu vực đã quyết liệt triệt phá mạnh những vùng trồng cây thuốc phiện và các băng nhóm tội phạm ma túy nhưng do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, chủ yếu là do mặt hàng này đem đến siêu lợi nhuận, nên hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tại khu vực Đông Nam Á vẫn diễn biến phức tạp.
Đối tượng mua bán ma túy trang bị vũ khí
Đối tượng mua bán ma túy trang bị vũ khí "nóng" bị bắt giữ
Nếu sản lượng thuốc phiện và heroin trong năm 2016 được đánh giá là không tăng so với các năm trước (khoảng 700 tấn thuốc phiện, tương đương 70 tấn heroin) nhưng hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển các loại ma túy tổng hợp nhóm ATS, nhất là Methamphetamine dạng tinh thể và các chất hướng thần (các loại ma túy mới) vẫn tiếp tục tăng mạnh ở hầu hết các nước.
 
Theo ước tính của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, riêng tại khu vực Đông Nam Á đã có 20 tấn Methamphetamine dạng tinh thể (ma túy đá) và 500 triệu viên ma túy tổng hợp được sản xuất, biến khu vực này thành nơi sản xuất ATS lớn nhất thế giới.
 
Bọn tội phạm có thể mua được tiền chất từ Ấn Độ, Trung Quốc để có nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất ma túy. Những đường dây mua bán ma túy được hình thành từ Trung Đông, Tây Phi đã chọn Đông Nam Á làm nơi tiêu thụ hoặc trung chuyển ma túy vào nước thứ ba. Nhiều nhóm tội phạm trong số này đã cấu kết với tội phạm ma túy khu vực Mỹ Latinh tổ chức vận chuyển cocain sang khu vực Đông Nam Á.
 
Trước tình hình đó, Việt Nam không tránh khỏi những tác động trực tiếp từ diễn biến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong khu vực. Mặc dù, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta cơ bản đã được kiềm chế từ trong nội địa song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Trên tuyến Tây Bắc và Bắc miền Trung, các lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy vào nội địa với số lượng lớn.
 
Đáng chú ý là tình trạng vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào vào Việt Nam đang gia tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Đầu năm 2016, trên tuyến biên giới này, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) đã triệt phá đường dây vận chuyển ma túy lớn từ Myanmar qua Lào vào Việt Nam, bắt 5 đối tượng, thu 91 bánh heroin và 35 nghìn viên ma túy tổng hợp.
 
Tại địa bàn biên giới Sơn La, Nghệ An, bọn tội phạm ma túy còn trang bị vũ trang để đối phó với lực lượng chức năng. Chúng còn lập lán trại để tập kết ma túy. Trên các tuyến này, lực lượng phòng chống ma túy đã bắt giữ hơn 5 nghìn vụ (chiếm 26% cả nước) với gần 7 nghìn đối tượng vận chuyển 210 kg heroin (chiếm 30%). Trong đó có nhiều vụ tội phạm đã vận chuyển trót lọt lượng lớn ma túy vào sâu nội địa mới bị phát hiện, ngăn chặn, như vụ bắt giữ 300 bánh heroin tại Phú Thọ, vụ thu giữ 18,5kg ma túy tổng hợp tại Nghệ An hoặc vụ thu giữ 10,66kg ma túy tổng hợp tại TP. Hà Nội.
 
Trên các tuyến biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển hàng trăm bánh heroin từ Việt Nam ra nước ngoài, và ma túy tổng hợp dạng đá từ nước ngoài vào Việt Nam.
 
Tại phía Nam, nổi lên hoạt động vận chuyển ma túy theo phương thức tạm nhập, tái xuất tại biên giới Việt Nam-Campuchia… Đặc điểm của các đối tượng mua bán ma túy vận chuyển đường bộ thường rất manh động, có nhiều ổ nhóm còn trang bị vũ trang, khi bị phát hiện thì chống trả quyết liệt.
 
Không chỉ đường bộ, ma túy còn được vận chuyển qua đường hàng không, đặc biệt là tuyến hàng không quốc tế. Bọn tội phạm ma túy lợi dụng việc du lịch thăm thân để vận chuyển ma túy với thủ đoạn tinh vi như trộn ma túy với mắm tôm, ép ma túy vào bìa các tông nhằm vô hiệu hóa các thiết bị kiểm tra.
 
Trong năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện 11 vụ, bắt giữ 12 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua tuyến hàng không, thu 7,5 kg heroin, 10kg cocain, 18,58kg ma túy tổng hợp.
 
Đáng lưu ý, trong số các đối tượng bị bắt vì vận chuyển ma túy, có trường hợp bị lợi dụng nhờ mang hộ những hàng hóa thông thường, nhưng bọn tội phạm đã tinh vi giấu ma túy bên trong để đánh lừa người vận chuyển và tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
 
Trên tuyến đường biển, việc vận chuyển ma túy có ít hơn nhưng thường là những vụ với số lượng rất lớn. Mới đây nhất, tại cảng Tân Vũ thuộc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng phát hiện 2 container được tàu quốc tịch Panama chở từ Hong Kong về Việt Nam không có người nhận.
 
Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và Công an Hải Phòng tiến hành phá kẹp chì, kiểm đếm số hàng trong một container. Qua kiểm tra có hàng trăm thùng carton, bên trong mỗi thùng có 4-5 túi nilon chứa lá Khát sấy khô; tổng trọng lượng số lá Khát bị phát hiện khoảng 2,8 tấn.
 
Trước thực trạng tội phạm ma túy nêu trên, biện pháp "gác cửa", ngăn chặn nguồn ma túy xâm nhập ngay từ biên giới vẫn là cuộc đấu tranh nóng bỏng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn nguồn cung chỉ mang tính bị động nếu như chúng ta không ngăn chặn được nguồn cầu về ma túy.
 
Vì vậy, giải pháp để giảm cầu vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền nhằm ngăn ngừa người nghiện mới, có giải pháp cai nghiện hiệu quả và đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy.

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác