Pháp luật

Xuất khẩu lao động 'chui' và những hệ lụy

16:16, 03/01/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là lợi thế của các địa phương trong việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), giúp họ có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, lợi dụng thị trường này, một số tổ chức, cá nhân không có chức năng tuyển chọn người đi XKLĐ đã tổ chức đưa NLĐ sang làm việc ở một số nước trái pháp luật, gây thiệt hại cho NLĐ và bức xúc trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến công tác XKLĐ chung của tỉnh Nghệ An.

Cơ quan ANĐT và Viện KSND tỉnh tiến hành các thủ tục tố tụng đối với Trần Văn Trung
Cơ quan ANĐT và Viện KSND tỉnh tiến hành các thủ tục tố tụng đối với Trần Văn Trung

Lâu nay, Nghệ An luôn đứng đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ, hiện có trên 56.000 người đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nguồn thu nhập do XKLĐ chuyển về ước tính đạt 250 triệu USD/năm. Riêng trong năm 2016 có 10.125 người. Nhờ XKLĐ mà kinh tế của nhiều địa phương đã có sự phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao.

Huyện Yên Thành là địa phương được đánh giá cao trong công tác XKLĐ, với một lượng lớn con em trên địa bàn hiện đang sinh sống, lao động tại Hàn Quốc, Mỹ, Anh và các nước Đông Âu... Tại xã Sơn Thành, trong năm 2015, ngoại hối gửi về lên tới hàng chục triệu USD. Nhờ XKLĐ, nhiều hộ cận nghèo đã vươn lên khá giả, tham gia tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương; nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng khang trang, góp phần đưa huyện lúa Yên Thành ngày càng khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới.  

Hiện, huyện Thanh Chương có trên 2.200 người đi XKLĐ tại các nước như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc. Sau khi về nước, nhiều người đã đầu tư vốn kinh doanh và trở thành ông chủ các doanh nghiệp, công ty, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn.

Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý mong muốn sớm được đi XKLĐ của người dân, nhất là tại thị trường Hàn Quốc, một số cá nhân, doanh nghiệp tư nhân không có chức năng XKLĐ nhưng vẫn XKLĐ “chui”, gây thiệt hại cho NLĐ và làm ảnh hưởng đến công tác XKLĐ chung của tỉnh. Vụ Chi nhánh Công ty Cổ phần du lịch, dịch vụ HP (thuộc Công ty Cổ phần du lịch, dịch vụ dầu khí Hải Phòng) do Trần Văn Trung (trú tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định) làm Giám đốc là một ví dụ điển hình khi “qua mặt” Cục Quản lý lao động ngoài nước và Tổng Giám đốc Công ty, đưa hàng chục NLĐ ra nước ngoài trái phép.

Trong thời gian được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh, Trần Văn Trung đã lập Văn phòng giao dịch tư vấn tại Nghệ An và một số địa phương khác, chỉ đạo Trần Khánh Vũ (trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh) “tuyển” NLĐ trái pháp luật thông qua các tua du lịch. Tính đến ngày bị cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) Công an Nghệ An phát hiện, bắt giữ (5/2015), Trần Văn Trung đã ký hợp đồng, tổ chức đưa 29 NLĐ ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.

Việc làm trên của Trần Văn Trung đã gây hậu quả nghiêm trọng, xâm hại đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại của Nhà nước.

Những trường hợp XKLĐ theo con đường bất hợp pháp do “cò” hoặc các công ty không có chức năng XKLĐ như trường hợp Chi nhánh của Trần Văn Trung không phải là hiếm.

Mới đây, Phòng ANĐT Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Phạm Duy Tuyên (trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi tổ chức đưa người đi lao động trái phép. Tuyên đã thu 26.000 USD và 1 tỉ 240 triệu đồng tiền mặt của một số NLĐ ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để tổ chức người khác trốn đi nước ngoài bất hợp pháp thông qua các tua du lịch.

 Cơ quan ANĐT bắt, khám xét nơi ở của Phạm Duy Tuyên
Cơ quan ANĐT bắt, khám xét nơi ở của Phạm Duy Tuyên

Trước đó, năm 2006, Phạm Duy Tuyên đã bị tòa tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù cũng về tội danh trên. Hay như vụ Công an Nghệ An điều tra, làm rõ 2 đối tượng Nguyễn Thị Lan (trú tại Bắc Giang) và Hà Thị Mai Hương (trú tại TP Vinh) mượn danh nghĩa là Công ty TNHH (có trụ sở tại Bắc Giang) được phép hoạt động trên lĩnh vực du lịch để XKLĐ trái phép và thu tiền, gây thiệt hại lớn cho NLĐ.

Cũng vì XKLĐ bất hợp pháp nên hầu hết NLĐ sau khi sang đến xứ người đều bị bỏ rơi, nếu may mắn thì được bố trí vào làm việc tại một nông trại nào đó nhưng không được hưởng bất cứ chế độ gì, mức lương không tương xứng với sức lao động bỏ ra, thậm chí còn bị ông chủ đánh đập, buộc họ tìm đến công ty khác làm việc hoặc trốn sang các nước khác cư trú bất hợp pháp, một số người bị trục xuất trở về Việt Nam và trở thành “con nợ” của ngân hàng.  

Điều đáng nói, cũng vì tình trạng XKLĐ “chui” ngày một gia tăng, cộng với NLĐ hết thời gian hợp đồng lao động nhưng không về Việt Nam, cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại nên đã làm ảnh hưởng đến công tác XKLĐ chung của tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Phương Thủy, Phó Trưởng phòng Việc làm và an toàn lao động - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh cho biết, hiện nay, Nghệ An có trên 22.000 lao động cơ trú bất hợp pháp tại các nước, đứng thứ 16 cả nước. Riêng thị trường Hàn Quốc có trên 2.100 người đã hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước, làm ảnh hưởng chung đến quyền lợi của người đang có nhu cầu XKLĐ hợp pháp, đó là chưa kể hàng nghìn người cũng đang cư trú bất hợp pháp tại các nước khác.

“Đến nay, cơ quan chức năng phối hợp với Cục Lao động ngoài nước đã vận động, đưa được 1.251 người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về Nghệ An”, bà Đặng Thị Phương Thủy cho biết thêm.

Ngày 29/7/2016, Bộ LĐ,TB&XH có công văn về việc tạm dừng tuyển chọn NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2016 của 44 quận, huyện, thành, thị thuộc 11 tỉnh, thành phố. Trong đó, Nghệ An có 11 huyện, thành, thị gồm: Nghi Lộc, TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Cửa Lò, Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và Tân Kỳ. Đây là “thông điệp” buồn đối với hoạt động XKLĐ của tỉnh, nhất là những NLĐ đang chờ cơ hội được XKLĐ tại Hàn Quốc. Thực trạng này đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác quản lý XKLĐ ở Nghệ An.

Nguyên nhân một phần là các ngành chức năng, các địa phương chưa phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân lừa đảo XKLĐ trái phép. Cán bộ phụ trách công tác XKLĐ của chính quyền địa phương cấp huyện, xã chủ yếu còn kiêm nhiệm, do đó hạn chế trong quá trình quản lý, theo dõi lĩnh vực này.

Được biết, thời gian tới, Sở LĐ,TB&XH tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ; đồng thời tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm các đơn vị môi giới, cung ứng XKLĐ có hành vi lừa đảo. Ngoài ra, mở rộng các thị trường lao động có thu nhập cao, tạo môi trường XKLĐ lành mạnh.

Hữu Trọng

Các tin khác