Pháp luật
Điều tra, xử lý tai nạn lao động: Còn vướng mắc
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, mặc dù nhận được sự quan tâm giải quyết của các cấp, ngành, song tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trên cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Hệ lụy của “vấn nạn” này rõ ràng là vậy, song trên thực tế, công tác điều tra, xử lý trách nhiệm nhiều vụ TNLĐ vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ).
Việc điều tra, xử lý trách nhiệm các vụ TNLĐ một cách kịp thời giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ |
Theo thống kê của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2015, toàn tỉnh xảy 7 vụ TNLĐ, làm 7 người chết. 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ TNLĐ gây hậu quả nặng nề như: Vụ cháy lớn tại nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc HTX cổ phần dịch vụ tổng hợp Sơn Long đóng tại huyện Nghĩa Đàn khiến 4 công nhân bị thương nặng; vụ nổ đường ống dẫn dầu của máy ép thủy lực tại khu vực ép ván thuộc Công ty cổ phần thế giới gỗ Việt Nam, Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, làm 11 người gặp nạn. Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ TNLĐ còn cao hơn so với số liệu thống kê do nhiều doanh nghiệp (DN) còn tránh né việc báo cáo về TNLĐ.
Nguyên nhân của các vụ TNLĐ được đánh giá là do cả phía chủ sử dụng lao động, NLĐ và phía cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, lỗi do người sử dụng lao động chiếm đến 73% với những vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm an toàn; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; chưa huấn luyện an toàn vệ sinh cho NLĐ; không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động hoặc không có thiết bị an toàn… Về phía NLĐ, việc vi phạm quy trình, nội quy an toàn lao động và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân là tác nhân chính dẫn đến TNLĐ.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Sở LĐ-TB&XH, do nhân lực mỏng trong khi số lượng DN lớn nên công tác thanh, kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế, trung bình mỗi năm chỉ kiểm tra được 30 - 40 DN, trong đó Thanh tra Sở kiểm tra độc lập chỉ từ 15 - 20 DN, còn lại là phối hợp với các ngành.
Theo Sở LĐ-TB&XH, khi xảy ra TNLĐ nghiêm trọng hoặc gây chết người, cơ sở phải báo ngay cho Thanh tra Sở. Theo đó, Thanh tra Sở sẽ thông báo cho các cơ quan thuộc thành phần điều tra TNLĐ cấp tỉnh để cử người tham gia đoàn điều tra TNLĐ. Sau khi khẩn trương có mặt tại hiện trường TNLĐ, đoàn tiến hành điều tra, phối hợp với Công an cấp huyện tổ chức điều tra tại chỗ để lập biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm thương tích, thu thập vật chứng đối với các vụ TNLĐ chết người, TNLĐ nặng.
Quy định là vậy, song trên thực tế, mặc dù TNLĐ xảy ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng nhưng số vụ TNLĐ nghiêm trọng bị đề nghị khởi tố hàng năm của tỉnh cũng như cả nước còn khá “khiêm tốn”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, chỉ thực hiện truy tố các vụ TNLĐ nếu nguyên nhân là do lỗi của chủ sử dụng lao động; trong khi phần lớn kết quả điều tra là lỗi từ 2 phía: Chủ sử dụng lao động và NLĐ.
Ngoài ra, thanh tra ngành LĐ-TB&XH chỉ có trách nhiệm xử phạt hành chính, còn thẩm quyền điều tra, khởi tố thuộc về cơ quan khác. Trong khi đó, theo quy định tố tụng đòi hỏi quy trình điều tra kéo dài tới 6 tháng hoặc 1 năm. Sau thời gian đó, căn cứ kết quả điều tra, cơ quan quản lý lao động mới đưa ra kết luận chính thức.
Tại Nghệ An, một số vụ TNLĐ nghiêm trọng, gây chết người xảy ra thời gian qua đã được lãnh đạo DN, chủ sử dụng lao động phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc, điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan.
Trong khi đó, liên quan đến những vụ TNLĐ với mức độ ít nghiêm trọng hơn, chỉ gây thương tích về người và thiệt hại về tài sản, nhiều cơ sở, DN sử dụng lao động vẫn còn chậm trễ, thậm chí né tránh việc khai báo với cơ quan chức năng. Thay vào đó, họ tự thỏa thuận và giải quyết với gia đình bị nạn nhằm tránh gây ảnh hưởng tới uy tín sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình và bị truy cứu trách nhiệm.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Sở LĐ-TBXH đã đẩy mạnh việc lồng ghép tuyên truyền và đề cập sâu tới tầm quan trọng của việc khai báo tình hình TNLĐ tại các DN. Qua công tác thanh, kiểm tra, ngành cũng nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị trong việc điều tra, thống kê và báo cáo số liệu cũng như phân tích rõ tình hình TNLĐ.
Hồng Hạnh