Pháp luật
Phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên: Không thể lơ là!
09:07, 10/01/2017 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trên thực tế, thanh, thiếu niên (TTN) là lứa tuổi định hình nhân cách, rất dễ bị tác động và lôi kéo bởi các yếu tố, môi trường bên ngoài. Vì thế, việc giáo dục, tuyên truyền và định hướng để TTN tránh xa cạm bẫy, tệ nạn xã hội (TNXH), nhất là tệ nạn ma túy đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các lực lượng chức năng, với mỗi gia đình và toàn xã hội.
Nhằm nâng cao công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể trong phòng, chống tội phạm ma túy nói chung và phòng, chống ma tuý (PCMT) trong TTN nói riêng, trong thời gian qua, Công an Nghệ An và Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, cụ thể hóa Nghị quyết liên tịch số 03. Theo đó, hoạt động của các Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn lây lan, sự xâm nhập của tệ nạn ma túy. Ngoài việc tiếp cận, giúp đỡ 250 TTN chậm tiến, nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, các Đội “Thanh niên xung kích tại chỗ” đã cảm hóa, giáo dục hơn 300 TTN hư hỏng, nghiện ma túy, vận động 77 thanh niên đi cai nghiện bắt buộc. Những mô hình như “Bạn giúp bạn” cũng đã phát huy chức năng là chiếc cầu nối, giúp đỡ nhiều thanh niên cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Cán bộ Công an tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy tại trường học |
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Công an Nghệ An và Tỉnh đoàn đã đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt, phát động sâu rộng cuộc vận động “3 không với ma túy” trong TTN, cụ thể hóa các nội dung đến từng cơ sở, khu dân cư, khối xóm. Các cơ sở đoàn, nhất là ĐVTN các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thường xuyên tổ chức các hoat động tuyên truyền PCMT trong nhà trường gắn với duy trì, đẩy mạnh hoạt động của các “Hòm thư tố giác tội phạm”, “Hòm thư cứu bạn”, “Tìm địa chỉ đen”, các Đội “Thanh niên xung kích phòng, chống tội phạm và TNXH xâm nhập học đường”…
Nội dung hoạt động của các câu lạc bộ chủ yếu là tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật, không phạm tội và TNXH. Mô hình “Hòm thư cứu bạn” góp phần giúp HSSV phát hiện, tố giác những trường hợp HSSV vi phạm về TNXH, thông qua đó để giáo viên, nhà trường nắm bắt được kịp thời tình hình, sớm có biện pháp quản lý, giáo dục học sinh tiến bộ; đồng thời, phối hợp với nhà trường nhân rộng, củng cố và đẩy mạnh hoạt động của các mô hình “Bạn giúp bạn”, vận động ĐVTN tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cung cấp những thông tin có giá trị giúp lực lượng Công an và cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn các hoạt động tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy…
Thực tiễn đã chứng minh, tại cơ sở, lực lượng Công an và tổ chức Đoàn có điều kiện, cơ hội để gần gũi, nắm bắt tình hình thực tiễn tại địa phương. Trên cơ sở đó tổ chức phân loại, nắm hoàn cảnh gia đình từng người để lựa chọn cách thức tiếp cận, vận động đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp. Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 6.989 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 3.078 người nghiện lứa tuổi TTN. Việc quản lý, giáp dục lứa tuổi TTN rơi vào cạm bẫy ma túy rất khó khăn.
Vì thế, song song với công tác tuyên truyền và phát động các phong trào nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, TTN về hậu quả, tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình, xã hội và cộng đồng thì lực lượng Công an các cấp và Đoàn Thanh niên đã phối hợp triển khai các hoạt động quản lý, giáo dục, cảm hóa những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, Nghệ An đã phối hợp với Trại giam số 3 và Trại giam số 6 tổ chức 2 chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”.
Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện với phạm nhân có thành tích cải tạo tốt tại trại giam, chia sẻ của những thanh niên đã hoàn lương hòa nhập tốt với cộng đồng; nghe đại diện doanh nhân trẻ nói về cơ hội việc làm, mở hướng vươn lên cho thanh niên hoàn lương... Song song với đó là các hoạt động hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, vận động các cơ quan đoàn thể, nhà trường hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho thanh niên để ngăn chặn nguyên nhân phát sinh tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng; đồng thời, tạo điều kiện cho những đối tượng lầm lỗi tham gia các hoạt động Đoàn, Đội nhằm tạo sự đồng cảm, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội.
Trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho TTN về tác hại của ma túy và công tác PCMT ở một số cơ sở vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, với đặc điểm tâm lý lứa tuổi ở giai đoạn này, khả năng phân biệt và nhận thức đúng, sai, hợp lý và không hợp lý với lứa tuổi của người chưa thành niên còn rất hạn chế.
Hơn nữa, nhu cầu học theo, bắt chước theo những gì các em thấy thông qua bạn bè và các phương tiện thông tin khiến cho hành vi và nhận thức của TTN càng khó kiểm soát. Khi đó, nếu thiếu sự định hướng, uốn nắn kịp thời từ gia đình và nhà trường thì nguy cơ phạm tội sẽ càng trở nên rõ rệt. Vì thế, việc duy trì và nhân rộng những mô hình có hiệu quả trong PCMT ở TTN cần được đẩy mạnh và tích cực hơn nữa, tạo cơ sở, sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến khó khăn này.
Mai Hậu